<b>Nếu "bác sĩ áo trắng" có lúc phải bó tay trước một số loại bệnh thì "bác sĩ áo da cam" không được phép đầu hàng trước bất kỳ "bệnh tật" nào của lưới điện.</b><br>
Làm việc trong điều kiện vất vả, nguy hiểm song công nhân ngành điện luôn gắn bó với nghề
Họ là những cán bộ, công nhân có nhiệm vụ chuyên truy tìm và xử lý sự cố trên hệ thống lưới điện.
Bị bắt vì... nghi là kẻ trộm
Hai lần trước, chúng tôi thật không may, cứ chuẩn bị đi thực tế ở những đường dây xa nhất của thị xã Chí Linh thì trời mưa tầm tã. Có lần vào gần đến nơi thì không chỉ mưa mà gió còn giật ầm ầm do ảnh hưởng của cơn bão Doksuri. Hễ mưa thì vùng đồi núi Chí Linh có nhiều sấm sét hơn cả, thành thử chúng tôi phải vào trú chân trong một nhà dân để chờ mưa ngớt rồi quay ra.
Đến lần hẹn thứ ba, cũng mưa to nhưng chúng tôi quyết vào bằng được xã Bắc An. Anh Trần Trung Kiên năm nay 41 tuổi và có hơn 20năm làm trong ngành điện ở thị xã Chí Linh đi cùng. Theo lời anh, càng mưa bão thì thợ điện càng vất vả, vì khi ấy mới nhiều sự cố.
Xóm Tai Chua của thôn Cổ Mệnh, xã Bắc An nhìn ở ngay trước mặt, nhưng phải vòng vèo mãi mới thấy mấy nóc nhà thưa thớt hiện ra lúp xúp dưới màn mưa trắng xóa. Câu "mưa rừng, bão biển" quả thật không sai. Nước xối xả đổ xuống từ các sườn đồi. Nước cuồn cuộn chảy ào ào qua mặt đường lổn nhổn xuống con suối ngầu đỏ ven đường. Xóm Tai Chua bị dãy Dây Diều chạy dài qua các xã Bắc An, Hoàng Hoa Thám án ngữ. Trên các cánh rừng đầu nguồn, hàng cột điện nhấp nhô ẩn hiện. Khoát tay lên dãy núi, anh Kiên bảo:
- Nhìn gần thôi, nhưng từ đây leo lên được để tìm ra sự cố phải mất cả tiếng đồng hồ. Đêm trong rừng núi xuống nhanh hơn ở đồng bằng, lại gặp hôm mưa bão thì càng vất vả.
Anh Tuấn sinh năm 1986 và lớn lên ở xóm Tai Chua, ngay dưới chân dãy núi Dây Diều. Anh bảo có những đêm mưa bão, thấy tiếng chó sủa liên hồi, anh ra đầu nhà soi đèn đã thấy mấy người thợ điện lỉnh kỉnh đồ nghề đang tìm đường lên núi. "Tôi quen thông quen thổ nhưng đêm hôm cũng không dám vào rừng. Rừng này rậm rạp, nhiều rắn rết. Có dạo người dân còn bắt được những con rắn độc dài cả mét. Ai không có gan thì chẳng dám vào rừng ban đêm như thế", anh Tuấn nói.
Theo một số công nhân của Điện lực Chí Linh, không phải lúc nào cũng tìm ngay được sự cố. Nếu "đen" thì có khi đi đến cột cuối cùng mới phát hiện ra. Và đường điện vắt vẻo trên dãy Dây Diều kia chưa phải là xa nhất, mà phải là khu Đồng Châu, Hố Sếu. Có những chỗ đi từ Điện lực thị xã vào sâu khoảng 30 km, còn đi theo đường dây thì còn xa hơn gấp vài lần. Muốn tìm sự cố điện trong núi thì thường phải gửi xe máy ở nhà dân rồi mới cuốc bộ đường rừng, muỗi, vắt nhiều vô kể. Anh Kiên còn nói, nếu phát hiện cháy nổ, có khói bốc lên ở khu vực nào, người dân gọi điện thông báo còn đỡ, chứ lần mò từng cột quả thực rất khó khăn. Xử lý sự cố cũng không phải theo kiểu "bốc thuốc", mà phải trèo lên từng cột để lần dò. Ở thị xã Chí Linh, qua các khu rừng núi bây giờ vẫn còn nhiều cột điện bê tông cũ. Cột không có mấu trèo, chân cột nhỏ và càng lên cao càng to nên tiếp cận được đường dây không phải dễ dàng. Xà treo sứ cũng làm bằng bê tông đã bị phong hóa phía trên nên sắc nhọn. Nhiều người đổ máu sau mỗi lần xử lý sự cố trên các cây cột điện ấy.
- Người dân ở khuất nẻo trong các cánh rừng rất tốt, nhưng không phải ai cũng nhớ ra là khi phát hiện sự cố thì cần báo ngay cho ngành điện. Có lần đi cả buổi nhưng không tìm ra sự cố, nhưng đến khi vào nhà dân xin nước thì chủ nhà buột miệng "đêm qua thấy cột điện sau nhà bị cháy". Những lúc ấy vừa mừng, vừa... tức. Nhưng xử lý xong, người dân sẵn sàng mổ gà mời khách - anh Kiên kể tiếp.
Theo anh Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật, vận hành, an toàn Điện lực Chí Linh, hiện một số đường dây ở thị xã đã được lắp thiết bị cảnh báo sự cố. Tuy nhiên, thiết bị không chỉ ra được sự cố chính xác ở cột nào, dây nào mà chỉ khoanh vùng khu vực xảy ra sự cố. Thành thử để phát hiện và xử lý vẫn phải do con người là chính. Ngoài anh Trần Trung Kiên, Điện lực Chí Linh còn có một nhóm "bác sĩ" khác rất giàu kinh nghiệm phát hiện và xử lý sự cố đường dây. Cứ thế, người đi trước truyền dạy kinh nghiệm cho người đi sau, từ cách leo cột tiếp cận đường dây, hạ sứ, nâng sứ đến tạo chỗ ngồi vững chãi... Thế nhưng, có những đường nhánh rất dài, hàng chục công nhân mất đến 2ngày mới phát hiện ra sự cố. Ví như đường điện nhánh nông trường có chiều dài trên 100 km, hay nhánh Bãi Thảo qua xã Bắc An vừa dài vừa đi xuyên qua các cánh rừng đầu nguồn rậm rạp.
Không chỉ tập trung trên địa bàn 282 km2 của thị xã, Điện lực Chí Linh còn đang quản lý cả một hệ thống đường dây vòng sang thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Thế mới có chuyện khoảng tháng 7 vừa rồi, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Kiên cùng một công nhân sang xã Hồng Phong của thị xã Đông Triều để xử lý sự cố. Lúc ấy trời mưa, lại khoảng 2 giờ sáng. Trạm biến áp ở giữa đồng không mông quạnh nên anh Kiên để cho nhân viên đi cùng trông xe còn mình trèo vào. Đang lần tìm sự cố thì bỗng có ánh đèn từ tứ phía rọi vào, tiếng hô "đứng im" vang khắp cánh đồng. Cả anh Kiên và nhân viên bị dân quân xã Hồng Phong "tóm sống" vì nghi là kẻ xấu vào cắt dây đồng. Tình ngay lý gian, lại không có giấy tờ chứng minh là cán bộ của Điện lực Chí Linh nên cả 2 người bị bàn giao cho Ban Chỉ huy quân sự huyện Đông Triều. Chỉ khi anh Kiên nói có quen biết với một cán bộ của Ban Chỉ huy quân sự thị xã Chí Linh và phía Đông Triều gọi điện xác minh thì 2 người mới được thả. Tình cảnh trớ trêu song ai cũng cười xòa thông cảm.
Sức ép bủa vây
"Xuyên ti" là sự cố luôn ám ảnh đối với công nhân ngành điện
Đối với công nhân ngành điện, hễ xảy ra sự cố ở đâu thì phải có mặt ở đó để xử lý, cấp điện trở lại càng nhanh càng tốt. Thế nhưng sự cố thì không bao giờ báo trước nên công nhân luôn thấp thỏm. Nhiều người giấc ngủ cũng chập chờn vì không biết bị dựng dậy lúc nào nếu xảy ra sự cố. Nhất là trong mùa mưa bão, công nhân ngành điện càng vất vả vì dông sét có thể bất ngờ gây ra sự cố. Và sự cố thì muôn hình vạn trạng, có sự cố hữu hình, nhưng cũng có lúc như vô hình, không dễ dàng phát hiện, kể cả với những công nhân lành nghề nhất.
Qua nhiều thế hệ, những công nhân ngành điện vẫn thường truyền tai nhau về sự cố "xuyên ti" như một nỗi ám ảnh thực sự. Và sự cố này ở đâu cũng có, chứ không chỉ ở vùng rừng núi. Anh Nguyễn An Trường, công nhân Điện lực Nam Sách là một trong những người từng nhiều lần truy tìm và xử lý sự cố này. Anh Trường kể, sự cố để lại dấu vết thì dễ phát hiện, nhưng sự cố "xuyên ti" thì hầu hết nằm bên trong quả sứ. Mỗi quả sứ có một ti đồng xuyên dọc quả sứ, khi điện áp tăng đột ngột, ti đồng bị nổ, ngắt điện, nếu điện phóng ra ngoài, để lại vết xám ngoài vỏ sứ thì công nhân có thể đứng dưới đất phát hiện được bằng ống nhòm, nhưng không có dấu vết gì thì thợ điện phải lên cột kiểm tra từng quả sứ. Mặc dù nhiều kinh nghiệm nhưng anh Trần Trung Kiên ở Điện lực Chí Linh cũng rất ngại mỗi khi xảy ra sự cố này. Ở thị xã Chí Linh từng xảy ra sự cố "xuyên ti" tới 15 quả sứ. Các thợ điện chia nhau đi kiểm tra từng cột để rà tìm. Phát hiện rồi nhưng hạ sứ cũng không dễ dàng. Sứ chuỗi, mỗi chùm 4 quả nặng vài chục kg, đường kính mỗi quả khoảng 40 cm. Có những loại cột điện rất khó trèo, công nhân phải mang theo thanh gỗ để bắc lên cột làm chỗ ngồi.
Không chỉ khó khăn khi đối phó với các sự cố chuyên ngành, nhiều lúc công nhân ngành điện còn phải giải quyết các sự cố ngoài ý muốn. Ví dụ trận mưa lớn kèm theo dông sét trưa 26.7, các công nhân của Điện lực Nam Sách vừa thở phào vì vừa xử lý xong sự cố thì lại bị người dân... bắt đền lúa bị dẫm nát. Hay có lần công nhân Điện lực Chí Linh xử lý sự cố vào ban đêm nên vô tình đi xe máy vào đường bê tông mới làm. Công nhân ngỏ ý cho người đến làm lại đoạn đường nhưng người dân nhất quyết bắt đền tiền... Anh Trần Trung Kiên cho biết thêm, mặc dù so với các địa bàn khác, công nhân điện ở Chí Linh khá vất vả song so với các tỉnh miền núi thì vẫn nhàn hơn nhiều. "Vừa rồi anh em đi tập huấn ở Sóc Sơn, nhiều công nhân ngành điện ở Điện Biên, Lai Châu hay Sơn La kể có những chuyến đi rừng của họ cả tuần mới xử lý xong sự cố. Thành ra anh em ở Điện lực Chí Linh vẫn tự động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, xử lý sự cố nhanh nhất có thể. Nghề điện đã thành cái nghiệp rồi, tôi cũng chưa thấy anh em nào phải chuyển nghề vì vất vả", anh Kiên vui vẻ.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Điện lực Hải Dương, hạ tầng điện ở Hải Dương đi qua một số địa hình phức tạp. Nhiều đoạn qua rừng núi như ở Chí Linh, Kinh Môn nên công nhân quản lý, sửa chữa rất khó khăn, vất vả. Hiện nay, ngành điện sử dụng lực lượng cộng tác viên khá đông đảo. Đây là những cán bộ của các HTX Dịch vụ điện trước đây. Tuy nhiên, ngoài một số sự cố đơn giản cộng tác viên tại cơ sở có thể xử lý được thì hầu hết công nhân ngành điện phải trực tiếp có mặt giải quyết. Vất vả là thế nhưng bù lại họ đều gắn bó, chia sẻ khó khăn để duy trì nguồn điện liên tục, an toàn.
TIẾN HUY