Vật tư nông nghiệp tăng giá: Nhà nông thêm lo

25/11/2010 23:14

Hiện nay đang là thời điểm chăm sóc cây vụ đông của bà con nông dân. Tuy nhiên, giá các loại vật tư nông nghiệp trên thị trường đang tăng mạnh khiến sản xuất nông nghiệp của nông dân thêm phần khó khăn.


Giá phân bón tăng, nông dân phải tăng thêm 5-10% chi phí cho sản xuất nông nghiệp


Hiện nay, khi cây vụ đông đang lên xanh tốt cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tăng cao. Tuy nhiên, giá các loại vật tư nông nghiệp trên thị trường đang tăng mạnh khiến sản xuất nông nghiệp của nông dân thêm phần khó khăn.

Theo nhận định của nhiều nông dân, chưa bao giờ giá phân bón lại diễn biến bất thường như hiện nay. Bà Nguyễn Thị Hậu ở Gia Xuyên (Gia Lộc) cho biết: “Cũng trồng một sào bắp cải như năm ngoái nhưng năm nay chi phí đầu tư cao hơn. Chỉ tính riêng tiền thuốc BVTV, phân bón, vụ đông năm nay phải chi phí thêm vài chục nghìn đồng/sào”. Theo khảo sát của chúng tôi tại nhiều cửa hàng phân bón trên địa bàn tỉnh, từ đầu tháng 10 trở lại đây giá các loại phân bón đồng loạt tăng từ 200 đến 1000 đồng/kg (phân đạm Trung Quốc tăng từ 7.000đồng/kg lên 8.000 đồng/kg, phân lân từ 3.200 lên 3.600-3.900 đồng/kg, phân ka-li từ 7.700 lên 7.900 đồng/kg). Có thời điểm giá phân bón tăng theo tuần, thậm chí theo ngày. Nhiều loại giống cây trồng cũng tăng từ 2.000 đến 5.000 đồng/gói. Phân bón, thuốc BVTV tăng cao nhưng người dân cũng không thể giảm lượng hoặc thay thế bằng các loại vật liệu khác. Chi phí đắt đỏ cho vụ đông nhưng đến thời điểm rau màu thu hoạch rộ, giá rau lại giảm mạnh.

Không riêng với người trồng trọt, người chăn nuôi cũng đang gặp khó khăn do giá thức ăn và giống vật nuôi tăng vọt. Hơn 1 tháng qua, giá các loại thức ăn chăn nuôi tăng trung bình 5-7%, cá biệt có loại tăng thêm 10%. Đầu tháng 9, giá bán gà giống công nghiệp chỉ 5.000 đồng/con, nay tăng lên 12 nghìn đồng/con. Giá lợn giống cách đây 2 tháng chỉ 30 nghìn đồng/kg thì đến đầu tháng 11 đã tăng 40 nghìn đồng/kg. Anh  Nguyễn Văn Tuấn ở xã Cổ Bì (Bình Giang), chủ trang trại có diện tích gần 1 ha nuôi thường xuyên gần 20 con lợn thịt và gần 500 con gà, bình quân tiêu thụ gần 20 tấn ngô, cám mỗi tháng. Với tốc độ tăng giá như hai tháng gần đây, mỗi tháng gia đình anh phải chi thêm gần 1 triệu đồng tiền thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm. Ngoài cám, các loại thức ăn phụ trợ khác như đậu tương, lạc, sắn, bột cá cũng đua nhau tăng giá. Không chỉ riêng người nông dân mà ngay các cửa hàng bán vật tư nông nghiệp cũng đang trong cảnh “đứng ngồi không yên”. Chủ một cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi ở huyện Gia Lộc cho biết: “Giá cả cứ tăng như hiện nay cửa hàng cũng không dám nhập về quá nhiều cùng một loại cám. Hiện nay, các cửa hàng vừa bán, vừa nghe ngóng để bán với giá hợp lý, tránh tình trạng bán đắt cho người tiêu dùng hoặc quá thấp so với giá nhập chung sẽ phải bù lỗ”.  Giá vật tư nông nghiệp tăng cao là do nhiều loại phân bón trên thị trường trong nước phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ước tính hiện nay các nhà sản xuất phân đạm trong nước mới chỉ đáp ứng được 20-30% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phân ka-li gần như phải nhập khẩu 100%, các loại phân bón khác mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu. Bên cạnh đó, thời gian qua, do sự biến động của tỷ giá và những diễn biến phức tạp của thời tiết đã tác động tới giá vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nhiều loại giống cây trồng do chưa sản xuất được tại thị trường trong nước nên cũng “đội” giá lên cao so với cùng thời điểm năm 2009. Với diễn biến thị trường như hiện nay, dự báo giá vật tư nông nghiệp sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, nhất là thời điểm bước vào vụ xuân năm 2011 khi nhu cầu sử dụng giống, phân bón và thuốc BVTV của nông dân tăng lên. Thời điểm này, nông dân đang tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi để kịp thời phục vụ nhu cầu của thị trường Tết Tân Mão. Để đạt lợi nhuận cao, người nông dân buộc phải đầu tư mặc dù chi phí mua vật tư cho sản xuất nông nghiệp thời điểm này đã tăng 5-10%.

Trong tháng 10-2010, giá phân bón đã tăng từ 200 đến1.000 đồng/kg

Trong hoàn cảnh giá vật tư nông nghiệp liên tục biến động theo chiều hướng tăng cao, sâu bệnh diễn ra thường xuyên trong khi giá bán nông sản không tăng đáng kể đã khiến nhà nông càng thêm gánh nặng. Để giúp nông dân sản xuất thuận lợi, các ngành chức năng của tỉnh, nhất là ngành nông nghiệp cần đưa ra các giải pháp giúp nông dân tiết kiệm triệt để chi phí sản xuất, sử dụng phân bón theo đúng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và thực hiện nghiêm túc phun thuốc trừ sâu theo nguyên tắc "4 đúng", đồng thời sử dụng lượng thức ăn chăn nuôi phù hợp. Phương pháp xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ để giảm chi phí mua phân hoá học đang là một cách làm hay của nông dân Bình Giang, góp phần giảm bớt chi phí trong trồng trọt, hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao được giá trị của sản phẩm, cần được nhân rộng. Bên cạnh đó, các chủ đại lý, cửa hàng vật tư nông nghiệp, các HTX dịch vụ nông nghiệp cần có kế hoạch dự trữ nguồn hàng, cung ứng đủ nguồn vật tư nông nghiệp có chất lượng và giá cả hợp lý cho bà con nông dân, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng nâng giá bán bất hợp lý hoặc các đối tượng xấu lợi dụng cơ hội đưa ra thị trường các sản phẩm kém chất lượng.

 L.A

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vật tư nông nghiệp tăng giá: Nhà nông thêm lo