Vật liệu xây không nung khó vào các công trình

02/02/2018 15:48

Nhiều người dân vẫn e ngại, không sử dụng vật liệu xây không nung cho các công trình dân dụng...


Xuất bán ngói xi măng màu tại Công ty CP Vật liệu xây dựng mới Thành Đông (Tứ Kỳ)

Phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) để thay thế gạch sét nung là chương trình lớn của Chính phủ. Qua gần 4 năm triển khai, đến nay, kết quả thực hiện ở tỉnh ta đã có những chuyển biến nhưng VLXKN vẫn chưa được sử dụng rộng rãi.

Tích cực vào cuộc

Ngày 21.5.2014, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 11/2014/CT-UBND bắt buộc sử dụng VLXKN theo lộ trình đối với các công trình xây dựng có vốn ngân sách nhà nước. Cụ thể, tại các đô thị loại 3 trở lên phải sử dụng 50% trong năm 2014 và 100% VLXKN từ năm 2015 trở đi. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 30% đến hết năm 2015. Từ năm 2016 phải sử dụng 100% VLXKN.

Nam Sách là địa phương đi đầu trong việc hạn chế dần và xóa bỏ hẳn lò gạch nung thủ công của tỉnh. Huyện kiên quyết sử dụng 100% VLXKN trong các công trình sử dụng vốn nhà nước. Theo Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, năm 2017, tỷ lệ sử dụng VLXKN trong các công trình tư nhân trên địa bàn tăng gần 30% so với năm trước.

Ông Tăng Bá Bay, Trưởng Phòng Quản lý xây dựng Sở Xây dựng khẳng định: "Các công trình thuộc thẩm quyền thẩm định thiết kế kỹ thuật của sở đều yêu cầu thực hiện đúng quy định nêu trên". Từ năm 2014, các công trình xây dựng sử dụng vốn nhà nước đã sử dụng gạch không nung như trụ sở Liên đoàn Lao động tỉnh, Thư viện tỉnh, nhà tưởng niệm nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng và gần đây như tòa nhà BIDV Thành Đông, nhà hiệu bộ Trường Chính trị tỉnh... Ngoài ra, không ít công trình lớn vốn ngoài ngân sách nhà nước cũng đã dùng trên 30% VLXKN như 2 tòa chung cư CT1 và CT2 tại khu đô thị mới Tuệ Tĩnh (TP Hải Dương), chung cư 13 tầng đang xây dựng ở khu Đông Ngô Quyền...

Tuy nhiên, còn không ít chủ đầu tư vẫn ngần ngại khi sử dụng VLXKN. "Công trình xây dựng dùng vốn nhà nước triển khai hằng năm không nhiều. Trong đó không ít chủ đầu tư công trình vẫn không thích dùng VLXKN. Có người sợ ảnh hưởng chất lượng công trình, nên đã gửi văn bản đề nghị không dùng VLXKN", ông Tăng Bá Bay cho biết thêm.

Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2017, Hải Dương mới sử dụng hơn 150 triệu viên VLXKN tiêu chuẩn, chưa đạt 15% tổng lượng vật liệu xây toàn tỉnh. Nguyên nhân chủ yếu do người dân chưa quan tâm sử dụng VLXKN để xây nhà. Ông Nguyễn Văn Thanh đang xây nhà ở 3 tầng tại khu đô thị phía đông TP Hải Dương cho rằng: "Gạch nung hiện nay có chất lượng kém xa 4-5 năm trước. Nhưng thói quen và tâm lý của phần đông người dân vẫn thích dùng gạch nung. Hơn nữa, người dân còn e ngại chất lượng VLXKN nên vẫn chưa sử dụng. Một yếu tố nữa theo tôi thấy là thợ xây vẫn còn ngại xây gạch không nung".

Nhiều việc cần làm

Hải Dương hiện có 3 doanh nghiệp sản xuất gạch xi măng cốt liệu, 1 doanh nghiệp sản xuất gạch nhẹ bê tông khí và khoảng 50 hộ sản xuất VLXKN quy mô nhỏ với tổng công suất thiết kế gần 256 triệu viên tiêu chuẩn.

Công ty CP Đoàn Minh Công (Tứ Kỳ) đã đi đầu sản xuất công nghệ gạch xi măng bê tông cốt liệu từ năm 2007. Với khả năng cung ứng 150 triệu viên/năm, công ty chủ yếu cung cấp cho các dự án lớn ở Hà Nội và Hải Phòng, trong khi thị trường Hải Dương sử dụng không nhiều... Theo đại diện lãnh đạo doanh nghiệp này, cần có chính sách rõ ràng, nhất quán và dứt khoát hơn khi hạn chế vật liệu nung. Trong khi sản xuất và tiêu thụ VLXKN vẫn còn khó khăn thì tốc độ phát triển gạch nung vẫn mạnh, giá lại cạnh tranh.

Công ty CP Sông Đà Cao Cường (Chí Linh) là một trong những doanh nghiệp đi đầu sản xuất gạch nhẹ bê tông khí (AAC) từ chất thải tro xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện chạy than, hóa chất, công suất thiết kế 142,2 triệu viên tiêu chuẩn mỗi năm. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà Cao Cường cho rằng: Thời gian qua, Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản về sử dụng VLXKN. Nhưng khi triển khai vào thực tế lại chưa được như mong muốn. Phát triển VLXKN phải đầu tư công nghệ mới, nhưng cơ chế chính sách chưa đồng bộ, hỗ trợ doanh nghiệp không được nhiều. Các chính sách ưu đãi vẫn chủ yếu ở tầm vĩ mô. Doanh nghiệp tiếp cận vốn ưu đãi còn khó khăn, cơ chế ưu đãi thuê mặt bằng sản xuất còn chung chung, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 là sử dụng 30% VLXKN trong tổng lượng vật liệu xây (mức thấp nhất theo chương trình của Chính phủ). Để đạt được mục tiêu này xem ra vẫn còn nhiều khó khăn.

THÀNH LONG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vật liệu xây không nung khó vào các công trình