Cụ lang Sinh vừa cắt thuốc Bắc, vừa châm cứu, năm nay đã vào tuổi 82 nhưng còn khoẻ và minh mẫn. Nước da đỏ hồng, mái tóc bạc trắng, phong thái điềm tĩnh, cẩn thận nhưng không rề rà, cụ thường mặc bộ quần áo lụa màu mỡ gà, vừa rộng rãi, mát mẻ, vừa hợp tuổi tác. Tất cả ở cụ đều toát ra một cái gì đấy vừa lịch lãm, vừa sang trọng và rất là thầy thuốc.
Róc chén nước mời tôi rồi cụ quay vào mở tủ. Vừa mở, cụ vừa nói: "Có ông là khách quý tôi mới cho xem. Ông vui lòng chờ tôi một chút". Sau lần khoá thứ nhất, cụ mở đến cái hòm nhỏ bên trong rồi khẽ khàng nhấc ra một cái hộp gỗ to hơn bàn tay và dầy chừng mươi phân. Chiếc hộp sơn mài đen bóng có khảm trai hình hoa lá và bốn góc đều bịt bạc. Bộ khuy hộp cũng bằng bạc có chiếc khoá tí xíu, chỉ to bằng nửa đốt ngón tay. Để cái hộp trên bàn, cụ lấy khăn mặt mới, khô lau qua một lần rồi từ từ mở hộp và nhấc ra hai vật: đó là lá cờ đỏ sao vàng bằng vải, to cỡ hai bàn tay. Cờ may bằng lụa còn tươi nguyên màu đỏ. Ngôi sao vàng năm cánh mập và ngắn. Vật thứ hai là chiếc cân tiểu ly. Cán cân tròn vo, đen bóng và nhẵn thín, chỉ dài gần bằng chiếc đũa. Đĩa cân bằng đồng mỏng tang và nhỏ như lòng bàn tay trẻ con. Ba chiếc dây buộc đĩa bằng bạc nhỏ xíu đánh móc lèo truyền nhau. Quả cân bằng đồng màu nâu xám. "Chiếc cân này của bố tôi thửa ở phố Hàng Cân do người thợ giỏi ở Bái Dương thuộc Cẩm Giàng làm ra. Hộp đựng cân cũng mua ở đấy. Mỗi cân có một hộp. Khi bố tôi mất, để lại cho mẹ tôi. Mẹ tôi để lại cho tôi". Chiếc cân xinh xắn, xem mãi không chán. Tôi hỏi cụ: "Nay cụ vẫn hành nghề nhưng cụ không dùng đến nó?".
- Cân tiểu ly này xưa chỉ dùng cân thuốc phiện hay sâm nhung thôi. Hiệu thuốc nào có cân này là hiệu khá giả có tiếng đấy. Những ông lang vườn sao có. Nay không dùng đến nó vì cân nhiều. Vả lại hai báu vật tôi phải giữ làm kỷ niệm. Nó thành linh vật các cụ tôi để lại cho con cháu.
- Thưa cụ, vậy thì mỗi vật báu này hẳn có sự tích của nó. Cụ có thể nói chuyện cho cháu nghe được không?
- Chuyện dài lắm.
***
Ở làng Vệ Trì gần chân núi Yên Phụ thuộc phủ Kinh Môn xưa có cô gái tên là Tương. Cô khoẻ mạnh và khéo léo trong nết làm ăn. Nhà cô nghèo, bố mẹ lại mất sớm. Cô ở với người anh cũng nghèo. Năm mười tám tuổi, cô lấy chồng ở làng rồi sinh được cậu con trai kháu khỉnh đặt tên là Sinh. Vừa ba tuổi thì Sinh mồ côi cha bởi một chuyến người cha vào rừng Đông Triều lấy tre về làm nhà thì bị rắn độc cắn. Cô Tương làm thuê làm mướn nuôi con. Khi cậu bé Sinh lên năm, một tối cô Tương đến bảo người anh trai:
- Anh ơi, em ở nhà nuôi con, vất vả thế mà chỉ đủ bữa cơm bữa cháo. Nay em muốn nhờ anh chị trông nom, nuôi nấng cháu hộ em để em đi làm xa, may ra có thể khá giả hơn. Cháu nó cũng lớn rồi, để nó chơi với con của anh chị, chả phải bế ẵm gì đâu. Hằng tháng em sẽ gửi tiền để anh chị đong gạo cho cháu ăn. Em mong anh chị thương em và cháu.
Hai ngày sau cô đưa con đến nhà anh chị rồi cùng mấy người bạn lên vùng Chàng, Chũ làm thuê. Được cái thằng cu Sinh hiền lành, lại có thằng anh hơn nó 1 tuổi làm bạn chơi nên chẳng khóc mếu gì, cô cũng yên tâm. Những ngày đầu cô đi cấy, dỡ lạc, dỡ khoai, làm cỏ, dọn vườn thuê. Cơm ngày hai bữa chủ nuôi. Sáng lại có củ khoai. Mỗi ngày cũng có vài hào tiền công. Thôi thế cũng là được chứ ở làng lấy đâu ra việc mà làm. Một vài tháng, các cô lại cử một người mang tiền về cho nhà đong gạo. Hết việc đồng áng, các cô được một người mách lên Thái Nguyên làm chè. Làm chè có việc quanh năm nào là hái chè, sao tẩm chè, chăm bón chè... Mà ở đây nhiều nhà có hàng mẫu đồi chè làm không xuể. Làm chè được ba năm, một hôm đang hái chè, cô bảo bạn: "Này, tự nhiên tao nóng ruột thế. Hay là ở nhà anh chị tao có chuyện gì”. Bạn cô vặn lại: "Chuyện gì, mày chỉ vớ vẩn. Thôi để cuối tháng này mày về, mang tiền cho cả chúng tao luôn thể".
Cuối tháng, Tương về đến đầu làng đã nghe mọi người ngồi lê ở bên đường nói bóng gió."Hôm nay mới về thì còn lốt"; "Tham cực thì cực thân". Mà cái thằng ấy cũng khốn nạn cơ. Coi như nó ăn thịt cháu chứ còn gì"; "Tìm á. Chim trời cá nước tìm ở đâu. Thật là khốn nạn". Đến nhà chị mới vỡ lẽ, thằng cu Sinh con chị không còn ở với cậu mợ nó nữa (ở quê chị, dù là anh mẹ hay em mẹ đều gọi là cậu).
- Cô phải hiểu cho tôi- người anh nói - tình cảnh đói nghèo thóc cao gạo kém này, vụ vừa rồi mất mùa, giờ mới là tháng tư, qua cái đận giáp hạt khổ lắm. Cả cháu nữa là nhà tôi năm miệng ăn. Tôi lo sao được nên đành phải cho nó đi làm con nuôi người ta để nó khỏi khổ, chứ tôi có muốn thế đâu...
Thôi thôi, tôi không nghe nữa, chị đáp, sao cậu không nói toạc ra là cậu cờ bạc, thua lỗ, cậu phải bán cháu vào đấy để thế nợ. ối con ơi là con ơi! ối anh ơi là anh ơi...
Chị khóc suốt đêm. Sáng hôm sau chị ra đi tìm con. Dò hỏi mãi, chị mới biết thằng bé được bán cho một ông chủ thuyền mành quê Thanh Hoá. Hết ngày này sang tháng khác, chị vừa làm thuê kiếm ăn vừa dò hỏi tìm con. ở đâu chị cũng chỉ làm một vài ngày rồi lại đi nơi khác. Cứ thế ngày qua ngày, tháng qua tháng, đã hai năm đi tìm con mà vẫn bặt vô âm tín. Chị đã mất hy vọng gặp lại thằng Sinh. Chị nhẩm tính nếu còn năm nay nó vừa mười tuổi. Chị đã đi tận Thanh Hoá rồi ra cả Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên mà vẫn không có tin tức gì về thằng Sinh. Lần này, chị quay về Hà Nội, may ra có gặp. Dừng lại ở Bồ Đề ven sông Hồng, chị vào làm thuê cho một gia đình làm nghề thuốc Bắc. ông chủ mới 45 tuổi, vợ chết mà vẫn chưa có con cái gì. Chị năm ấy vừa ba mươi. Lúc đầu chị ra bãi sông Hồng trồng cây thuốc nam cùng 4 người nữa. Bãi của ông trồng toàn hoa cúc vàng rực và thơm ngát. Năm chị em cùng làm thì ba người quê ở ngay đấy, tối họ về. Còn lại chị và một cô tên là Thảo ở lại nhà chủ. Thảo cũng ở xa, đã có chồng và hai con. Qua lời kể, chị biết ông chủ tên là Hưng. ông có cửa hiệu thuốc Bắc trên mặt đường nhựa phía Hải Dương lên có biển hiệu Hưng Long. Hằng ngày ông vẫn ở cửa hiệu, thỉnh thoảng mới đáo về nhà. Ngôi nhà được giao cho hai chị em quản lý, luôn sạch sẽ gọn gàng. Lần nào về thấy cửa nhà ngăn nắp, mấy sào bãi hoa cúc xanh tươi, sạch cỏ đỏ hương, ông chủ hài lòng lắm. Dần dần ông thấy mến chị, nhất là từ lúc biết hoàn cảnh giữa đường đứt gánh của chị.
Sau nửa năm chị ở và làm cho ông, một tối, ông về nhà. Qua những phút ngập ngừng khó nói, qua những cử chỉ bối rối, ông Hưng mạnh dạn:
- Cô Tương ạ. Bây giờ thì cô đã biết hoàn cảnh, tính nết của tôi. Tôi cũng thấy cô là người thật thà, tử tế lại khéo léo và chăm chỉ. Cô có thương tôi thì ở lại đây với tôi.
Em cảm ơn ông đã có lòng thương, nhưng em còn đứa con lưu lạc...
- Tôi hiểu lắm. Nếu cô bằng lòng thì rồi chúng ta cùng tìm con chứ sao. Tôi có nhiều bạn bè khắp nơi, hy vọng sẽ sớm tìm được cháu.
***
Gần Tết năm ấy, cô Tương trở thành bà chủ. Mặc dù vậy cô vẫn đối xử rất tử tế với bốn chị em gái làm vườn nên ai cũng quý cô. Cũng từ ngày ấy, ông Hưng không cho cô ở nhà trong nữa mà ra cửa hiệu giúp việc. Tương ăn mặc khác hơn, chải tóc khác hơn ra dáng một bà chủ. Được cái cô tinh ý và khéo tay nên ông bảo gì cô làm được ngay. Lúc đầu từ việc gói thuốc cho khách đến việc thái thuốc bằng dao cầu, nghiền thuốc bằng thuyền tán.. chả mấy chốc cô thuộc mặt hàng mấy chục vị thuốc kể cả những vị khó nhận như "Nhục thưng dung", "Gấu tầu', "Mã kích"... Cô còn phân biệt được đâu là vị Bắc, đâu là vị Nam, cả tính chất của từng loại thuốc. Vị nào mát, vị nào nóng, vị nào bổ âm, vị nào bổ dương... Thấy cô có năng khiếu về thuốc, ông Hưng có ý truyền nghề cho cô. ông dạy cô bằng thực tế từ bắt mạch, xem thần sắc bệnh nhân, tâm lý bệnh nhân để đoán bệnh mà bốc thuốc cho đến cấu tạo của cơ thể con người và mối quan hệ các bộ phận với nhau, sự ảnh hưởng qua lại với nhau… để suy diễn mà đoán bệnh. Có chỉ đúng bệnh thì thuốc mới nghiệm. Ông cũng không quên dạy cô cả y đức của người thầy thuốc. Cô học say mê lại vừa có thực tế, vừa có sách vở, nên chẳng mấy chốc đã tự chẩn bệnh và kê đơn cho người ốm. Mỗi lần như thế, ông đều xem lại và lần nào ông cũng rất hài lòng.
Càng phấn khởi vì cửa hiệu thuốc bắc Hưng Long ngày một có uy tín, khách đến ngày một đông. Thư cảm ơn ngày một nhiều. Cô Tương bây giờ béo trắng ra, đẹp như cô gái mới ngoài hai mươi. Tình cảm vợ chồng thì khỏi phải nói. Duy có một điều là đã mấy năm rồi mà cô không thấy dấu hiệu của thai nghén mặc dù chồng cô vẫn khỏe mạnh. Nối tiếp với việc ông Hưng ở với vợ trước ngần ấy năm mà vẫn không có con thì rõ ràng là tự ông. Cô buồn. Lại còn thằng Sinh, vẫn không hề có tin tức gì mặc dù cả hai vợ chồng đã đi nhiều nơi để dò hỏi. Cuộc đời sao lắm nỗi bất hạnh thế.
Nỗi buồn của cô vừa là nỗi buồn của người vợ, vừa là nỗi buồn của người mẹ. Biết được điều sâu kín ấy, ông Hưng càng chăm sóc vợ chu đáo hơn. Nhưng càng được chồng chăm sóc, cô càng thấy buồn. Và nỗi buồn chưa vơi đi thì nỗi buồn khác đã ập đến. Đó là 10 năm kể từ ngày cô lấy ông Hưng thì ông mất. Năm ấy, ông Hưng 55 tuổi còn cô vào 40 tuổi. Vừa lo giữ được cửa hiệu, một tài sản không nhỏ của chồng để lại, vừa lo không biết thằng Sinh bây giờ ra sao. Hà Nội lại đang loạn lạc. Nếu còn, Sinh đã 20 tuổi. Liệu nó có bị Tây bắt đi lính không? Hằng ngày, rầm rập những xe cam nhông chở Tây, chở ngụy chạy ra chạy vào thành phố. Nhiều lần cô khép cửa hé nhìn để hy vọng gặp con. Nhưng lần nào cũng chỉ thấy những bộ mặt tàn ác và súng ống tua tủa. Sinh vẫn biệt tăm.
Đến năm 1954 hoà bình lập lại. Không khí vui tươi phấn khởi tràn ngập khắp nơi. Gia Lâm bấy giờ là vùng ngoại thành nhưng cũng náo nức chuẩn bị cho ngày bộ đội về tiếp quản Thủ đô. Mọi việc ở gia đình như ngừng lại. Người người đổ ra đường dọn vệ sinh, sửa sang cây cối, cống rãnh, treo lại biển hiệu... Nhà nhà may cờ. Cờ to để treo ở cửa. Cờ nhỏ để cầm tay vẫy. Cô Tương cùng mấy người giúp việc dọn dẹp từ sáng. Ruột nóng như lửa đốt. Cầu trời khấn Phật cho thằng Sinh trong đoàn quân tiến vào thủ đô. Ngày ấy đã đến. Từ mờ sáng mọi người đứng cả ra hè phố, tay cầm cờ. Những chiến sĩ an ninh cầm loa sắt Tây chạy đi chạy lại giữ trật tự, không cho bất cứ một ai tràn xuống lòng đường. Đúng 8 giờ, đoàn ô tô mui trần gồm 10 chiếc từ từ đi vào cầu Long Biên. Trên xe, các chiến sĩ ngồi ngay ngắn, lưỡi lê tuốt trần. Ngay hàng đầu, một sĩ quan đứng lên giơ tay chào. Bàn tay mang găng trắng muốt. Cờ vẫy rối rít. Tiếng reo hò, hoan hô vang dậy. Hàng ngàn miệng cười. Hàng trăm dòng nước mắt sung sướng lã chã rơi. Như có linh cảm, cô Tương nhìn chằm chằm vào người sĩ quan đứng chào ở chiếc xe đi thứ hai. Cô gào lên "Sinh", "Phải Sinh không con". Người sĩ quan hơi nghiêng về phía tiếng gọi rồi lại nhìn thẳng, nghiêm trang. Đoàn xe qua rồi, mọi người ùa theo kín đường đi vào thành phố xem mít tinh. Cô Tương cũng lấy xe đạp vội vã theo. Đến nơi, 10 chiếc xe đỗ theo hàng dọc trên đường chờ vào địa điểm. Lúc này nhân dân mới ùa ra, tung hoa vào các xe, bắt tay bộ đội, tíu tít, vội vàng, cảm động. Cô Tương vứt xe đạp bên đường chen lên đến xe thứ hai, vừa chen vừa gọi "Sinh ơi", "Có phải con không". Từ trên xe, anh sĩ quan trẻ nhảy xuống ôm chầm lấy cô "Mẹ", "Mẹ". Cô ôm chặt lấy đứa con lưu lạc của mình. Hai mẹ con cùng khóc. Tay cô vẫn cầm lá cờ.
Tiếng còi rít lên giòn giã. Các anh bộ đội lại nghiêm chỉnh đúng vị trí của mình. Cô vừa khóc vừa dặn với: Số nhà 40 Gia Lâm con nhé. Đoàn xe lại từ từ lăn bánh.
Đêm ấy, cô không tài nào ngủ được. Cả đời cô, không có đêm nào hạnh phúc như đêm nay. Thế là đúng 20 năm cô mới gặp lại con. Nhưng từ khi nó bị cậu ruột bán đi, nó đã gặp những ai, bao nhiêu rủi ro, may mắn đã đến với nó? Đây là mơ hay là thật?
- Ông ạ, cụ Sinh nói với tôi, vậy mà một tháng sau tôi mới được về nhà mẹ tôi. Cả hai mẹ con, cảm động hết chỗ nói. Hàng phố đổ sang mừng vui suốt ngày. Tôi ở nhà ba hôm. Đêm đầu tiên hai mẹ con tôi ngồi đến sáng. Tôi kể hết cho mẹ tôi nghe cái đận ở thuyền mành, đi những đâu, làm những gì, chủ đánh đập ra sao? Đến lúc 17 tuổi, tôi trốn và đi bộ đội. Năm ấy là 1946. Đến năm 1960, lúc ấy có chủ trương giảm quân, tôi được phục viên, về ở nhà với mẹ rồi học nghề làm thuốc. Cũng năm ấy, tôi đưa mẹ tôi về làng thăm cậu mợ. Lúc đầu mẹ tôi vẫn giận lắm. Tôi phải van nài: "Mẹ ơi , cậu là ruột thịt của mẹ con mình. Cậu không ác nhưng vì nghèo và cạn nghĩ thôi. Mẹ phải đại lượng đi. Bỏ cậu thì nhà mình còn ai thân thích". Mãi, mẹ tôi cũng nghe ra. Hai mẹ con tôi tìm về đến nhà. Cậu mợ tôi đã già lắm. Cậu chỉ khóc thôi. Tôi hiểu những dòng nước mắt già nua kia có bao nhiêu lời mà không nói ra được.
Mẹ tôi trở thành thầy thuốc nổi tiếng về thuốc Bắc, thuốc Nam và cả châm cứu nữa. Đến năm 1994, cụ mất, thọ 85 tuổi. Trước khi nhắm mắt, cụ gọi tôi vào và bảo: " Anh giữ lấy hai vật báu này làm kỷ niệm. Cái cân tiểu ly của người thầy và cũng là bạn đời của tôi đã truyền nghề cho tôi để tôi truyền lại cho anh. Còn lá cờ... anh hiểu chứ".
Truyện ngắn của
VĂN DUY