Vào lớp sớm có phải là nguyên nhân làm trẻ thiếu ngủ, mỏi mệt?

22/10/2022 07:26

Có nên lùi giờ đi học của trẻ xuống 8 giờ-8 giờ 30 để trẻ có thêm nhiều thời gian ngủ hơn, bảo đảm sự phát triển của lứa tuổi là tranh luận của nhiều phụ huynh trong những ngày qua.

Trẻ ngủ ít không phải vì giờ vào học sớm

Trên một số diễn đàn, phụ huynh đang có những tranh luận về thời gian vào học phù hợp cho học sinh. Phụ huynh cho rằng hiện nay các trường tiểu học ấn định giờ vào học quá sớm, có trường yêu cầu học sinh 6h45' có mặt tại trường để 7 giờ vào học, có trường cho học sinh vào học lúc 7 giờ15'.

Chị Nguyễn Thị Thùy Linh, phụ huynh học sinh ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện nay con chị phải có mặt ở trường lúc 7 giờ sáng. Tính trung bình cháu chỉ ngủ 4-5 tiếng/ngày. Buổi chiều sau khi học chính thì cháu phải đi học thêm, khoảng 8 giờ tối về đến nhà, ăn uống tắm rửa thì 9 giờ. Sau đó cháu ngồi vào bàn học, số lượng bài tập nhiều, có hôm phải học đến 1 giờ sáng, bình thường thì khoảng 12 mới đi ngủ. Sáng ra 5 giờ 30 phải dậy chuẩn bị ăn sáng và ra xe buýt tới trường. Mặt cháu nào cũng ngơ ngác vì thiếu ngủ.

"Tình trạng thiếu ngủ triền miền như thế, dù có bồi bổ thuốc thang, ăn uống thế nào cũng rất khó để phát triển hoàn thiện, nhất là chiều cao. Tôi rất mong nhà trường sẽ điều chỉnh giờ học muộn hơn để trẻ con có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn", chị Lính chia sẻ.

Giải pháp hợp lý không phải là đẩy giờ học lên muộn hơn mà cần cho trẻ đi ngủ sớm hơn

Là một giáo viên, công việc của chị Lê Thị Huệ (Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội) còn vất vả hơn. "Sáng tôi phải gọi con dậy từ 5 giờ 45' hoặc 6 giờ sáng để đánh răng rửa mặt, mặc quần áo, ăn sáng vội rồi đi. Tôi thì 6 giờ 45' phải có mặt ở trường, muộn nhất là 7 giờ, nếu muộn hơn sẽ bị khiển trách. Nếu đề xuất các trường điều chỉnh giờ vào học muộn hơn, tôi rất ủng hộ", chị Huệ nói.

Tuy vậy, vẫn có những ý kiến không đồng tình và cho rằng các gia đình cần bố trí thời gian nghỉ ngơi của trẻ phù hợp, không nên đổ lỗi cho giờ vào học sớm hay muộn.

Theo PGS.TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam, trẻ con ít ngủ đơn giản không phải vì thời gian phải có mặt ở trường sớm quá mà là do trẻ đi ngủ quá muộn. Đô thị hóa, cuộc sống công nghiệp, áp lực công việc, không gian sinh hoạt trong gia đình chật hẹp, người lớn thiếu hiểu biết và vị kỷ đã làm cho trẻ em sinh hoạt theo lịch của người lớn. Cha mẹ thức đến 11 giờ mới ngủ thì con cũng thức đến 11 giờ. Cha mẹ qua 12 giờ mới tắt tivi, điện thoại, tắt đèn thì tầm đó con cũng mới ngủ.

Ngoài ra, việc trẻ phải làm quá nhiều bài tập, bị cha mẹ ép học thêm (thêm bài tập) cũng là một lý do làm cho trẻ không được đi ngủ sớm. Vậy thì giải pháp hợp lý không phải là tăng giờ học lên muộn hơn mà là cần phải thực hiện cho trẻ đi ngủ sớm hơn. Ví dụ 9h tối là trẻ mầm non và tiểu học phải vào giường đi ngủ.

Theo khuyến cáo của nhiều tổ chức Y tế, trẻ trong độ tuổi từ 6-13 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7-8 tiếng/ ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo từ 9-11 giờ mỗi đêm cho lứa tuổi này. Với những trẻ trong độ tuổi từ 14-17 tuổi phải ngủ đủ tối thiểu 7 tiếng/ngày và thời gian ngủ trung bình cho lứa tuổi này phải từ 9-11 giờ mỗi đêm. Nhu cầu được ngủ đủ giấc với học sinh là rất quan trọng. Nếu không ngủ đủ giấc, những đứa trẻ đang tuổi lớn sẽ không thể tỉnh táo, sáng suốt, tập trung cho việc học.

Tình trạng học sinh ngủ gật trong giờ học, nhất là tiết đầu, khiến giáo viên rất vất vả. Càng mắng mỏ, ép buộc, ra lệnh thì học sinh càng căng thẳng dẫn tới chán học, sợ học cũng là yếu tố tác động, làm cho học sinh càng dễ buồn ngủ trong giờ học.

Điều chỉnh giờ học cần được nghiên cứu kỹ

Theo PGS.TS Nguyễn Tùng Lâm, việc điều chỉnh lại giờ học cho phù hợp với nhịp sinh học của từng nhóm tuổi cũng là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, cấp học nào lùi giờ đến thời điểm nào thì cần phải có thêm các nghiên cứu khoa học để đưa ra các số liệu chính xác và thuyết phục. Việc điều chỉnh giờ học phải phù hợp với từng địa phương, từng vùng miền. Làm được như vậy cần trao quyền tự chủ cho các hiệu trưởng nhà trường để có phương án phù hợp. Nhưng điều quan trọng nhất trước khi quyết định thì cần đặt quyền lợi của học sinh lên trên hết.

Theo Tổ chức Giấc ngủ Quốc gia, Mỹ, nhu cầu ngủ của thanh thiếu niên là 8 - 10 tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, một thanh thiếu niên ở Mỹ trung bình chỉ được ngủ chưa đến 7 tiếng đồng hồ vào những ngày đi học. Phần lớn lý do là vì gần một nửa số trường trung học ở Mỹ bắt đầu giờ học trước 8h sáng, và hơn 85% bắt đầu trước 8h30 sáng.

Thiếu ngủ ở thanh thiếu niên là hệ quả của giờ học sớm đã là một chủ đề quan ngại và gây tranh luận trong suốt hơn hai thập niên. Các quận trên cả nước Mỹ đã băn khoăn trước câu hỏi liệu trường trung học ở địa phương có nên bắt đầu giờ học muộn hơn hay không?

Nghiên cứu về ảnh hưởng của việc bắt đầu giờ học muộn hơn trong 20 năm cho thấy việc trẻ ở tuổi vị thành niên không thể ra khỏi giường trước 8h sáng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập và sức khoẻ. Về cơ bản, các em không thể thức giấc hoàn toàn trước thời điểm này là do sinh học của con người - chứ không phải do thái độ. Gần đây xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận về giờ giấc đến trường của học sinh, trong đó nhiều người cho rằng nên lùi giờ vào học.

Tại Nhật, các trường thường mở cửa từ 8 giờ và tiết học đầu tiên trong ngày bắt đầu từ 8 giờ 30. Một ngày thường có sáu tiết, cấp tiểu học mỗi tiết 45 phút, trung học cơ sở và trung học phổ thông mỗi tiết 50 phút. Học sinh Nhật thường đến trường từ 8h-8h30, phần lớn học sinh chọn cách đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Tương tự, tại Úc, New Zealand, Phần Lan, giờ bắt đầu học thường là 8h30'.

Tại Hàn Quốc, tiết học đầu tiên thường bắt đầu vào khoảng 8 giờ. Mỗi tiết học sẽ kéo dài 50 phút. Buổi học chiều thường mở đầu từ 1 giờ và kết thúc từ 4 giờ-4 giờ30'. Cũng như vậy, tại Thái Lan, các trường công nước này thường bắt đầu trong khoảng từ 8 giờ-8 giờ30 và kết thúc lúc 15 giờ30-16 giờ. Một số trường quốc tế có thể đưa ra những quy định riêng ngoài khung giờ trên.

Tại Malaysia, các trường học thường bắt đầu sau 7 giờ 30'. Ở một số trường tư thục, giờ học có thể trễ hơn, thường vào khoảng 8 giờ. Những năm gần đây, nhiều phụ huynh, chuyên gia nước này cũng có kiến nghị nên lùi giờ vào học.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vào lớp sớm có phải là nguyên nhân làm trẻ thiếu ngủ, mỏi mệt?