​Vành đai - Con đường và nước cờ độc tôn

06/03/2018 10:38

Thúc đẩy Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, thông qua một loạt các chiến lược và chính sách đối ngoại, Trung Quốc đang ôm mộng thâu tóm cả thế giới.

Con đường Tơ lụa cổ đại nổi tiếng là một hệ thống những tuyến đường giao thương, trao đổi văn hóa và kết nối giữa những nền văn minh chủ chốt của 3 châu Á-Phi-Âu. Ngày nay, Trung Quốc đang “nối trọn” con đường đó, đi những nước cờ từng bước tiến đến ngôi vị độc tôn.

Trung Hoa mộng

Thời điểm cuối năm 2013, khi công du các quốc gia Trung Á và Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên đề xuất về việc cùng chung tay xây dựng vành đai kinh tế Con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 (sau đây gọi tắt là Sáng kiến Vành đai-Con đường). Đề xuất này đã gần như ngay lập tức thu hút sự chú ý của thế giới. Cũng trong năm đó, tại Triển lãm Thương mại Trung Quốc – ASEAN, Thủ tướng Lý Khắc Cường một lần nữa nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” và tạo dựng chiến lược hướng tới sự phát triển chung cho các quốc gia không tiếp giáp biển.Theo truyền thông Trung Quốc, sáng kiến này nằm trong khuôn khổ các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, đặc biệt là5nguyên tắc chung sống hòa bình: Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợivà cùng chung sống hòa bình.

Với màu vàng là Vành đai, màu xanh là Con đường, Trung Quốc đang ôm mộng thâu tóm cả thế giới. Ảnh: Finacial Tribune

Để thúc đẩy Sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, thông qua một loạt các chiến lược và chính sách đối ngoại, Bắc Kinh đang từng bước củng cố vai trò tại các cơ chế hợp tác đa phương sẵn có như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), ASEAN 10+1 (ASEAN và Trung Quốc), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM), Diễn đàn Đối thoại hợp tác châu Á (ACD), Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA)… Về đối nội, Trung Quốc đã phát huy đầy đủ lợi thế cạnh tranh của các vùng trong nước, thông qua các chính sách mở cửa ngày một chủ động, tăng cường sự tương tác, hợp tác giữa các vùng phía đông với phía tây và khu vực trung tâm, nâng cao toàn diện mức độ mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc.

Về “Vành đai trên bộ”, tại khu vực Tây Bắc và Đông Bắc, Bắc Kinh phát huy tối đa vị thế địa lý và vai trò cửa ngõ hướng tây của Tân Cương nhằm làm sâu sắc hơn sự giao lưu và hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung Á, Nam Á và Tây Á, đưa khu vực này trở thành trung tâm chủ đạo về giao thông vận tải, thương mại, lưu thông, văn hóa, khoa học và giáo dục và là khu vực cốt lõi của “Vành đai”.

Tại khu vực Tây Nam, Trung Quốc phát huy vai trò đặc thù của Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây như một láng giềng của các nước ASEAN, đẩy nhanh tốc độ mở cửa và phát triển của khu vực kinh tế vịnh Bắc Bộ và Vành đai kinh tế Châu Giang-Tây Giang. Xây dựng các hành lang quốc tế hướng tới khu vực ASEAN, tạo ra các điểm tựa chiến lược để mở cửa và phát triển của vùng Tây Nam với vùng Trung Nam Trung Quốc, định hình ra những của ngõ quan trọng liên kết “Vành đai kinh tế con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”.  

Về “Con đường trên biển”, với khu vực ven biển, Hồng Kông, Macao và Đài Loan, Bắc Kinh tận dụng ưu thế về mức độ mở cửa cao, thực lực kinh tế phát triển, tác động lan tỏa lớn của các khu vực kinh tế như đồng bằng sông Trường Giang, đồng bằng sông Châu Giang, bờ tây eo biển Đài Loan, vịnh Bột Hải,… nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu vực thí điểm thương mại tự do Thượng Hải; hỗ trợ tỉnh Phúc Kiến trở thành khu trung tâm của “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21”. Thúc đẩy phát triển Khu phát triển kinh tế biển kiểu mẫu Chiết Giang, Khu thí điểm kinh tế biển Phúc Kiến và Khu kinh tế mới quần đảo Chu San. Củng cố mức độ mở cửa và khai thác phát triển của tỉnh đảo du lịch quốc tế Hải Nam. Tăng cường xây dựng các thành phố ven biển như Thượng Hải, Thiên Tân… đồng thời nâng cao năng lực của các sân bay trung chuyển quốc tế như Thượng Hải, Quảng Châu. Phát huy vai trò đặc biệt của Hoa kiều và ưu thế độc đáo của hai đặc khu hành chính Hồng Kông, Macao; khuyến khích hai đặc khu này tham gia cùng xây dựng Sáng kiến Một vành đai-một con đường. Từ đó tạo ra lộ trình thích hợp cho khu vực Đài Loan trong nỗ lực chung nhằm xây dựng Vành đai-Con đường.

Đối với khu vực nội địa trung tâm, Trung Quốc tận dụng các ưu thế sẵn có như đất đai rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở công nghiệp vững mạnh. Dựa vào các khu vực trọng điểm như các cụm thành phố thuộc trung du sông Trường Giang. Đưa thành phố Trùng Khánh trở thành trụ cột quan trọng về phát triển và mở cửa khu vực miền Tây. Đẩy nhanh sự hợp tác giữa khu vực trung và thượng du sông Trường Giang với các khu vực ven sông Volga (Nga). Hình thành cơ chế điều phối về vận tải đường sắt và thông quan tại cửa khẩu giữa Trung Quốc và châu Âu; xây dựng thương hiệu “chuyến tàu vận tải Trung-Âu”; xây dựng hệ thống giao thông vận tải xuyên biên giới, tạo dựng hành lang liên kết ba khu vực miền Đông-miền Trung-miền Tây Trung Quốc. Hỗ trợ các thành phố trong vùng nội địa như Trịnh Châu, Tây An xây dựng sân bay, cảng cạn quốc tế; tăng cường hợp tác thông quan giữa các cảng nội địa với các cảng ven biển, các cửa khẩu ven biển. Triển khai thí điểm dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới. Tối ưu hóa việc phân bố các khu vực quản lý giám sát hải quan đặc thù, phát triển những mô hình mới trong lĩnh vực nhập-chế xuất, hợp tác sâu sắc trong lĩnh vực công nghiệp với các nước dọc hành lang Vành đai-Con đường.

Đằng sau vành đai và con đường

Câu hỏi đặt ra cho tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, đó là: Thực sự Sáng kiến Vành đai-Con đường này là gì? Không một bên nào có thể trả lời một cách thích đáng. Về cơ bản, đây là một tập hợp các hợp đồng thương mại và các dự án cơ sở hạ tầng kết nối lẫn nhau giữa các quốc gia Á-Âu và Thái Bình dương. Tuy nhiên, định nghĩa về những hợp đồng, dự án nào “đủ chuẩn” hay quốc gia nào liên quan đến sáng kiến này vẫn còn tương đối mờ nhạt.

Theo truyền thông Trung Quốc, tính đến cuối năm 2017, Bắc Kinh đã chi khoảng 1 tỷ USD đầu tư cho Vành đai-Con đường và dự kiến sẽ còn chi nhiều tỷ USD nữa trong vòng 1 thập kỷ tới. Điều này đặt ra thêm một vấn đề khác, Bắc Kinh sẽ được gì đằng sau Vành đai-Con đường?
Về kinh tế, những năm vừa qua, tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu chậm lại, Trung Quốc đang phải đối mặt với sự dư thừa công suất tại các ngành công nghiệp nặng như thép, ximăng và nhôm. Nhu cầu nội địa giảm sẽ dẫn đến một hướng đi tất yếu cần tăng nhu cầu đầu tư nước ngoài. Trung Quốc muốn biến chiến lược Vành đai-Con đường thành một cách để xuất khẩu những sản phẩm dư thừa đó ra quốc tế. Bắc Kinh sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư của mình để “tham gia và giúp các quốc gia khác phát triển”, từ đó biến các quốc gia đó trở thành “khách hàng” của mình, từng bước gây ảnh hưởng về mặt kinh tế. 

Về chính trị, phần lớn chính giới đều cho rằng dù xuất phát điểm là vì mục đích phát triển kinh tế thì Vành đai-Con đường bản chất là “một đại dự án chính trị”. Tom Miller, tác giả cuốn sách “Giấc mộng Trung Hoa: Mưu đồ quyền lực dọc theo Con đường tơ lụa mới”, cho rằng chiến lược này là một trong các đại kế hoạch của Bắc Kinh nhằm “khôi phục quyền lực chủ đạo” của Trung Quốc. Và nếu thành công, Trung Quốc, thông qua Vành đai-Con đường sẽ “hất cẳng” Mỹ và trở thành siêu cường mới, làm bá chủ phần còn lại của thế giới.

Vành đai-Con đường được Bắc Kinh lập ra thực chất nhằm đối trọng với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), vốn được Washington chuẩn bị dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Với Mỹ, nền tảng kinh tế nhằm thực hiện các mục tiêu chính trị chủ yếu thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Và ở bên này bán cầu, Nhật Bản có Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Câu hỏi đặt ra là Trung Quốc sẽ có gì? Ngân hàng Đầu tư cơ sởhạ tầng châu Á (AIIB) chính là câu trả lời. Trong quá trình triển khai thành lập “ngân hàng thế giới của riêng Trung Quốc”, Bắc Kinh đã tranh thủ sự ủng hộ từ chính những đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh. Về phần mình, ngoài mặt, Nhà Trắng công khai ủng hộ và khen ngợi; nhưng đằng sau, chính quyền Mỹ lúc đó dưới thời Obama đã âm thầm tìm mọi cách nhằm kìm chế sức ảnh hưởng của ngân hàng này. Washington lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng AIIB để thiết lập “luật chơi riêng” cho kinh tế thế giới. Một số quan chức Nhà Trắng thậm chí cho rằng AIIB đã cố tình tài trợ vốn đầu tư cho những quốc gia có nền chính trị kém ổn định, rót tiền vào những dự án hạ tầng không cần thiết, thậm chí ngân hàng này đã khiến cho rất nhiều ngôi làng phải di dời chỗ ở chỉ với “vài đồng tiền bồi thường”. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rời khỏi “cuộc chơi TPP”, tuy nhiên, nhiều dấu hiệu hiện nay cho thấy Nhà Trắng đang muốn quay trở lại với Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình dương (CPTPP).

Có thể thấy, một mặt, Bắc Kinh muốn thông qua Vành đai-Con đường và AIIB để mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Mặt khác, từng bước chiếm tài nguyên, thị trường, thực hiện chính sách “lệ thuộc hóa bản địa” tại những nơi Vành đai-Con đường đi qua, dùng quyền lực kinh tế để biến thành ảnh hưởng chính trị. Vành đai-Con đường chính là dấu mốc rõ nét nhất trong việc kết thúc giai đoạn “thao quang dưỡng hối”, nhẫn nhục chờ thời của Trung Quốc, chuyển sang giai đoạn trỗi dậy. 

HÀ KIÊN(lược dịch và tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ​Vành đai - Con đường và nước cờ độc tôn