Vắng lặng hồ sơ xét tuyển ngày cuối

12/08/2016 10:09

Những ngày cuối của xét tuyển đại học đợt 1 năm 2015 nhộn nhịp, căng thẳng bao nhiêu thì năm nay lại nhẹ nhàng, vắng lặng bấy nhiêu.

Thí sinh nộp hồ sơ tại ĐH Lâm nghiệp.


Thí sinh nộp hồ sơ tại ĐH Lâm nghiệp

Theo đó, tính đến hết 17 ngày 11-8 đã hết hạn nộp hồ sơ đại học, cao đẳng trực tuyến, thí sinh muốn xét tuyển đợt này chỉ còn cách đến đăng ký trực tiếp tại trường hoặc nộp hồ sơ qua đường bưu điện trước 17h ngày 12-8.

Tại nhiều trường đại học TPHCM, hôm qua có khá ít thí sinh đăng ký xét tuyển đại học kể cả trực tuyến, trực tiếp và đường bưu điện. Ông Trần Thế Hoàng, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TPHCM cho biết, tính đến hết ngày 11-8, trường nhận được hơn 7.500 hồ sơ.

 “Các hồ sơ chủ yếu nộp từ tuần đầu xét tuyển chứ những ngày này rất ít, chỉ khoảng vài trăm hồ sơ/ ngày”. Theo ông Hoàng với số lượng hồ sơ nộp vào cùng với đó là điểm thi thấp, số lượng thí sinh giảm nên điểm chuẩn vào trường khả năng cũng sẽ giảm theo.

Ông Phạm Tấn Hạ, Trưởng Phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM cũng cho biết, lượng hồ sơ về trường ngày càng ít vào những ngày cuối của đợt xét tuyển. “Đa phần các em đã đăng ký xét tuyển từ những ngày đầu, đặc biệt là khu vực TPHCM nên hiện giờ chỉ còn rải rác các thí sinh ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên… đăng ký bằng hình thức online hoặc nộp hồ sơ qua bưu điện”, ông Hạ nói.

Dù không tiết lộ số lượng hồ sơ đến thời điểm hiện tại là bao nhiêu nhưng ông Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Sài Gòn cho biết, lượng hồ sơ trong vài ngày trở lại đây giảm mạnh. “Năm trước, lượng hồ sơ nộp vào những ngày đầu vắng vẻ nhưng về cuối lại rất đông và căng thẳng còn năm nay thì ngược lại hoàn toàn, bởi thí sinh nộp vào thì không được rút ra nên hầu hết các thí sinh đều đưa ra lựa chọn sớm hơn”, ông Sơn nói.

Tương tự, các trường khác như Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM, Đại học Tài Nguyên và Môi trường, Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, Đại học Nông Lâm TPHCM, Đại học Mở, Đại học Lạc Hồng… những ngày cuối lượng nộp hồ sơ cũng ít hơn rất nhiều.

Tại ĐH Y Hà Nội, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, số lượng thí sinh đến nộp hồ sơ ngày 11-8 đã ít hơn hẳn. “Năm nay, thí sinh không biết được tình hình hồ sơ chuyển về các trường như thế nào, không được rút ra nộp vào nên các em đã nộp luôn từ những ngày đầu thu hồ sơ” - ông Tú khẳng định. 

Tại ĐH Ngoại thương, ông Trần Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cũng cho hay, số lượng đăng ký trực tiếp tại trường khoảng trên 2000 hồ sơ. Ngày hôm qua, thí sinh đến nộp tại trường đã vãn.

Theo một chuyên gia tuyển sinh những ngày cuối, các trường top trên hầu như không còn nguồn tuyển. “Những thí sinh đạt điểm cao đã tìm đến các trường top trên để nộp hồ sơ từ những ngày đầu. Đây là những thí sinh chắc chắn đỗ đợt 1. Còn những thí sinh chưa chắc chắn đỗ trường nào sẽ  xem xét tình hình đợi đến những ngày cuối “chốt hạ” - vị chuyên gia này cho hay.

Vẫn có thể xảy ra tiêu cực

Đã đi đến ngày cuối của đợt 1 xét tuyển  ĐH, nhưng theo nhận định của chuyên gia, trong quá trình chạy phần mềm xét tuyển nếu gói dữ liệu thí sinh không được bảo mật tuyệt đối, vẫn có thể xảy ra tiêu cực.

Theo ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, nhóm GX đã họp để thống nhất thời gian chạy phần mềm xét tuyển chung. Theo đó, ngày 13-8, gói dữ liệu sẽ được chạy trên phần mềm của nhóm để xét tuyển. “Dự kiến sớm nhất chiều tối ngày 13-8 sẽ có điểm chuẩn của 12 trường trong nhóm GX. Còn nếu không thì sáng sớm 14-8 chúng tôi sẽ công bố” - ông Điền cho hay.

Cũng theo ông Điền, năm nay, với hình thức xét tuyển các trường được Bộ GD&ĐT giao gói dữ liệu thí sinh thì trách nhiệm của chủ tịch Hội đồng tuyển sinh sẽ rất cao.

 “Với gói dữ liệu của thí sinh, người được giao chạy dữ liệu để xét tuyển có thể sửa được nguyện vọng của thí sinh. Do đó, nếu các trường làm không nghiêm túc, rất có thể sẽ có trường hợp thí sinh đỗ thành trượt, trượt thành đỗ. Vì người chạy dữ liệu hoàn toàn có thể sửa được nguyện vọng cho thí sinh trên phần mềm xét tuyển” - ông Điền cho hay.

Với nhóm GX, ông Điền cho biết để bảo đảm tuyệt đối nghiêm túc, tất cả các thành viên được giao nhiệm vụ chạy phần mềm xét tuyển sẽ được đưa vào một phòng làm việc khép kín, độc lập, không được mang điện thoại, cách ly hoàn toàn với bên ngoài cho đến khi ra được điểm chuẩn của các trường. 

“Quan điểm của nhóm GX là bảo mật gói dữ liệu của thí sinh cũng không khác gì bảo mật đề thi. Do đó, tất cả dữ liệu đều được niêm phong” - ông Điền khẳng định.

Ông Điên cũng cho hay, Bộ cũng đã nắm được vấn đề này. Tuy nhiên, các trường đã được giao quyền tự chủ, do đó, chủ tịch hội đồng tuyển sinh của các trường phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về quá trình tuyển sinh của trường mình.  

Điểm chuẩn sẽ có thay đổi

Là một trong những trường ĐH thuộc tốp đầu của cả nước, ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội cho biết điểm chuẩn năm nay sẽ có thay đổi tùy từng ngành. “Nhưng tình hình chung là sẽ giảm từ 0.5 đến 1 điểm” - ông Tú cho hay. Trong khi đó, lãnh đạo ĐH Ngoại thương lại chỉ mong điểm chuẩn năm nay bằng hoặc thấp hơn năm 2015. “Cho đến giờ, chúng tôi chưa thể nói được  điểm chuẩn năm nay sẽ như thế nào vì hồ sơ vẫn còn thời gian đăng ký. Nhưng nếu điểm chuẩn cao hơn năm 2015 thì hiệu ứng xã hội không tốt. Do đó, chúng tôi mong điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn năm 2015” - ông Bùi Anh Tuấn, hiệu trưởng ĐH Ngoại thương cho hay.

Theo Tiền phong

(0) Bình luận
Vắng lặng hồ sơ xét tuyển ngày cuối