Vẫn tràn lan trên đồng ruộng

12/06/2016 06:55

Ý thức kém, thiếu nơi thu gom, xử lý... là những nguyên nhân chính khiến một lượng lớn bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.



Bể chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở xã Đoàn Tùng (Thanh Miện) bỏ không (trái). Bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt bừa bãi (phải)


Dồn điền làm mất bể chứa

Trên cánh đồng trước của thôn Phù Lịch, xã Nghĩa An (Ninh Giang) có thể dễ dàng nhìn thấy hàng trăm vỏ chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) nằm lẫn trong cỏ hoặc nổi lềnh phềnh dưới mương nước. Anh Hoàng Văn Đãn ở thôn Phù Lịch cho biết trước đây trên cánh đồng này có xây những hố thu gom bao bì thuốc BVTV. Tuy nhiên, từ khi thôn dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng, những hố này đã không còn nữa. Vì vậy, sau khi sử dụng nhiều người đã vứt bừa bãi vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV ra bờ ruộng, mương máng. "Bao bì thuốc BVTV chắc chắn sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhất là nguồn nước vì vẫn còn tồn dư thuốc. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa biết cách xử lý như thế nào cho phù hợp", anh Đãn nói.

Không chỉ ở thôn Phù Lịch, hình ảnh những con mương, bờ ruộng ngập bao bì thuốc BVTV đã trở nên phổ biến trên khắp các cánh đồng. Tại nhiều địa phương, mặc dù đã được đầu tư xây dựng bể chứa nhưng bao bì thuốc BVTV vẫn bị vứt bừa bãi. Qua nhiều năm, các bể chứa đã đầy nhưng không được thu gom, vận chuyển đi tiêu hủy. Nhiều bể chứa không sử dụng đúng mục đích. Không còn chỗ chứa, người dân buộc phải vứt bao bì xuống kênh mương. Trên cánh đồng thôn Phạm Lâm, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện), ngay sát tỉnh lộ 393 là một bể chứa bao bì thuốc BVTV từ lâu đã trở thành nơi chứa giẻ lau dầu mỡ của xưởng sửa chữa ô tô gần đó. Cách đó vài chục mét, hàng trăm vỏ chai lọ, bao bì thuốc BVTV được vứt bên lề đường. Nhiều bao bì, chai lọ đã bị cỏ mọc phủ kín hoặc chìm xuống nước. Một người dân ở đây cho biết do thói quen nên sau khi sử dụng nhiều người tiện tay vứt luôn bao bì trên bờ hoặc ném xuống mương nước. Mặc dù có bể chứa, nhưng do ngại đi lại nên ít khi người dân mang bỏ vào đó.

Không vứt bừa bãi ra môi trường nhưng nhiều nơi bao bì thuốc BVTV lại được để lẫn và xử lý cùng rác thải sinh hoạt. Trên cánh đồng Cao, thôn Thượng Sơn, xã Tái Sơn (Tứ Kỳ), anh Vũ Văn Khoa đang phun thuốc trừ lứa sâu rầy cuối vụ. Trên bờ cỏ, hàng chục bao bì thuốc BVTV đã sử dụng vứt ngổn ngang. Anh Khoa cho biết khi phun xong anh thu gom bao bì vào túi nilon rồi đem về nhà cho vào thùng rác. Sau đó tổ thu gom rác của thôn sẽ vận chuyển ra bãi chôn lấp rác thải của thôn.

Nan giải xử lý

Xử lý bao bì thuốc BVTV như thế nào vẫn là vấn đề nan giải. Theo ông Phạm Nguyên Hạnh, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 62.000 ha lúa 2 vụ, trên 8.000 ha rau màu vụ chiêm xuân và 22.000 ha rau màu vụ đông cùng hàng chục nghìn ha cây ăn quả. Mỗi năm, lượng thuốc BVTV được sử dụng lên tới 300 tấn. Tại những vùng thâm canh rau màu, lượng thuốc BVTV sử dụng luôn vượt khoảng 20% so với mặt bằng chung. Với lượng thuốc BVTV còn sót lại, khi bao bì bị vứt xuống kênh mương sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn nước. Theo quy định, bao bì thuốc BVTV là loại rác thải nguy hại, nên tiêu hủy phải tuân theo quy trình chặt chẽ. Từ trước đến nay, bao bì thuốc BVTV vẫn được xử lý bằng hình thức thu gom, chôn lấp hoặc đốt cùng với rác thải sinh hoạt. Đây là biện pháp xử lý không triệt để, bởi khi chôn lấp, bao bì thuốc BVTV phải mất hàng trăm năm mới tiêu hủy hết. Trong quá trình này, lượng thuốc còn lại sẽ ngấm xuống nguồn nước ngầm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân. Do chưa có cơ chế và kinh phí thực hiện nên việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc BVTV theo quy trình vẫn chưa thể thực hiện.

Biện pháp quan trọng trước mắt là tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng. Các cơ quan chuyên môn cùng chính quyền địa phương cần có nhiều biện pháp khuyến cáo, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng (đúng chủng loại, đúng liều lượng, đúng thời kỳ và đúng cách) để giảm tác hại của thuốc đối với sức khỏe và môi trường. Dần dần loại bỏ thói quen xả chai lọ, bao bì thuốc BVTV ra môi trường. Ngoài sử dụng đúng cách, người dân cần có ý thức thu gom, tiêu huỷ bao bì thuốc BVTV đúng quy định. Các địa phương cần đầu tư kinh phí xây dựng các bể chứa, tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân để bao bì thuốc BVTV đã sử dụng đúng nơi quy định. Ngoài ra, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ cho nông dân áp dụng mô hình sản xuất sạch, sử dụng ít thuốc BVTV nhằm hạn chế lượng bao bì xả ra môi trường.

VỊ THỦY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn tràn lan trên đồng ruộng