Các đơn vị vận tải ôtô trên toàn miền Bắc đã được cấp trên huy động phục vụ vận tải chi viện cho miền Nam ruột thịt suốt trong thời kỳ quân dân hai miền cùng chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam...
Đội hình xe Gaz-53 của Tiểu đoàn 74 - Trung đoàn ô tô vận tải 13 trong
chiến dịch vận chuyển mùa khô năm 1971-1972
Cùng với các lực lượng vận tải quân sự, các đơn vị vận tải ôtô trên toàn miền Bắc đã được cấp trên huy động phục vụ vận tải chi viện cho miền Nam ruột thịt suốt trong thời kỳ quân dân hai miền cùng chiến đấu giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước để Bắc Nam sum họp một nhà.
Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pa-ri lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, quân Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam. Mỹ cút nhưng ngụy chưa nhào. Giao thông vận tải vẫn phải cùng quân dân cả nước tiếp tục chiến đấu để giải phóng miền Nam. Cục Vận tải đường bộ đã huy động tất cả 10 xí nghiệp với 1.600 xe tốt và hơn 5.000 cán bộ công nhân viên mở chiến dịch “Quyết Thắng II” ở khu vực chính từ Vinh, Hà Tĩnh trở vào. Từ ngày 27-1-1973 là thời gian khôi phục sửa chữa giao thông, đồng thời vận tải đưa hàng từ ngoài Bắc vào ba khu vực lớn: bờ nam sông Lam, bờ nam sông Gianh và bờ nam sông Long Đại. Từ ngày 2-2-1973, hàng hóa chủ yếu là vũ khí, đạn dược, khí tài quân sự được vận chuyển từ các điểm tập kết nói trên qua các cửa khẩu Trường Sơn. Chiến dịch “Quyết Thắng II” tuy bị tổn thất nặng nề về người và xe nhưng đã kết thúc thắng lợi vào ngày 15-2-1973.
Từ tháng 11 - 1974 đến đầu năm 1975, ngoài việc thực hiện các khối lượng vận tải lớn phục vụ hai miền Bắc Nam, Cục Vận tải đường bộ huy động xe của 6 xí nghiệp: 2, 16, 18, 20, 22 và C7 với tổng số 799 chiếc vào chiến dịch vận tải lớn mật hiệu MKC8 (vận tải mùa khô) đưa một khối lượng hàng hóa lớn từ Việt Nam vượt Trường Sơn, lần đầu tiến đến bờ sông Mêkông để tiếp tế thẳng cho Viên Chăn (Thủ đô Lào).
Chiến dịch MKC8 đang tiến hành thì cuối tháng 3-1975 một số đơn vị nhận được lệnh đột xuất: Chuyển ngay sang chiến dịch vận tải lớn MNCT 75 (miền Nam chiến thắng 75) phục vụ cuộc tổng tấn công nổi dậy mùa xuân giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Đêm ngày 9 rạng ngày 10-3-1975, tiếng súng mở màn đã nổ ở Buôn Ma Thuột và tiếp đó cuộc tổng tấn công nổi dậy của ta liên tiếp thắng lợi, thế mạnh như chẻ tre, giải phóng miền Trung, tiến về giải phóng Sài Gòn.
Ngày 28-3-1973, Thủ tướng Chính phủ Quyết định giao nhiệm vụ cho Bộ Giao thông vận tải (Cục Vận tải ôtô là đơn vị trực tiếp) tổ chức thực hiện kế hoạch vận chuyển một khối lượng hàng hóa lớn chủ yếu là gạo, muối, vải từ miền Bắc đưa thẳng vào chi viện cho B2, B3 theo đường Trường Sơn Đông hoặc Trường Sơn Tây. Nhưng thắng lợi đến quá nhanh, quân dân ta tiến công như nước vỡ bờ, đến giữa tháng 4-1975 thì một dải đất rộng dài với những thành phố, thị xã, cầu cống, đường sá… hầu như còn nguyên vẹn, gồm toàn bộ vùng Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ, đến Nha Trang và toàn bộ Tây Nguyên đã được giải phóng. Những tuyến đường vận chuyển từ Bắc vào Nam, nhất là đường bộ, được khai thông thuận lợi.
Chiến dịch MNCT75 được lệnh xuất phát với mặt hàng thay đổi, thay thế cho gạo, muối, vải… là các thiết bị vượt sông, vũ khí và bộ đội chiến đấu. Tuyến đường vận chuyển cũng được thay đổi: thay cho đường Trường Sơn là quốc lộ 1A chạy suốt chiều dài đất nước. Từ thị xã Đông Hà (Quảng Trị) trở vào phía Nam mặt đường bêtông nhựa phẳng mịn, thênh thang.
Từ ngày 5-4- 1975, Xí nghiệp Vận tải ôtô số 22 lấy hàng từ Gia Lâm (Hà Nội) với 100 xe chạy suốt ngày đêm không nghỉ. Vượt qua chặng đường dọc theo chiều dài đất nước, đoàn xe vào Quy Nhơn (Bình Định) vừa được giải phóng, kịp thời trao cho công binh đủ 92 phao, phà để bắc cầu dã chiến phục vụ bộ đội tiến về giải phóng Sài Gòn.
Hồi 11giờ 30 phút ngày 30-4-1975, chiến dịch Hồ Chí Minh đại thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Các đơn vị vận tải ôtô tiếp tục nhiệm vụ vận chuyển từ Hà Nội, Vinh, Đông Hà, Cam Lộ vào các tỉnh phía Nam các loại hàng hóa hậu cần cho quân đội và các mặt hàng phục vụ đời sống, khôi phục sản xuất của nhân dân vùng mới giải phóng: Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và hai tỉnh Tây Nguyên.
Đến tháng 7-1975 chiến dịch MNCT75 mới thực sự kết thúc.
TRƯỜNG GIANG