Từ đầu năm đến nay, mặt hàng xăng dầu đã 12 lần tăng giá, đẩy hoạt động vận tải hành khách vào tình cảnh khó khăn.
Giá xăng lập đỉnh mới, nhiều lái xe taxi không dám chạy km trống trên đường
Giá xăng dầu thiết lập đỉnh mới từ chiều 13.6 với 32.370 đồng/lít xăng RON 95, xăng RON 92 giá 31.110 đồng/ lít, dầu diesel 29.020 đồng/lít. Đây là đợt tăng thứ 12 của mặt hàng này từ đầu năm tới nay.
Đội chi phí
Ông Nguyễn Quốc Định, đại diện hãng taxi Thành Đông cho biết, với hơn 200 xe taxi, mỗi tháng, doanh nghiệp sử dụng khoảng 50.000-70.000 lít xăng. So với thời điểm tháng 7.2021 lúc đó giá xăng RON 95 là 24.330 đồng/lít, giá xăng hiện nay đã tăng thêm 8.040 đồng/lít, nên mỗi tháng đơn vị phải chi thêm khoảng 400 triệu đồng mua xăng. Số tiền này cả doanh nghiệp và lái xe đều phải gánh chịu nên áp lực không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn với cả người lao động.
Trong khi đó, việc tăng giá cước để cân bằng thu chi không phải doanh nghiệp muốn là được. Theo ông Định, mỗi lần tăng giá cước, đơn vị lại phải làm các thủ tục xin phép các cơ quan quản lý nhà nước. "Không những vậy, việc in lại bảng giá, cài lại đồng hồ vừa mất thời gian lại tốn kém cũng là vấn đề lớn với doanh nghiệp...", ông Định nói.
Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Hiện đơn vị có hơn 50 đầu xe chạy cả tuyến cố định và xe buýt. Việc giá dầu diesel tăng thêm 2.630 đồng/lít lên mức 29.020 đồng/lít hiện nay đã khiến chi phí nhiên liệu của doanh nghiệp tăng lên khoảng 80 triệu đồng/tháng so với thời điểm trước. "Chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 35-40% giá thành dịch vụ, có thời điểm chúng tôi phải bù lỗ", ông Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc công ty nói.
Không chỉ các doanh nghiệp, những người làm dịch vụ nhỏ lẻ như anh Trần Tuấn V. chạy xe dịch vụ tư nhân ở xã Thanh Hồng (Thanh Hà) cũng lâm vào cảnh khốn khó. Trước đây, sau khi trừ mọi chi phí, anh V. tiết kiệm được từ 10-15 triệu đồng/tháng, thì nay trừ mọi chi phí, anh chỉ dư được từ 5-7 triệu đồng/tháng. "Đấy là tôi phải tiết kiệm, chắt bóp lắm mới được. Xe không dám chạy km trống trên đường mà chỉ dừng đỗ ở một điểm để bắt khách", anh V. nói.
Tìm cách thích nghi
Khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 chưa qua, các doanh nghiệp lại phải đối mặt với cơn "bão giá" xăng dầu. Trước thực trạng này, một số đơn vị đã ứng dụng công nghệ để giảm chi phí. Hãng taxi Thành Đông đã cung cấp hệ thống phần mềm G5 Taxi Thành Đông trên điện thoại, để khách hàng và lái xe dễ dàng kết nối cung cầu. Doanh nghiệp này cũng liên tục nâng cấp, điều chỉnh phần mềm để tiện ích hơn trong cung cấp dịch vụ. "Trước đây, phần mềm này cho phép lái xe quét, tìm kiếm khách trong đường kính 7 km thì nay còn 5 km. Do đó, lái xe tiết kiệm được thời gian, hiệu quả công việc cao. Phần mềm cũng giúp doanh nghiệp cắt giảm nhân sự trực tổng đài", ông Định cho biết thêm.
Trong bối cảnh khó khăn chung, hầu hết các đơn vị vận tải đã chọn giải pháp đồng loạt tăng giá cước. Theo Sở Giao thông vận tải, từ 1-15.6, đã có 8 đơn vị báo cáo tăng giá cước, vé vận tải hành khách với các mức khác nhau. Các hãng taxi như Rạng Đông, Trường Sinh, Mai Linh... tăng 1.000 đồng/km (từ km thứ 20 trở đi); Công ty TNHH Huy Hoàng, Công ty CP Thương Mại và Vận chuyển hành khách Ngọc Sinh tăng từ 10.000-20.000 đồng/vé tùy tuyến...
Ngoài ra, các doanh nghiệp đều cắt giảm chi phí, thắt chặt chi tiêu, cắt giảm nhân sự. Công ty CP Ô tô vận tải hành khách Hải Hưng trước đây có 20 người làm ở văn phòng nhưng nay chỉ còn 7 người. Mỗi người phải kiêm nhiệm thêm một vài vị trí công việc khác. "Đó là giải pháp tình thế trong bối cảnh khó khăn. Hy vọng, thời gian tới, tình hình ổn định trở lại, người lao động của chúng tôi được hưởng lợi, bớt thiệt thòi", ông Nguyễn Hải Hưng, Giám đốc công ty cho biết.
Đa số các doanh nghiệp vận tải khách mong muốn Nhà nước có các công cụ nhằm kiểm soát và kiềm chế tốc độ tăng giá xăng dầu như bỏ bớt thuế trong cấu thành giá xăng; giãn thuế, giảm thuế, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phục hồi sản xuất...
LÊ HƯƠNG