Đó là khẳng định của tân Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí sau khi Quốc hội phê chuẩn các thành viên mới trong Chính phủ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng - Ảnh: Nhật Bắc |
* Thưa ông, Văn phòng Chính phủ có phải là “siêu bộ”?
- Không phải như vậy. Dùng cách nói siêu bộ là chưa hiểu hết chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ (VPCP). Đây là cơ quan ngang bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Với chức năng tham mưu tổng hợp, khi các bộ, ngành, địa phương trình đề án lên thì VPCP phối hợp, thẩm định, kết nối để làm sao xử lý theo đúng quy trình, không thể làm tắt, cho nên có thể cơ quan nào đó thấy chậm, cho đó là rào cản, là siêu bộ.
Thực tế không phải như vậy, vấn đề nằm ở chỗ đúng quy trình để bảo đảm sao cho văn bản trình lên Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ được tham mưu kịp thời với chất lượng tốt nhất có thể.
* Vậy ông có nghĩ đến việc xây dựng bộ quy chế kiểm tra, kiểm soát để nắm được “đường đi” của các khâu xử lý văn bản tại VPCP, xem nếu có tắc thì tắc ở khâu nào?
- Đây là việc quan trọng. Tôi nghĩ rằng với quy trình xử lý văn bản thì thông qua ứng dụng công nghệ thông tin sẽ kiểm soát tốt hơn, minh bạch hơn. Nghĩa là sử dụng công nghệ thông tin để kiểm soát quy trình xử lý văn bản.
Ở địa phương chúng tôi (Hà Nam), các loại văn bản, giấy mời đều thực hiện theo tinh thần văn bản điện tử.
* Từ Bí thư Tỉnh ủy lên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông có cảm nhận trách nhiệm nặng nề hơn?
- Đây đúng là băn khoăn lo lắng nhất của tôi. Khi được Đảng, Nhà nước và Quốc hội giao nhiệm vụ, tôi nghĩ đây là vinh dự rất lớn không chỉ với cá nhân mà với cả địa phương, tất nhiên nhiệm vụ mới sẽ đi kèm các khó khăn, thách thức, bao giờ cũng vậy.
Trước đây là Bí thư Tỉnh ủy, hoạt động mang tính tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, còn với cương vị mới là người thủ trưởng, đứng đầu cơ quan.
Tuy nhiên, tôi có niềm tin vào Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ cũng như anh em cộng sự ở Văn phòng Chính phủ, tôi sẽ cùng tập thể vượt qua khó khăn thách thức, trước mắt là bắt nhịp ngay công việc.
* Ông có thông điệp nào trên cương vị mới?
- Tôi nghĩ Văn phòng Chính phủ là cơ quan giúp việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nên không phải chúng tôi đưa ra thông điệp mà giúp việc chỉ đạo, điều hành và các hoạt động chung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất rõ ràng. Chính phủ phải đoàn kết, nhất trí, hành động quyết liệt, cái gốc là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc vì lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, sao cho đất nước phồn vinh, kinh tế tăng trưởng bền vững, người dân hạnh phúc.
Như vậy VPCP cũng phải hành động quyết liệt, chuyên nghiệp và hiện đại, tiếp tục phát huy truyền thống “Trung thành - Tận tụy - Đoàn kết - Trí tuệ - Kỷ cương”.
Lúc ở địa phương, tôi vẫn thường nói với anh em rằng đừng để ai chê mình về tinh thần trách nhiệm, có thể có góp ý việc này, việc khác là chúng ta chưa hiểu sâu thì tiếp thu, nỗ lực khắc phục, tuyệt đối không để bị nhận xét rằng năng lực có mà thiếu trách nhiệm.
Anh giỏi nhưng cửa quyền với người dân, với doanh nghiệp là không được.
* Lãnh đạo Chính phủ nhiều nước sử dụng mạng xã hội, ông có tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tận dụng kênh thông tin này? - Như chúng ta đã biết, sau khi tuyên thệ tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dành thời gian trả lời báo chí, qua đó đã thể hiện sự cởi mở thông tin. Tôi cũng được biết lãnh đạo một số nước có sử dụng facebook, dư luận về việc này là khác nhau, trước mắt tôi ghi nhận điều bạn vừa hỏi. |
* Vừa qua Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng chỉ đạo lập đường dây nóng bước đầu phát huy hiệu quả, vậy VPCP có thể lập đường dây nóng không?
- Thông tin phải có hai chiều, chiều đưa thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến với người dân, và chiều nắm bắt thông tin từ người dân đến Chính phủ. Cả hai chiều này đều phải làm tốt. Tới đây chúng tôi sẽ xem xét cách làm thế nào để tốt hơn, và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
* Xin hỏi ông một vấn đề cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động đã lên tới hơn 20.000 doanh nghiệp. Có ý kiến cho đó là bình thường, còn ông nghĩ sao?
- Trong quý I ở Hà Nam cũng có 90 doanh nghiệp thành lập mới, 73 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Theo quy luật kinh tế thị trường thì không thể tránh khỏi, nhưng nói là bình thường thì không phải là bình thường. Chúng ta phải làm sao không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, ví dụ như vấn đề tiếp cận tín dụng ngân hàng, lãi suất…
Ở đây nhà nước chỉ tạo hành lang và cơ chế, phần còn lại phụ thuộc vào doanh nghiệp. Một vấn đề mà nhà nước không làm thay doanh nghiệp được, đó là nâng cao chất lượng quản trị kinh doanh.
* Một mảng công tác quan trọng của VPCP là cung cấp thông tin cho báo chí và công chúng. Trong vai trò người phát ngôn mới của Chính phủ, ông có điều gì chia sẻ với báo chí?
- Người Phát ngôn Chính phủ sẽ luôn đồng hành với báo chí để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ này. Tinh thần là chủ động, minh bạch, công khai, sao cho thông tin đến người dân kịp thời, đầy đủ, chính xác, không tạo ra cách hiểu khác nhau, vì sự đồng thuận xã hội.
* Về vấn đề chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bên cạnh tiếng nói của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông có nghĩ rằng cần tiếng nói chung mạnh mẽ hơn?
- Chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ là thiêng liêng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư rất quan tâm đến vấn đề này. Thủ tướng Chính phủ đã nêu 6 trọng tâm ưu tiên trong chỉ đạo điều hành, trong đó có nội dung: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Theo Tuổi trẻ