Chỉ còn nửa tháng nữa là kỳ thi THPT quốc gia 2015 bắt đầu. Các hội đồng thi, học sinh, phụ huynh chuẩn bị các phương án cho kỳ thi , song tất cả đều có những nỗi lo riêng.
Học sinh Trường THPT Kim Thành 2 mượn sách ở thư viện trường để học ôn thi
Bảo đảm điều kiện thiNăm nay, tổng số thí sinh thi tại Hội đồng thi tỉnh Hải Dương chỉ hơn 8.000 em (gần 11.000 thí sinh thi tại TP Hải Phòng), ít hơn nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm trước đây. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xếp phòng thi cho các thí sinh đăng ký dự thi tại Hội đồng thi tỉnh Hải Dương, danh sách phòng thi đã được gửi tới các đơn vị để kiểm tra các thông tin thí sinh đăng ký dự thi.
Tuy tổng số thí sinh thi tại tỉnh ít hơn nhưng do cả tỉnh chỉ có 12 hội đồng thi (thay vì mỗi trường THPT là một hội đồng thi như trước đây) nên số thí sinh dự thi ở mỗi hội đồng thi lại cao hơn trước (ít nhất là hội đồng thi huyện Tứ Kỳ có 461 thí sinh, cao nhất là hội đồng thi TP Hải Dương có 953 thí sinh). Thành phần thí sinh dự thi cũng như giám thị ở mỗi hội đồng đa dạng hơn: tập trung tất cả thí sinh của các trường trong huyện, thành phố, thị xã; ngoài giám thị trong tỉnh còn có giám thị của trường đại học phối hợp tổ chức thi. Vì thế, công tác chuẩn bị cơ sở vật chất ở các trường THPT được lựa chọn làm điểm thi cũng kỹ lưỡng và chu đáo hơn.
Các trường THPT đều đã có kinh nghiệm nhiều năm tổ chức thi tốt nghiệp THPT nên sau khi được lựa chọn làm điểm thi tập trung, 12 trường đều đã chuẩn bị những điều kiện cơ bản để phục vụ thi như: điện nước, phòng thi, chỗ ăn ở cho hội đồng thi… Trường THPT Kim Thành 2 đã chuẩn bị xong 21 phòng thi cho 629 thí sinh của huyện Kim Thành và chỗ ăn nghỉ cho 80 người thuộc hội đồng thi. Nhà trường đã lắp thêm máy điều hòa nhiệt độ cho các phòng nghỉ để phục vụ hội đồng thi. Trường có căng-tin nên sẽ tổ chức nấu ăn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho giám thị trong những ngày diễn ra kỳ thi. Những trường không có phòng nghỉ tại trường như Trường THPT Kinh Môn 2 thì đã liên hệ với các khách sạn, nhà nghỉ nằm gần trường để tiện cho việc đi lại của những người ở xa tới coi thi. Các trường là điểm thi trong kỳ thi sắp tới chỉ có nỗi lo lắng về an toàn giao thông cho thí sinh vì nhiều em sẽ phải di chuyển xa hơn thường lệ.
Lo về đề thiTheo như nội dung trong đề thi minh họa do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, kiến thức thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, rất thuận tiện cho học sinh ôn luyện. Tuy nhiên, bên cạnh phần thi ở mức độ cơ bản như thi tốt nghiệp THPT những năm trước đây còn có phần thi ở mức độ nâng cao (tương đương thi tuyển sinh đại học, cao đẳng). Trong đó, tỷ lệ điểm dành cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% tổng số điểm. Đề thi còn đòi hỏi thí sinh vận dụng kiến thức tổng hợp, liên môn, giải quyết các vấn đề liên quan đến thực tiễn cuộc sống. Nhiều học sinh đăng ký thi tại Hội đồng thi của tỉnh lo lắng về độ khó của đề thi năm nay. Đa số các học sinh chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp THPT có lực học thuộc diện trung bình nên các em lo ngại sẽ khó được điểm cao, thậm chí không đủ điểm đỗ tốt nghiệp. Đây cũng là nỗi lo chung của các trường có chất lượng học sinh chưa cao như các trường tư thục, các trung tâm giáo dục thường xuyên. Thầy giáo Phạm Mạnh Trường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quang Thành (Kinh Môn) cho biết, kỳ thi này trường có 196 thí sinh thì có tới 140 em thi tại hội đồng thi của tỉnh. Đầu vào của trường không cao, không nhiều học sinh khá, giỏi nên đa phần các em xác định chỉ đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng xét tuyển học bạ. Không chỉ lo lắng đề thi năm nay khó hơn mọi năm có thể làm nhiều học sinh không đạt điểm cao mà thầy Trường còn e ngại nếu kết quả thi THPT quốc gia kém sẽ khiến trường ngày càng khó khăn trong tuyển sinh lớp 10.
Học sinh Trường THPT Kinh Môn 2 ôn tập môn hóa học
Nhiều ý kiến cho rằng đề thi minh họa môn tiếng Anh khá khó so với mặt bằng chung trình độ học sinh, nhất là học sinh ở ngoại thành, vùng sâu, vùng xa và học sinh học khối tự nhiên. Em Bùi Văn Hưng, học sinh lớp 12F (Trường THPT Kinh Môn 2) chia sẻ: “Năm ngoái môn tiếng Anh là môn thi tự chọn, em lại học khối A nên không thật sự chú tâm cho môn học này nhiều. Khi biết tiếng Anh là môn thi bắt buộc em đã đầu tư nhiều thời gian để học và tự tin hơn. Nhưng đề thi minh họa khiến em vẫn lo lắng vì hơi khó, nhất là phần tự luận”.
Trong tình trạng giảng dạy môn tiếng Anh ở trường phổ thông còn nhiều hạn chế như hiện nay, việc đưa môn tiếng Anh thành môn thi THPT quốc gia bắt buộc với mức độ đề khó có thể gây khó khăn cho học sinh hiện tại, nhưng sẽ có tác dụng tích cực về lâu dài. Điều này sẽ khiến giáo viên và học sinh từ những năm học sau quan tâm chú ý tới môn học này hơn.
Theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường THPT chỉ được tổ chức ôn luyện cho học sinh đến hết ngày 10-5. Từ đó cho đến khi diễn ra kỳ thi còn gần 2 tháng, các trường lại đều lo lắng về mức độ khó nên nhiều trường vẫn tổ chức cho học sinh ôn đến gần sát ngày thi. Các trường mong muốn Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ nới lỏng hơn về quy định này, tạo điều kiện cho trường kèm cặp học sinh của mình.
Đôn đáo tìm chỗ ởNgay từ những ngày giữa tháng 6, anh Nguyễn Văn Thư (phường Hải Tân, TP Hải Dương) đã phải xuống địa điểm con anh sẽ thi ở TP Hải Phòng để tìm chỗ nghỉ trong những ngày đầu tháng 7 tới. Anh Thư cho biết, gia đình anh không có người quen thân ở Hải Phòng, lại lo ngại sẽ khó tìm chỗ ở nên anh phải tìm nhà nghỉ ở gần trường thi và đặt cọc trước với giá 400.000 đồng/đêm. Tuy nhiên, anh vẫn lo lắng tình hình giao thông cũng như thời tiết trong những ngày diễn ra kỳ thi.
Nhiều người e ngại khó tìm chỗ nghỉ gần địa điểm thi nên đã phải đi tìm và đăng ký trước như anh Thư. Nhiều gia đình thí sinh ở hai huyện Kinh Môn và Kim Thành lựa chọn phương án đi về trong ngày vì nhà chỉ cách địa điểm thi 20-30 km. Em Nguyễn Thị Thúy, học sinh lớp 12G (Trường THPT Kim Thành 2) cho biết: “Không ở lại chỗ thi mà đi về trong ngày thì sẽ đỡ phải tìm chỗ trọ. Điều kiện ở nhà vẫn tốt hơn nhưng em lo lắng về giao thông trong những ngày thi”.
Gia đình chị Trịnh Thị Tươi (phường Lê Thanh Nghị, TP Hải Dương) có nhiều người thân ở Hải Phòng, song chị cũng phải cân nhắc lựa chọn ở địa điểm nào thuận lợi nhất. Trước đó, vào đầu tháng 6, con chị Tươi đã tham dự kỳ thi riêng của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội nên chị lo lắng con gái ít nhiều mệt mỏi khi tham dự tiếp kỳ thi ở Hải Phòng. “Nếu như tổ chức thi như mọi năm thì các cháu chỉ phải đi thi xa một lần. Năm nay, các cháu thi vào Trường Đại học Quốc gia lại phải đi thi xa hai lần, vừa vất vả cho gia đình mà vừa ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý của các cháu”, chị Tươi cho biết. Chị dự định sẽ đưa con gái tới Hải Phòng sớm, đi lại cho quen đường để không bỡ ngỡ trong những ngày đưa đón con đi thi ở đây.
Do thí sinh thi ở nhiều điểm tại TP Hải Phòng nên các trường THPT đều không tổ chức đưa đón thí sinh mà để gia đình các em tự túc. Trong những năm sau này, nếu vẫn tổ chức thi THPT quốc gia tập trung, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng như các trường THPT nên phối hợp có phương án đưa đón thí sinh đi thi ở tỉnh ngoài, góp phần bảo đảm an toàn cho thí sinh.
VIỆT HÒA
Chuẩn bị mọi mặt cho thí sinh
Năm nay là năm đầu tiên thực hiện kỳ thi THPT “2 trong 1”. Toàn trường có 325 học sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia. Trong đó, hơn 40% học sinh tham gia kỳ thi tại cụm thi Hải Phòng để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH, CĐ; số học sinh còn lại tham gia cụm thi ở tỉnh.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, ngay từ khi nhận được thông báo cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhà trường đã lên kế hoạch chuẩn bị mọi mặt giúp các em học sinh hiểu được cách thức thi, xây dựng kế hoạch ôn luyện phù hợp. Trong thời gian chuẩn bị, nhà trường đã tổ chức 2 đợt thi thử với các môn thi có trong quy định để đánh giá chất lượng của các học sinh, kịp thời giúp các em tự đánh giá khả năng của bản thân và có kế hoạch lựa chọn môn thi cho phù hợp với sức học của mình. Xác định việc đổi mới cách thi sẽ khiến nhiều học sinh lo lắng có thể ảnh hưởng đến chất lượng ôn luyện kiến thức của học sinh, các thầy cô trong trường đã không ngại vất vả tổ chức cho các em ôn luyện tại trường theo đúng quy định và bảo đảm nội dung trong chương trình thi.
Đối với những học sinh tham gia cụm thi ngoài tỉnh, việc đi lại, ăn ở cũng gặp không ít khó khăn. Do các em sẽ thi ở nhiều điểm khác nhau nên nhà trường không thể tổ chức theo đoàn mà chỉ có thể hỗ trợ phụ huynh và các em một số thông tin để chuẩn bị tốt về tinh thần, vật chất và kiến thức sẵn sàng bước vào kỳ thi. Mặc dù cũng có đôi chút lo lắng nhưng nhà trường, thầy cô rất mong các em sẽ tự tin và có được kết quả tốt trong kỳ thi này.
Thầy giáoPHƯƠNG KIM CẢNH Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP Hải Dương)
Sẵn sàng cho kỳ thi lớn
Năm nay, kỳ thi THPT có sự thay đổi. Ngoài việc phải thi 4 môn theo quy định, em có thể lựa chọn các môn là sở trường để đăng ký. Việc này giúp em đỡ vất vả hơn trong quá trình ôn luyện, áp lực việc ôn tập cũng giảm hơn. Thời gian đầu, em và các bạn trong lớp cũng có nhiều lo lắng về nội dung đề thi, nơi thi cách xa nhà... Tuy nhiên, được sự giúp đỡ tận tình của các thầy, cô giáo, sự động viên của gia đình nên em cảm thấy vững tâm hơn.
Để chuẩn bị cho kỳ thi này, ngoài việc ôn tập ở trường, ở nhà, em còn được tham gia thi thử 3 đợt để đánh giá chất lượng và khả năng làm bài thi. Nhìn chung, kết quả của em và các bạn trong lớp đều được đánh giá là khá. Mặc dù vậy, em vẫn không chủ quan. Thời gian này, em cố gắng sắp xếp thời gian ôn bài và nghỉ ngơi phù hợp để bảo đảm sức khỏe và kiến thức cho kỳ thi lớn. Đến nay, em đã chuẩn bị sẵn sàng để bước vào kỳ thi.
Em HỒ THỊ THÙY TRANG, học sinh lớp 12 hóa Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (TP Hải Dương)
Còn nhiều băn khoăn
Tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh khác rất lo lắng về nơi ăn chốn ở của con trong suốt quá trình diễn ra kỳ thi. Nếu như dự thi ở Hà Nội, việc bố trí ăn ở cho phụ huynh và con em không trở thành vấn đề quá lo lắng nhưng tôi lo ở Hải Phòng không có nhiều nhà, phòng trọ để thuê. Vài ngày trước khi diễn ra kỳ thi, tôi sẽ xuống xem tình hình thuê nhà trọ ở đó như thế nào. Gia đình tôi cũng đang tính đến phương án sẽ đưa con đi về trong ngày bằng xe máy vì tính từ nhà tôi đến địa điểm thi của con chỉ hơn 40 cây số. Tuy nhiên, tôi cũng lo đường sá xa xôi đi lại không bảo đảm an toàn hoặc có thể xảy ra tắc đường. Bên cạnh đó, tôi vẫn còn nhiều băn khoăn khác như vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của các hàng quán ăn uống phục vụ thí sinh... Trước kỳ thi này, tôi cũng như các bậc phụ huynh khác đều mong muốn tạo điều kiện tốt nhất để con em mình có thể yên tâm làm bài thi đạt kết quả cao.
Ông NGUYỄN VĂN THẮM, thôn Khuê Bích, xã Thượng Quận (Kinh Môn)
|