Văn nghệ sĩ phải đi thực tế

06/11/2012 15:07

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của văn nghệ sĩ.

Cách đây 50 năm, ngày 6-11-1962, dự cuộc họp của Bộ Chính trị chỉ đạo Đại hội Văn nghệ, Bác đóng góp ý kiến về việc văn nghệ sĩ đi thực tế: “Đi nhưng phải tự nguyện, không ép buộc. Đi, nhưng phải sống như người nông thôn chứ đi theo kiểu làm khách là không được. Không để lao động quá sức, nhưng cũng nên thử để thấy người nông dân khổ như thế nào, khỏe như thế nào”.

Về tình hình văn nghệ, Bác nói: “Không có cách mạng, không có kháng chiến thì không có văn nghệ như bây giờ... Hướng dẫn khen, phê bình phải cho đúng đắn, có cái phải nghiêm khắc. Khen, chê phải đúng mức. Khen nhưng khen quá lời, “suy tôn” người được khen thì chính người được khen xấu hổ. Đập nhưng đập bậy thì người ta không phục... Văn chương phải hùng hồn, tình cảm phải sâu sắc, lý lẽ cho đích xác…”

Theo Bác, trên mặt trận này, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ phải thấm nhuần quan điểm: nghệ thuật - vũ khí, nghệ sĩ - chiến sĩ. Muốn nghệ thuật trở thành vũ khí và người nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ thì người nghệ sĩ phải đi thực tế, phải “ba cùng” với nhân dân. Đây cũng chính là quan điểm của Người trong thư gửi các họa sĩ năm 1951: “Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế mới bày tỏ được tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao cho tinh thần ấy”.

Làm theo lời Bác dạy, trong đời sống văn nghệ đã hình thành lớp lớp nhà văn chiến sĩ, những nhà văn hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, dùng ngòi bút của mình phục vụ cho cách mạng một cách tận tụy, hết mình. Nhiều nhà văn trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu Đông, Việt Bắc, Biên Giới, Điện Biên Phủ… Trong đó, có nhiều nhà văn - chiến sĩ đã hy sinh anh dũng như: Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh… Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng chục nghìn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đến với tiền tuyến lớn miền Nam và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà như: Anh Đức, Nguyễn Thi, Nguyễn Sáng, Phan Tứ, Nguyễn Trung Thành, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý...   

Là người đặt nền móng cho nền văn nghệ cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công gây dựng một nền văn nghệ mới; đồng thời có những lời căn dặn, chỉ bảo tận tình, cần thiết cho đội ngũ những người làm công tác văn hóa văn nghệ, đặc biệt là các anh chị em nghệ sĩ. Tư tưởng của Người về văn hóa văn nghệ chính là ánh sáng soi đường cho quyết tâm xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

BẢO CHÂU(biên soạn)

(0) Bình luận
Văn nghệ sĩ phải đi thực tế