Người chăn nuôi cạn vốn cùng với những lo ngại dịch tả lợn châu Phi quay trở lại và giá lợn giống vẫn ở mức cao là những nguyên nhân khiến cho việc tái đàn lợn trên địa bàn tỉnh diễn ra chậm chạp.
Giá con giống cao nên nhiều hộ dè dặt tái đàn
Đã hơn 3 tháng sau khi hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), giá lợn hơi luôn ở mức cao nên nhiều hộ chăn nuôi tìm mọi cách để tái đàn. Mặc dù vậy, việc tái đàn diễn ra chậm vì không ít hộ thiếu vốn mà giá con giống cao.
Giá con giống cao
Đợt DTLCP đã làm toàn bộ gia trại chăn nuôi lợn của hộ ông Đồng Văn Khá ở thôn Hoàng Xá, xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) bị tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề vì đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Tháng 7.2019, sau khi địa phương công bố hết DTLCP, ông Khá mới tái đàn. Dốc hết số vốn dành dụm được, cộng với tiền Nhà nước hỗ trợ thiệt hại, gia đình ông mua 30 con lợn giống với giá hơn 1 triệu đồng/con. Chỉ sau vài ngày nuôi, toàn bộ số lợn này ốm chết và có biểu hiện như bị DTLCP. Từ đó đến nay, ông Khá không dám tái đàn lợn dù giá lợn hơi đang ở mức cao. "Tôi và nhiều hộ chăn nuôi khác có nhu cầu tái đàn nhưng thời điểm này không chỉ khan hiếm lợn giống mà giá còn lên tới 2,5 - 3 triệu đồng/con", ông Khá nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Minh ở thôn Đỗ Xá, xã Ứng Hòe (Ninh Giang) đang nuôi 100 con lợn thịt. Theo ông Minh, đây là thời điểm hiếm có với người chăn nuôi lợn bởi giá lợn hơi giữ ở mức cao trong thời gian dài. Cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác, ông Minh mong khôi phục đàn lợn. Nhưng ông cũng chỉ tái đàn bằng 2/3 so với trước vì giá lợn giống quá cao. Ngoài đầu tư cho con giống, các hộ chăn nuôi phải bỏ thêm chi phí thức ăn, vaccine, các loại thuốc phòng dịch... Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vốn ít thì không đủ kinh phí để chăn nuôi.
Theo ông Đỗ Thanh Vỹ, Trưởng Ban Thú y xã Ứng Hòe, trước khi DTLCP xảy ra, phần lớn các hộ trong xã đều chăn nuôi lợn nhưng nay chỉ khoảng 30% số hộ tái đàn với số lượng ít. Toàn xã chỉ còn 2.000 con lợn với khoảng 150 hộ chăn nuôi. "Giá con giống cao trong khi tìm mua rất khó khăn. Nhiều trại nuôi lợn lớn đều giữ lại con giống để mở rộng quy mô chăn nuôi, còn nếu mua giống ở các trại nhỏ thì nguồn gốc không bảo đảm", ông Vỹ nói.
Việc tái đàn cần tính toán đến an toàn trong chăn nuôi
Người nuôi cần sớm khôi phục đàn lợn nái
Việc tái đàn lợn rất cần thiết nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, góp phần bình ổn giá cả thị trường. Nhiều hộ trong tỉnh đã tái đàn nhưng khá chậm và chỉ tập trung ở các trang trại chăn nuôi tập trung, bảo đảm điều kiện an toàn sinh học. Tại các gia trại nhỏ lẻ, nhiều hộ cũng tái đàn nhưng đều gặp khó khăn về nguồn giống, giá con giống cao nên chỉ nuôi với số lượng ít. Vì vậy, tổng đàn lợn thịt của toàn tỉnh hiện nay chỉ khoảng 210.080 con, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, khó khăn nhất với người chăn nuôi hiện nay là thiếu vốn sản xuất. Giá con giống cao vì lợn nái trong dân không còn nhiều. Nếu nhập con giống trôi nổi bên ngoài thì nguy cơ tái phát dịch bệnh cũng rất cao. Lúc này, người chăn nuôi sẽ có nguy cơ bị thiệt hại "kép". Các hộ nên chọn mua con giống ở các cơ sở chăn nuôi uy tín hoặc sử dụng con giống tại chỗ để biết rõ về nguồn gốc. Về lâu dài, các hộ nên đầu tư nuôi lợn nái hậu bị, tuy mất nhiều thời gian nhưng bảo đảm nguồn gốc con giống an toàn và giúp các hộ giảm chi phí. Bên cạnh đó, điều kiện tiên quyết để tái đàn thành công là phải bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ cho đàn vật nuôi để tránh các bệnh dịch nguy hiểm khác.
Để người chăn nuôi yên tâm tái đàn rất cần cơ quan chức năng kết nối với các doanh nghiệp giúp người dân tìm được nơi cung ứng lợn giống có chất lượng, giá cả hợp lý và tạo điều kiện vay vốn. Có như vậy, trong thời gian tới tổng đàn lợn mới phát triển để góp phần bảo đảm nguồn cung thịt lợn trên thị trường.
TRẦN HIỀN