Để mỗi người đều có văn hóa khi tham gia giao thông, những người quản lý về hoạt động giao thông có hai cách tác động tới người tham gia giao thông là: giáo dục và cưỡng chế.
Văn hóa giao thông là biểu hiện bằng hành vi chấp hành đúng pháp luật theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông.
Văn hoá giao thông rất phong phú, nhưng cũng cụ thể. Mỗi khi con cháu ra đường, cha mẹ thường dặn dò: đi nhanh rồi về, chú ý xe cộ cẩn thận. Điều kiện cần và đủ của “Văn hóa giao thông” là hiểu đúng các quy định của pháp luật về an toàn giao thông và tự giác chấp hành các quy định ấy, để bảo vệ mình và người khác khi tham gia giao thông. Đó là, hành vi đi đúng phần đường, làn đường, tuân thủ quy định về tốc độ, dừng, đỗ xe đúng nơi quy định, đội mũ bảo hiểm đúng quy cách khi đi mô tô xe máy, thắt dây an toàn khi đi ô tô. Không uống rượu bia, chấp hành hệ thống báo hiệu giao thông. Có đầy đủ giấy tờ theo quy định khi điều khiển phương tiện giao thông. Tự giác chấp hành quy định về an toàn giao thông cả khi không có lực lượng công an; không phóng nhanh, vượt ẩu. Lên xe khách, xe buýt không tranh chổ ngồi, thanh niên nhường chỗ cho các cụ già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ có thai. Đích cuối cùng của văn hóa giao thông là xây dựng con người văn minh trong hoạt động giao thông, từ việc thực hiện luật pháp đến ý thức trách nhiệm của mỗi người với cộng đồng. Văn hóa giao thông là biểu hiện lối ứng xử đẹp giữa những người tham gia giao thông trong cộng đồng xã hội. Thực tế cho thấy, hiện nay, vấn đề giao thông, đặc biệt ở các đô thị càng trở nên phức tạp. Hạ tầng giao thông không theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, đã dẫn đến sự ách tắc giao thông và đặc biệt đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Vì thế, vấn đề an toàn giao thông càng trở nên cấp bách. Tai nạn giao thông từ lâu đã trở thành nỗi lo, nỗi ám ảnh thường trực của mỗi người khi ra đường tham gia giao thông.
Để mỗi người đều có văn hóa khi tham gia giao thông, những người quản lý về hoạt động giao thông có hai cách tác động tới người tham gia giao thông là: giáo dục và cưỡng chế. Còn người tham gia giao thông có hai hành vi: hiểu biết và chấp hành. Người quản lý tổ chức cung cấp thông tin tuyên truyền pháp luật, còn người tham gia giao thông phải tìm hiểu để chấp hành đúng pháp luật. Do đó, công tác tuyên truyền rất quan trọng, đòi hỏi dễ hiểu và dễ thực hiện. Các đoàn thể và địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho thanh thiếu niên. Muốn làm tốt việc này, vai trò của nhà trường, gia đình là rất quan trọng. Đặc biệt, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh có vai trò quan trọng hàng đầu để vận động thanh thiếu niên tự giác chấp hành luật lệ giao thông một cách có văn hóa.
HOÀNG BÍCH HÀ (Khánh Hòa)