Gia đình là môi trường sống quan trọng nhất của mỗi con người. Gia đình phải luôn luôn là nơi bình an nhất, là “tổ ấm” hạnh phúc nhất, là nơi chia sẻ mọi nỗi buồn vui, sự thành đạt cũng như nỗi bất hạnh…
Mỗi chúng ta khác nhau về văn hóa địa phương, truyền thống gia đình, trình độ học vấn, kiến thức và kinh nghiệm sống... Chính những điểm khác nhau ấy đã tạo nên giá trị bên trong của mỗi con người, mỗi gia đình và mỗi dân tộc, vậy nên quan điểm và cách sống của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm và cách sống của mỗi cá nhân, một phần bị tác động không nhỏ của cuộc sống mưu sinh cơm áo, gạo tiền. Có thể vì lợi ích vật chất mà đôi khi ta phải đấu tranh, giành giật, thậm chí bất chấp mọi thủ đoạn để đạt được những ham muốn của mình. Chính vật chất và tiền bạc đã tác động mạnh mẽ đến hành vi của con người và kéo một số người xa rời nếp sống thuần phong mỹ tục và nét đẹp văn hóa vốn có của truyền thống dân tộc Việt Nam. Ngày xưa, một gia đình thường là nhiều thế hệ sống chung dưới một mái nhà, đó là điển hình của những gia đình có phúc, đức, có nền nếp gia giáo. Ngày nay, do sự phát triển nhiều mặt của xã hội, quan niệm về cuộc sống gia đình có thể khác trước. Nhưng bất luận thế nào đi chăng nữa thì con người sinh ra, ai cũng cần có một gia đình, nếu không có gia đình tức là biểu hiện của sự bất hạnh. Nếu như con người sinh ra, không có người mẹ cho bú mớm, ôm ấp vỗ về, thì con người đó làm sao hiểu được tình mẫu tử? Một gia đình mà ông bà, cha mẹ sống không mẫu mực, không hết lòng vì con cháu, một gia đình luôn luôn chạy theo đồng tiền, bị đồng tiền ngự trị trên mọi giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức, thì gia đình đó không bao giờ tìm thấy hạnh phúc của một mái ấm gia đình. Mấy chục năm nay chúng ta đã nói rất nhiều và cũng đã làm rất nhiều để “xây dựng gia đình văn hóa mới”. Nhưng nội dung cốt lõi của một gia đình văn hóa mới đã cụ thể? Có rất nhiều gia đình được tặng danh hiệu “gia đình văn hóa” nhưng thực chất họ cũng chưa hiểu được tại sao gia đình mình lại được nhận vinh dự đó. Bởi một điều rất đơn giản là họ không hiểu được tiêu chí của một “gia đình văn hóa”. Đã có một thời hễ cứ nói đến cái gì xưa cũ, thì người ta đều gán cho cái mác lạc hậu và cần phải xóa bỏ, như gia giáo, gia lễ, hương ước… Nhiều người còn lầm tưởng có thể dùng giáo dục xã hội thay thế cho giáo dục gia đình và vai trò gia đình bị hạ thấp. Họ xem đoàn thể mới là nơi giáo dục và rèn luyện nhân cách con người mới. Chính vì lẽ đó mà cha mẹ sao nhãng vai trò giáo dục con cái và không thể hiện mình như một tấm gương cho con cái noi theo. Con cái chỉ tuân theo những gì “xã hội” giáo dục. Thậm chí có lúc, con gọi bố đẻ bằng “ông bô, bà bô”; rồi phê phán ông, bà, cha mẹ là những người sống “cổ hủ lạc hậu”, là “lỗi thời”!... Chữ “hiếu” luôn vẫn được nhắc đến trong lớp trẻ, nhưng là “hiếu với dân”, tức với một đối tượng rất chung chung, rất “xã hội” chứ chưa hẳn đã là có hiếu với ông bà, cha mẹ. Thiết nghĩ: xây dựng “gia đình văn hóa” phải bắt đầu từ gia đình, chứ không phải chỉ có ngoài xã hội. Nghĩa là phải dạy cho người làm cha, làm mẹ biết cách thức và đạo lý làm cha, làm mẹ, rồi lại phải dạy họ cách thức làm con, em, để họ biết nêu gương sáng cho chính con, em mình. Thậm chí còn phải làm ngược lại, dạy họ cách làm tròn phận sự con, em trước, rồi mới dạy đến cách làm cha mẹ. Phải làm cho gia đình trở thành nền tảng đạo đức vững chắc của xã hội. Trách nhiệm này thuộc nhiều tổ chức, nhưng trước hết, không thể không nói đến vai trò của ngành giáo dục, ngành văn hóa và gia đình.
“Nhà tức là cái nước nhỏ, nước tức là cái nhà lớn”. Chân lý đó cần được ghi nhớ. Có như vậy ta mới xây dựng đúng thực chất danh hiệu “gia đình văn hóa” và đất nước mới cường thịnh trường tồn.
HOÀNG BÍCH HÀ(Ninh Hòa, Khánh Hòa)