Là xã nằm ở xa trung tâm huyện, kinh tế khó khăn, sau 3 năm về đích nông thôn mới (NTM) diện mạo nông thôn ở Văn Giang (Ninh Giang) tiếp tục đổi thay mạnh mẽ.
Ngoài xi măng được UBND tỉnh hỗ trợ, xã Văn Giang (Ninh Giang) còn hỗ trợ thêm từ 30-50% chi phí mua cát, đá để các thôn làm đường giao thông
Về Văn Giang hôm nay, nhiều người ngỡ ngàng bởi sự thay đổi nhanh chóng của vùng quê này. Hai bên đường, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ, thẳng tắp. Hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.
Từ một xã có điểm xuất phát thấp với 40% các tuyến đường giao thông là đường đất, tỷ lệ kiên cố hóa thủy lợi thấp, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 6%..., Văn Giang đã quyết tâm vươn lên đạt chuẩn NTM vào năm 2015. Kinh nghiệm của xã là xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể, rõ ràng. Ông Vũ Xuân Quyền, Chủ tịch UBND xã Văn Giang cho biết: "Trong quá trình xây dựng NTM, chúng tôi nghiêm túc thực hiện nguyên tắc “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Xã chủ động tạo kinh phí để xây dựng các công trình chứ không chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của cấp trên. Khi đánh giá tiêu chí phải cụ thể, rõ ràng”.
Để có kinh phí xây dựng NTM, ngoài việc đấu giá quyền sử dụng đất, xã còn đẩy mạnh xử lý đất dôi dư, xen kẹp. Từ năm 2012-2016, Văn Giang đã tiến hành 3 đợt xử lý đất dôi dư, xen kẹp, thu được trên 7 tỷ đồng. Xã còn tranh thủ nguồn vốn hỗ trợ của các cấp và vốn lồng ghép để xây dựng các công trình.
Để khơi dậy sức dân trong việc làm đường giao thông nông thôn, Văn Giang hỗ trợ từ 30 - 50% chi phí mua cát, đá cho các thôn làm đường. Đến nay, tất cả các tuyến đường trong xã đều được bê tông hóa.
Sau khi hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa, xã đã đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả, tăng năng suất lao động. Xã đã xây dựng được 21 ha vùng bãi ven sông Luộc trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cải bắp xuất khẩu, cà rốt, củ đậu... Năm 2017, sau khi trừ chi phí, 1 ha đất bãi đem lại lợi nhuận cho người dân Văn Giang gần 300 triệu đồng. Nhiều năm nay, xã khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích lúa nếp thơm và nếp 97 để có nguyên liệu phục vụ làng nghề nấu rượu. Đồng thời áp dụng kỹ thuật, nâng cao chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm rượu truyền thống. Trên địa bàn xã hiện có 3cơ sở may gia công, một số cơ sở sản xuất mộc, hàn xì... giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Với việc đa dạng hóa các ngành nghề, 95% số lao động của xã có việc làm, thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 32,2 triệu đồng.
Mặc dù hạ tầng cơ sở ở địa phương đã đạt chuẩn NTM, nhưng xã vẫn tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng các công trình. Vừa qua, xã đã trải đá cấp phối 840 m đường ra đồng hết 300 triệu đồng. Trong năm 2018, xã tiếp tục hỗ trợ từ 30-50% chi phí mua cát, đá để người dân mở rộng 8 tuyến đường với chiều dài trên 1 km. Sắp tới, xã sẽ đầu tư xây dựng tường bao xung quanh trường mầm non, 2 phòng học cho trường tiểu học, sửa chữa nhà ăn bán trú, xây dựng nhà vệ sinh mới, tường bao sân thể dục; tu sửa 8 phòng học của trường THCS, cải tạo sân trường. Văn Giang cũng xây dựng rãnh thoát nước xung quanh sân thể thao ở thôn 1 và 2, mua sắm hệ thống loa đài mới trong nhà văn hóa của cả 3 thôn. Xã chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí an ninh trật tự, môi trường...
THANH HÀ