Sau 8 năm thực hiện Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong các cơ sở giáo dục tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2020", toàn tỉnh vẫn còn gần 23% giáo viên tiếng Anh chưa đạt chuẩn.
Đồng chí Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Chung
Trả lời chất vấn về kết quả thực hiện đề án dạy và học ngoại ngữ của tỉnh chiều 5.12, đồng chí Vũ Văn Lương, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) cho biết, lúc mới thực hiện đề án (năm 2011), toàn tỉnh chỉ có 4,7% giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu. Các trường dạy bằng đài là chính, phòng học ngoại ngữ còn ít. Nhận thức về tầm quan trọng của học ngoại ngữ của giáo viên, học sinh và các tầng lớp nhân dân còn chưa đầy đủ. Đến nay, tỉnh Hải Dương đã đạt 3/5 mục tiêu của đề án dạy học ngoại ngữ. 2 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu ( hiện mới đạt hơn 77%) và tỷ lệ trường áp dụng chương trình tiếng Anh mới 4 tiết/tuần (70% số trường áp dụng).
Hiện toàn tỉnh mới có 73% số trường tiểu học, 54% số trường THCS và 48% số trường THPT có phòng học ngoại ngữ. Học sinh học ngoại ngữ theo chương trình tiếng Anh mới có tỷ lệ đạt điểm trên trung bình cao hơn học sinh học theo chương trình cũ. Thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều hoạt động để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh như thi tiếng Anh qua mạng, hùng biện bằng tiếng Anh; khuyến khích học sinh thi, đánh giá năng lực theo tiêu chuẩn quốc tế.
Đến năm 2020 còn 2 chỉ tiêu khó đạt. Đó là chỉ tiêu 100% số giáo viên đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo khung tham chiếu châu Âu và 100% số trưòng dạy tiếng Anh theo chương trình mới. Lý do, một số giáo viên được đào tạo theo hệ tại chức, năng lực hạn chế; một bộ phận giáo viên dạy tiếng Nga, Pháp chuyển sang dạy tiếng Anh và một số giáo viên sắp nghỉ hưu khó tiếp cận, nâng cao trình độ đáp ứng tiêu chuẩn. Đây cũng là lý do các trường có giáo viên còn hạn chế năng lực chưa áp dụng việc giảng dạy tiếng Anh theo chương trình mới.
Ngành GD – ĐT đề xuất một số giải pháp như: Kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện đề án. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho giáo viên, học sinh và nhân dân về tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, biến nhận thức thành hành động cụ thể. Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Tới đây sẽ thường xuyên đánh giá năng lực và công bố kết quả đánh giá, cả trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm. Quyết tâm chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của đội ngũ giáo viên tiếng Anh. Đổi mới kiểm tra đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, khuyến khích học sinh tham gia các kỳ đánh giá năng lực ngoại ngữ. Xây dựng và tổ chức các hoạt động giáo dục, khơi dậy đam mê học ngoại ngữ của học sinh. Đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy học ngoại ngữ. Tăng cường quản lý chất lượng giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ, các trung tâm có yếu tố người nước ngoài. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trang thiết bị để học ngoại ngữ. Triển khai chương trình tiếng Anh mới cho các trường.
Sở GD – ĐT đề nghị tỉnh quan tâm kinh phí thực hiện các mục tiêu bồi dưỡng giáo viên, tăng cường cơ sở vật chất, tăng số phòng học ngoại ngữ cho các trường và ưu tiên hợp đồng đủ giáo viên theo yêu cầu. Đặc biệt lưu ý nguy cơ một số giáo viên tiếng Anh ở tiểu học bỏ nghề do ngoại ngữ mới là môn tự chọn ở tiểu học. Giáo viên hợp đồng không được tuyển dụng, nên một số đã chuyển đổi nghề nghiệp, ảnh hưởng tới chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
Về vấn đề này, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia nói tiếng Anh kém trong khu vực, và Hải Dương là một trong số các tỉnh như vậy. Trong khi đó, ngôn ngữ chính giao dịch quốc tế là tiếng Anh. Với cách đặt vấn đề như hiện nay, sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Nhà nước và tỉnh đã quan tâm đầu tư cho việc dạy và học tiếng Anh nhưng chưa hiệu quả. Đề nghị ngành GD – ĐT tỉnh cần tính toán, tham mưu giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ.
HOÀNG THANH