Vẫn còn dạy thêm và thu góp trái quy định

09/10/2018 09:29

Chất lượng giáo dục của tỉnh Hải Dương tiếp tục được giữ vững và có tiến bộ, song cũng còn nhiều hạn chế dai dẳng chưa được khắc phục.


Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đọc Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Ảnh: Thành Chung

Nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch

Tỉnh Hải Dương là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về kết quả và chất lượng phổ cập giáo dục. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được củng cố, mở rộng, phát triển gắn với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đáp ứng nhu cầu học tập phong phú, đa dạng của nhân dân.

Đó là thông tin được nêu trong Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Theo tờ trình, 5 năm qua, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong tỉnh chủ động, tích cực triển khai phương pháp dạy học mới; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục đạo đức và giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống. Tích cực đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp và tăng quyền chủ động của cơ sở, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ sở giáo dục và kiểm tra, giám sát của cấp trên.

Nhiều mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Mạng lưới, quy mô trường lớp từ mầm non đến đại học được mở rộng, hoàn thiện. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng cao. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát triển cả về số lượng và chất lượng, cơ cấu tương đối hợp lý, bảo đảm 100% trình độ đạt chuẩn. Số giáo viên có trình độ trên chuẩn tăng nhanh. Chất lượng phổ cập giáo dục - xóa mù chữ, giáo dục mầm non vượt chỉ tiêu đề ra. Các chỉ tiêu về giáo dục nghề nghiệp bảo đảm kế hoạch. Tỉnh luôn duy trì vị trí cao về thành tích học sinh giỏi, học sinh đỗ đại học.

Tiếp tục đổi mới

Tờ trình cũng chỉ rõ 6 hạn chế trong thực hiện Nghị quyết cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên về mục đích, nội dung Nghị quyết chưa sâu sắc. Một số đơn vị, trường học xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết còn chung chung, chưa gắn với thực tiễn.

Một số chỉ tiêu giáo dục đạt thấp so với với mục tiêu của tỉnh đến năm 2020 như: đổi mới, nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ; tỷ lệ giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn theo khung năng lực ngoại ngữ châu Âu; phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau trung học đạt thấp.

Năng lực quản lý, điều hành của một số ít cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế, chưa bảo đảm dân chủ trong quản lý nhân sự, tài chính. Tình trạng dạy thêm, học thêm và thu góp không đúng quy định còn xảy ra ở một số cơ sở.

Đội ngũ giáo viên THCS có cơ cấu chưa hợp lý, khó bố trí sắp xếp giảng dạy đúng chuyên môn. Định mức giáo viên được giao đối với cấp tiểu học, mầm non thấp so với yêu cầu của chương trình nên gặp khó khăn trong tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Một bộ phận giáo viên có ý thức trách nhiệm nghề nghiệp chưa cao, năng lực chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.

Hiệu quả đổi mới giáo dục nghề nghiệp chưa cao. Chất lượng đào tạo một số nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên còn hạn chế. Nội dung hoạt động của một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm học tập cộng đồng chưa phong phú.

Một số trường có quy mô nhỏ, số lớp ít. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học trong các nhà trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của các hạn chế đã nêu và đề xuất 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết trong thời gian tới. Trong đó, chú trọng huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhất là nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đổi mối hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII…

NGUYÊN ANH

(0) Bình luận
Vẫn còn dạy thêm và thu góp trái quy định