Theo báo cáo của các nhà mạng viễn thông, trong 3,84 triệu thuê bao di động thuộc diện cần chuẩn hóa thông tin, đến nay đã có 2,17 triệu thuê bao thực hiện chuẩn hóa (chiếm 56,49%).
Từ ngày 31.3, các nhà mạng viễn thông đã bắt đầu triển khai khóa dịch vụ một chiều đối với những thuê bao di động chưa thực hiện chuẩn hóa thông tin. Sau đó 15 ngày (15.4) sẽ bị khóa hai chiều và bị thu hồi số điện thoại sau 30 ngày kể từ khi khóa hai chiều nếu thông tin thuê bao không được chuẩn hóa.
Tuy nhiên, khi bị khóa dịch vụ liên lạc một chiều, các thuê bao vẫn có thể gọi miễn phí lên tổng đài của nhà mạng để được giải đáp hỗ trợ. Người dùng có thể tiếp tục chuẩn hóa thông tin thông qua ứng dụng, nền tảng website hoặc đến trực tiếp các cửa hàng, đại lý của nhà mạng để mở lại dịch vụ. Tổng đài hỗ trợ khách hàng của Viettel là 198, của VinaPhone là 18001091, của MobiFone là 18001090. Trong trường hợp thuê bao bị khóa dịch vụ hai chiều, người dùng cần đến các điểm giao dịch của nhà mạng trên toàn quốc để được hỗ trợ thực hiện chuẩn hóa thông tin.
Người dân thực hiện chuẩn hóa thuê bao di động tại cửa hàng MobiFone ngày 2.4.
Trước thực trạng người dân đến các cửa hàng của nhà mạng tăng cao trong những ngày gần đây, nhưng trong số đó có nhiều thuê bao không thuộc diện phải chuẩn hóa thông tin, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khẳng định chỉ những thuê bao nhận được tin nhắn mới cần đi cập nhật, do thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trường hợp sử dụng thuê bao không chính chủ, đăng ký bằng giấy tờ cũ như chứng minh nhân dân nhưng khớp với cơ sở dữ liệu sẽ không thuộc diện chuẩn hóa đợt này.
Do đó, người dân không nên hoang mang, tránh trường hợp bị các đối tượng xấu lợi dụng để lừa đảo. Đại diện nhà mạng Viettel cho biết hiện có nhiều đối tượng thực hiện các cuộc gọi mạo danh cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP phục vụ chuẩn hóa thông tin thuê bao, nếu không thực hiện sẽ bị khóa máy. Viettel khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không cung cấp mã OTP qua điện thoại, chỉ thực hiện theo hướng dẫn trong tin nhắn (tin nhắn có hiển thị VIETTEL) và cuộc gọi từ các kênh chính thức của Viettel.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, việc rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao của người sử dụng dịch vụ viễn thông di động để bảo đảm trùng khớp với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là hoạt động cần thiết; phải có sự tham gia, phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người dân nhằm góp phần ổn định trật tự xã hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi sử dụng thuê bao điện thoại có thông tin đăng ký không đúng quy định để thực hiện các hành vi lừa đảo, quảng cáo sai sự thật, thiếu văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục... Cục Viễn thông yêu cầu các nhà mạng phải cương quyết dừng hoạt động của những thuê bao có thông tin không chính xác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phải bảo đảm quyền lợi của người sử dụng, tránh làm ảnh hưởng đến các thuê bao đã có thông tin đúng quy định; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng dịch vụ trong việc phối hợp chuẩn hóa thông tin thuê bao. Chủ các thuê bao có thể tự kiểm tra thông tin thuê bao di động của mình bằng cách soạn TTTB gửi 1414, các nhà mạng sẽ cung cấp thông tin về tình trạng thuê bao.
Theo QĐND