Đã rất lâu rồi, tiền xu và tiền giấy mệnh giá thấp (100 đồng, 200 đồng, 500 đồng) không còn xuất hiện trên thị trường và đời sống hàng ngày, nguyên nhân vì sao?
Trả lời câu hỏi vì sao tiền xu và các loại tiền giấy mệnh giá thấp không còn xuất hiện trên thị trường dù theo luật vẫn có giá trị, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, hiện đã ngừng in, đúc các loại tiền này.
Theo đó, tiền giấy mệnh giá nhỏ 100 đồng, 200 đồng, 500 đồng được NHNN phát hành vào các năm 1992, 1987, 1989; tiền kim loại mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng được phát hành năm 2003, 2004.
NHNN khẳng định hiện các loại tiền này vẫn có giá trị lưu hành nhưng cùng với sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt và tác động của các yếu tố thu nhập, tỷ giá...; ảnh hưởng thói quen tiêu dùng và sử dụng tiền mặt của người dân, các loại tiền mệnh giá nhỏ ngày càng ít được sử dụng và bị thu hẹp dần tỷ lệ cơ cấu trong lưu thông.
Hiện tiền kim loại, tiền giấy loại 100 đồng, 200 đồng hầu như không còn xuất hiện trong giao dịch thanh toán hàng ngày. Loại 500 đồng tuy vẫn được một số địa phương sử dụng trong giao dịch nhưng khối lượng không nhiều (như sử dụng để chi trả cho siêu thị, bệnh viện, thanh toán phí cầu phà... tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bình Dương...).
Hàng năm, NHNN sẽ căn cứ nhu cầu tiền mặt của nền kinh tế (cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá) để tính toán lượng tiền cần in, đúc và cơ cấu mệnh giá các loại tiền phát hành vào lưu thông. Trong đó có tính đến sự phát triển của hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, hành vi thanh toán của người dân để in và phát hành tiền mệnh giá nhỏ phù hợp với nhu cầu thanh toán của nền kinh tế và tránh được sự lãng phí chung cho xã hội khi không có đủ cơ cấu mệnh giá tiền để thanh toán.
"Những năm gần đây, tiền mệnh giá thấp (100 đồng, 200 đồng, 500 đồng) không có giá trị thanh toán sử dụng thực tế, do đó NHNN đã dừng in, đúc bổ sung hàng năm, chỉ tiếp tục sử dụng với số lượng cần thiết từ nguồn dự trữ, tồn kho ngân hàng và trong dân chúng.
Đối với các loại tiền mệnh giá khác được NHNN in ấn, phát hành và cung ứng đầy đủ về giá trị và cơ cấu mệnh giá vào lưu thông bình thường, bảo đảm đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế", NHNN nhấn mạnh.
Vì sao tiền xu, tiền giấy mệnh giá nhỏ bị "thất sủng"?
Hiện nay loại các loại tiền xu, tiền giấy mệnh giá 100 đồng, 200 đồng và 500 đồng hầu như không còn xuất hiện trên thị trường.
“Cầm 1.000 đồng ra chợ, may ra còn mua được quả ớt, lá chanh chứ 500 đồng bây giờ chẳng mua được gì, đừng nói đến 100 - 200 đồng hay tiền xu. Cho nên dần dần không ai dùng tiền này nữa cũng là điều bình thường", bà Lê Thị Thủy, tiểu thương ở chợ Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội) nói.
Bà Thủy đi chợ đã gần 30 năm nay. Trong khoảng 10 năm trở lại đây bà hầu như không nhìn thấy tiền xu, tờ tiền mệnh giá 100 đồng, 200 đồng. Còn tiền mệnh giá 500 đồng thi thoảng vẫn xuất hiện nhưng khoảng 3, 4 năm trở lại đây, bà Thủy không còn nhìn thấy tờ tiền này nữa.
Theo khảo sát, tại các hàng trà đá vỉa hè rải rác khắp nơi ở Hà Nội, người ta cũng không dùng tiền lẻ để giao dịch, mua bán nữa. Một cốc trà đá, vối đá hiện có giá khoảng 3.000 đồng/cốc, nhiều nơi đã tăng lên 5.000 đồng/cốc. Thứ rẻ nhất có thể mua được ở quán trà đá vỉa hè là kẹo cao su bạc hà, có giá 1.000 đồng/chiếc.
Chị Thu Hường, 38 tuổi, bán trà đá vỉa hè ở Tam Trinh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói: “Chẳng thứ gì ở quán trà đá này có đơn giá lẻ đến 500 đồng. Đơn vị tính nhỏ nhất cũng là nghìn đồng rồi. Hơn nữa tiền xu còn nặng nên từ trước đến giờ không ai muốn tích trữ. Riêng tôi, bây giờ có ai trả tiền xu hay tiền mệnh giá nhỏ thì tôi cũng từ chối nhận. Vì tôi nhận rồi thì cũng không chắc có tiêu được không".
Còn bà Nguyễn Thị Loan, tiểu thương ở chợ Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) thì cho rằng hành vi của người tiêu dùng đã thay đổi do mức thu nhập tăng lên nên tiền vài trăm đồng cũng không còn giá trị.
“Cách đây cả chục năm, khi đi chợ người ta có thể mặc cả lên xuống vài trăm đồng mỗi cân cá, cân tép. Thế nhưng bây giờ nếu có mặc cả thì đơn vị cũng là nghìn đồng. Ví dụ một cân cá rô phi có giá 65.000 đồng. Người mua có thể mặc cả xuống 60.000 - 63.000 đồng/kg chứ không ai mặc cả xuống 64.500 đồng/kg cả. Số tiền đơn vị trăm đồng có chăng chúng tôi đi đổ buôn bán đống thì còn được, tuy nhiên lúc tính tiền cũng làm tròn lên chứ không ai trả đến tiền trăm đồng", bà Loan cho biết.
Nơi giá cả hàng hóa được tính toán chi li đến từng trăm đồng là ở trong các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên ở đây, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt lại trở nên phổ biến, người ta có thể chuyển khoản hoặc quẹt thẻ chính xác đến từng đồng khi thanh toán đơn hàng nên tiền lẻ cũng không còn được sử dụng.
“Nếu khách hàng dùng tiền mặt, đơn hàng lẻ 500 đồng chẳng hạn, cách đây vài năm chúng tôi có thể hỏi để trả khách hàng bằng kẹo. Tuy nhiên giờ đây hầu hết khách hàng đều có thẻ tích điểm, chúng tôi có thể quy đổi để cộng/trừ số tiền lẻ đó vào thẻ tích điểm của khách hàng. Nếu khách hàng không có thẻ tích điểm, chúng tôi có thể làm tròn xuống thành số tiền chẵn để khách hàng dễ trả. Ví dụ đơn hàng hết 190.200 đồng thì có thể báo và thu của khách là 190.000 đồng”, chị Nguyễn Thị Tuyết, nhân viên bán hàng tại một siêu thị ở Đống Đa, Hà Nội cho biết.
Điều tương tự cũng diễn ra tại các cửa hàng tiện lợi. Ông Dũng, chủ một cửa hàng tiện lợi ở Láng Thượng (Đống Đa, Hà Nội) nói: “Khách hàng bây giờ chủ yếu chuyển khoản. Sau khi tính tiền, chúng tôi sẽ cấp mã QR để khách hàng quét mã và chuyển khoản chính xác đến từng đồng”.
“Nếu bây giờ có khách hàng trả tiền bằng tiền xu chắc tôi cũng không bán hàng", ông Dũng nói.
TB (theo VTC)