Hỏi: Tôi nghĩ bản sao chỉ có giá trị trong 3-6 tháng hoặc một năm nhưng có người lại bảo là vô thời hạn, vậy thực tế thế nào?
NGUYỄN THỊ QUỲNH (Nam Sách)
Trả lời: Theo điều 3 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Luật Công chứng năm 2014 và Nghị định 23/2015/NĐ-CP nói trên cũng như các quy định trước đó về công chứng, chứng thực (Luật Công chứng năm 2006, Nghị định số 79/2007/NĐ-CP về chứng thực) đều không quy định về thời hạn có hiệu lực của bản sao được công chứng, chứng thực. Do vậy về nguyên tắc, bản sao được công chứng, chứng thực có giá trị vô thời hạn.
Xét dưới góc độ thực tiễn, bản sao được công chứng, chứng thực có thể chia thành hai loại:
- Bản sao “vô hạn”: Bản sao được chứng thực từ (bảng điểm, bằng cử nhân, giấy phép lái xe mô tô…) có giá trị vô hạn, trừ trường hợp bản chính đã bị thu hồi, hủy bỏ.
- Bản sao “hữu hạn”: Bản sao được chứng thực từ các loại giấy tờ có xác định thời hạn như giấy chứng minh nhân dân (15 năm), phiếu lý lịch tư pháp (6 tháng), giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (6 tháng)… thì bản sao chỉ có giá trị sử dụng trong thời hạn bản gốc còn hạn sử dụng. Tuy nhiên, giá trị chứng cứ của bản sao trong trường hợp này vẫn có bởi nó xác nhận các sự kiện pháp lý đã xảy ra trong quá khứ. Chẳng hạn, thời điểm đó công dân có số chứng minh nhân dân như trên bản sao, đương sự chưa kết hôn với ai…
Với những tài liệu thường có sự biến động, thay đổi trong quá trình sử dụng (như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, sổ hộ khẩu…), cán bộ thụ lý có quyền yêu cầu đương sự xuất trình bản chính (bản gốc) để đối chiếu chứ không có quyền yêu cầu đương sự nộp bản sao mới.