Vai trò của gia đình trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách

30/12/2015 09:43

Gia đình là một xã hội nhỏ bao gồm cha mẹ và con cái của một hoặc vài thế hệ có quan hệ huyết thống, có sự ràng buộc, sẵn sàng giúp đỡ, có trách nhiệm với nhau.


Quá trình hình thành và phát triển nhân cách của một con người tuy phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như gia đình, nhà trường và xã hội nhưng, trong đó yếu tố gia đình có một vai trò vô cùng quan trọng. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy hầu hết các phẩm chất của nhân cách con người đã được nảy sinh, hình thành những nét cơ bản trong giai đoạn tuổi thơ - giai đoạn mà hệ thần kinh và khả năng tư duy của con người còn rất mềm mại, dễ uốn nắn và định hình. Có thể nói, tuổi thơ là hồi ức rực rỡ, sâu đậm nhất của con người và nhiều khi nó là nguyên nhân của những hành vi. Danh hào Vích-to Huy-gô đã khẳng định: "Những nguyên tắc đã được hình thành từ tuổi thơ giống như những chữ cái được khắc trên vỏ cây non, chúng sẽ lớn lên và phát triển cùng với nó, tạo thành một phần không thể tách rời nó". Một cuộc khảo sát xã hội đối với 436 học sinh, sinh viên, phụ huynh, giáo viên về các yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người cho thấy: có 262 người (60,1%) nói là gia đình; có 49 người (11,2%) nói là nhà trường; có 125 người (28,7%) nói tới các yếu tố khác như bạn bè, sách báo, tổ chức Ðoàn, Ðội, tự giáo dục... Những kết quả khảo sát trên được sáng tỏ thêm qua sự phân tích của những nam nữ thanh niên ở độ tuổi 22 - 23 viết các bài văn với đề tài: "Giáo dục và sự trưởng thành của tôi". Trong số 63 bài văn thì có tới 48 bài (chiếm tỷ lệ 76,2%) cho rằng họ trưởng thành được là nhờ bố mẹ và những người thân trong gia đình. Có tác giả đã viết: "Người giáo dục (nếu không phải là duy nhất) đã làm cho tôi trở nên như hiện nay, tiếp thu thế giới như thế này, chứ không như thế khác, chính là gia đình". Hoặc có người viết: "Ảnh hưởng quyết định đối với tôi là gia đình". Chỉ có 15 bài nói đến các yếu tố nhà trường, quân đội, sách báo. Những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy sự trưởng thành về nhân cách của con người phụ thuộc đáng kể vào bầu không khí tâm lý trong gia đình. Những học sinh con ngoan, trò giỏi thành đạt trong cuộc sống hầu hết là hệ quả của các gia đình có tinh thần đoàn kết, hòa thuận, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, có chí hướng phấn đấu thống nhất, có ấp ủ những hoài bão, ước mơ cao đẹp, có phong cách sống nền nếp, khoa học. Lịch sử đã ghi nhận sự thành đạt của gia đình cụ Nguyễn Nhân Nguyên ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Cụ luôn răn dạy các con mình phải đối xử tốt với mọi người và giữ lấy điều nhân nghĩa ở đời. Cụ có 7 người con trai. Tất cả đều học hành chăm chỉ, thông minh và đều đỗ đạt thành danh. Gia đình cụ đã một thời vang danh cả nước, trở thành một "hiện tượng độc nhất vô nhị". Ngược lại, những học sinh kém, lười học, những thanh niên hư hỏng, đua đòi ăn chơi, trốn tránh lao động thường là hậu quả của các gia đình bất hòa, xung đột, thờ ơ, không quan tâm đến nhau, đề cao lợi ích trước mắt, xem nhẹ giá trị tinh thần. Những điều đó khiến cho các thành viên trong gia đình mất đi sự tin cậy lẫn nhau dẫn đến đổ vỡ. Ðiều quan trọng nữa là ý chí, nghị lực, tinh thần kiên nhẫn của con người có sự ảnh hưởng đáng kể vào môi trường sống của gia đình. Ðộng cơ sống ích kỷ hẹp hòi, đề cao giá trị cá nhân của bố mẹ sẽ làm khô cạn và nghèo nàn những ý thức tự chủ vươn lên, nảy sinh tính dựa dẫm, ỷ lại của con cái. Kinh nghiệm thực tiễn cho hay, mọi phẩm chất của nhân cách con người đều có tiền đề hình thành từ trong cái nôi gia đình. Sau đó, những phẩm chất này được phát triển trong giao tiếp với bạn bè, đồng nghiệp, thầy cô giáo với nền văn minh của nhân loại...

Tế bào gia đình cùng với những mối quan hệ giữa con cái với bố mẹ, cháu chắt với ông bà là trường học đầu tiên đem đến cho con người những hiểu biết về thế giới tự nhiên và xã hội, những phẩm chất đạo đức, thẩm mỹ và thể chất. Bố mẹ, ông bà chính là những người thầy đầu tiên của con người khi chào đời và sẽ tiếp tục là cố vấn, trọng tài, định hướng, điều chỉnh sự phát triển nhân cách của con cháu trong quá trình trưởng thành, lập nghiệp. Quả thực, tình yêu gia đình - đó là thứ tình cảm phổ biến nhất, bền vững nhất, đồng thời cũng là quan trọng và tốt đẹp nhất trong tất cả tình cảm tốt đẹp. Nó có ảnh hưởng nhiều nhất tới sự hình thành và phát triển nhân cách của con người.

TS. PHẠM TRUNG THANH
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức tỉnh

(0) Bình luận
Vai trò của gia đình trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách