Vải sản xuất theo quy trình VietGAP tiếp tục “lên ngôi”

15/06/2010 06:41

Khi mà nhiều địa phương sản lượng vải đạt thấp, có nơi gần như mấttrắng thì ở Lục Ngạn (Bắc Giang), vùng vải sản xuất theo quy trình VietGAP tiếp tục“lên ngôi” với giá bán cao hơn nhiều lần so với vải thường.

Vụ vải năm nay, chúng tôi được chứng kiến nhiều tâm trạng khác nhau của những nông dân gắn bó với cây vải ở Bắc Giang. Khi mà nhiều địa phương sản lượng vải đạt thấp, có nơi gần như mất trắng thì ở Lục Ngạn, vùng vải sản xuất theo quy trình VietGAP tiếp tục “lên ngôi” với giá bán cao hơn nhiều lần so với vải thường.

Sản lượng sụt giảm

Con đường từ thành phố Bắc Giang lên thị trấn Kép (Lạng Giang) mọi năm tấp nập kẻ bán, người mua nhưng năm nay chỉ lác đác một số điểm thu mua vải. Thảnh thơi ngồi đợi hàng về, chị Đinh Thị Mận ở xã Hương Lạc (Lạng Giang) cho hay: “Hiện đang là thời điểm thu hoạch chính vụ. Loại vải đẹp có giá 6.000 đồng/kg nhưng cũng không có nhiều hàng để lựa chọn vì quả nhỏ và hay bị rám. Do mấy năm trước giá cả bấp bênh nên nhiều người không còn mặn mà với cây vải, họ chuyển sang trồng cây khác, có hộ vẫn duy trì diện tích thì lại bỏ bê chăm sóc nên sản lượng năm nay tụt giảm. Như mấy vụ trước tôi thu mua của bà con tới hàng chục tấn vải/ngày thì năm nay chỉ được khoảng 4 - 5 tấn”.

Tiếp tục tìm hiểu về sự thất thế của cây vải năm nay, chúng tôi có mặt tại một số xã, những nơi trước đây có diện tích vải lớn của huyện Lạng Giang. Tuy nhiên giờ đây, nhiều gia đình không còn trồng vải nữa mà chuyển sang trồng bạch đàn, keo. Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Thịnh chia sẻ: “Vải năm nay đa phần có chất lượng kém, nhiều cây không ra quả hoặc tỷ lệ đậu quả thấp, năng suất giảm trông thấy. Thời tiết khô hạn, cây vải không được tưới nước đầy đủ khiến vải non bị rụng nhiều là nguyên nhân khiến hàng loạt vườn vải bị thất thu”.

Năm nay, Bắc Giang có khoảng 36.900ha vải, giảm 181ha so với năm 2009; trong đó, có 4.600ha vải sớm, còn lại là vải chính vụ. Sản lượng vải thiều ước đạt khoảng 60.000 tấn, giảm hơn một nửa so với năm được mùa.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, diện tích vải thiều ra hoa và đậu quả thấp là do vào giai đoạn cây phân hoá mầm hoa đã chịu ảnh hưởng của nắng ấm và mưa kéo dài khiến nhiều cây vừa ra hoa vừa phát lộc; mặt khác, giá vải thiều những năm trước thấp nên nhiều hộ trồng vải không quan tâm đầu tư, chăm sóc.

Mặc dù vậy, giá vải năm nay cao hơn mọi năm nên phần nào an ủi người nông dân. Một điều đáng mừng là giá trị của vải trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục được khẳng định. Trong khi giá vải thường ở thời điểm này chỉ dao động từ 4.500 - 6.000 đồng/kg thì vải thiều ở Lục Ngạn trồng theo quy trình VietGAP có giá từ 15.000 - 22.000 đồng/kg tuỳ loại. Riêng vải thường ở Lục Ngạn cũng được giá với mức 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Khẳng định thương hiệu VietGAP

“Mặc dù sản lượng vải giảm so với mọi năm nhưng giá trị thu nhập từ vải thiều không giảm. Những nơi áp dụng quy trình sản xuất vải thiều an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị mỗi kilôgam vải bán tại vườn đều cao gấp 2 - 3 lần giá vải ở những nơi không áp dụng quy trình này”, ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn khẳng định.


Vải thiều áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP tiếp tục khẳng định được chất lượng và đạt giá trị cao.
Cũng theo ông Báo, nếu so với năm vải thiều được mùa nhất, giá bình quân chỉ đạt 4.000 đồng/kg, tổng thu nhập từ vải thiều toàn huyện cũng chỉ đạt gần 500 tỷ đồng. Vụ vải năm nay, giá vải cao hơn giá bình quân năm được mùa nên tổng thu từ vải thiều trên địa bàn vẫn đạt 480 - 500 tỷ đồng. Nhất là chi phí cho chăm sóc, công thu hái giảm nên hiệu quả thu nhập trên 1ha vải tăng.

Là một trong những địa phương triển khai sản xuất vải theo quy trình VietGAP đầu tiên của huyện Lục Ngạn, xã Hồng Giang thu được kết quả khả quan. Hiện xã có 310ha vải thiều, đặc biệt là 11 thôn đều áp dụng quy trình sản xuất vải thiều sạch theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Hồng Giang cho hay: “Việc áp dụng theo quy trình VietGAP vừa bảo đảm chất lượng quả vải thiều sạch, vừa bảo vệ được môi trường. Đồng thời vải có năng suất cao hơn, quả to, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm khiến người tiêu dùng ưa thích, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”.

Ông Ngô Xuân Thìn, Phó chủ tịch Thường trực Hội Làm vườn Bắc Giang cho rằng, việc trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP đang được đông đảo bà con hưởng ứng. Diện tích vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn này của tỉnh năm nay lên tới 4.000ha, tăng 1.500ha so với năm ngoái, tập trung ở một số xã trồng vải thiều trọng điểm của huyện Lục Ngạn như Hồng Giang, Quý Sơn, Giáp Sơn, Phượng Sơn, Trù Hựu.... Hiện đã có 20 xã, thị trấn tổ chức triển khai với 7.500 hộ tham gia.

Theo đó, khi tham gia sản xuất vải theo quy trình VietGAP, các hộ được tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn từ khâu chăm sóc, vệ sinh, sử dụng chế phẩm sinh học, chọn giống trồng, rải vụ thu hoạch đến các biện pháp chăm sóc cơ bản, xử lý đóng gói và vận chuyển sản phẩm... Việc trồng vải theo quy trình VietGAP đòi hỏi các gia đình tuân thủ kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, phòng chống sương mai bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc hoặc bẫy sinh học, vừa an toàn lại tiết kiệm chi phí, đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái.

Cùng với việc nâng cao năng suất và chất lượng vải thiều, các ban, ngành của tỉnh Bắc Giang tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống bằng cách xúc tiến tiêu thụ vải thiều tại các tỉnh biên giới phía Bắc có cửa khẩu với Trung Quốc là Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang; có kế hoạch tiếp cận thị trường châu Âu; chỉ đạo tập trung xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp và hiệu quả, thông qua việc ký kết với một số siêu thị trong nước tiêu thụ vải thiều VietGAP.

(Theo Kinh tế Nông thôn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vải sản xuất theo quy trình VietGAP tiếp tục “lên ngôi”