Ở thời điểm dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp, rạp chiếu phim chưa thể mở cửa, đội ngũ những người làm phim cần nỗ lực tìm cách thích nghi, không ngừng lao động và sáng tạo…
Hậu quả của Covid-19 với thị trường điện ảnh Việt Nam khá nặng nề. Trước đó, theo số liệu thống kê của các doanh nghiệp điện ảnh, lĩnh vực chiếu - phát hành và sản xuất phim tại Việt Nam đã có sự phát triển nhanh chóng trong vòng 10 năm từ 2010-2019.
Cụ thể, số lượng rạp chiếu phim hiện đại của cả nước tăng từ 90 lên 1.096 phòng chiếu (tăng 1.104%), số lượt xem phim chiếu rạp tăng từ 7 triệu lên 57 triệu lượt/năm (tăng 714%), doanh số phim chiếu rạp toàn ngành tăng từ 540 tỷ đồng lên 4.147 tỷ đồng (tăng 668%), số lượng phim Việt Nam chiếu rạp tăng từ 14 lên 45 phim/năm. Trong đó, nhiều phim đạt giải thưởng cao trong các liên hoan phim trong và ngoài nước, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, tạo công việc cho gần 10.000 lao động và đóng góp không nhỏ vào nguồn thu ngân sách nhà nước.
Dự án phim “Tứ đại mỹ nhân” có sự tham gia của Kaity Nguyễn và Ninh Dương Lan Ngọc vừa công bố hồi đầu tháng 6
Đề xuất phương án tháo gỡ
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 1/2020 đến nay khiến các doanh nghiệp ngành điện ảnh đang đứng trước nguy cơ phá sản vì không có doanh thu. Giữa tháng 5 vừa qua, 4 doanh nghiệp điện ảnh CGV, Lotte, Galaxy và BHD, ký văn bản kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp điện ảnh để tháo gỡ những khó khăn.
Cần nhắc lại, tháng 4.2020, Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã gửi văn bản "kêu cứu" lên Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam vượt qua khó khăn vì dịch bệnh. Văn bản này nhấn mạnh: các doanh nghiệp Việt Nam không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đương đầu với khủng hoảng mạnh như dịch Covid-19.
Hiểu và chia sẻ với khó khăn các doanh nghiệp điện ảnh phải đối diện, nhưng lúc này, khi dịch Covid-19 còn đang phức tạp, rõ ràng việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân quan trọng hơn cả. Và, người trong nghề phải tự vượt khó.
Chủ động thích nghi
Trong lúc rạp chiếu phim vẫn chưa biết khi nào mới có thể mở cửa trở lại, đội ngũ những người làm phim phải học cách thích nghi với việc dịch bệnh cứ trồi sụt, phập phù, ảnh hưởng tới lịch sản xuất, quay phim, phát hành… Như đạo diễn Victor Vũ chia sẻ, dịch Covid-19 khiến những người làm phim luôn trong tình trạng phấp phỏng từ lúc xếp lịch quay phim, rồi khi quay xong thì không biết khi nào mới có thể đưa phim tới khán giả. Như thế, mọi thứ, đều phụ thuộc tình hình dịch bệnh như thế nào chứ không phải do ê-kíp quyết định nữa.
Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng trong thời gian giãn cách đã ôn lại những kỷ niệm anh cùng các đồng nghiệp quay phim cực nhưng vui. Anh cũng đăng clip đoàn phim Tiệc trăng máu giao lưu khán giả, kèm theo dòng trạng thái: “Xem lại hình ảnh này ứa nước mắt. Có ai nhớ rạp chiếu phim da diết như mình không? Bao giờ chúng ta được gặp nhau?”.
Đạo diễn Bảo Nhân cũng thường xuyên chia sẻ trên trang cá nhân về nỗi nhớ công việc làm phim khi nghỉ giãn cách xã hội. Anh bày tỏ mong muốn hết dịch để được tụ họp đông vui với các đồng nghiệp, được bàn công việc với các diễn viên.
Trong khi đó, đạo diễn Nam Cito than thở, tính hoài không được lịch quay vì không biết khi nào mới hết dịch.
Hiện tại, Đinh Tuấn Vũ đang thực hiện dở dang bộ phim Viên đạn cuối cùng về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, hoàn thành được 70% các cảnh quay, còn 30% các cảnh ở Hàn Quốc chưa thể thực hiện. Nam đạo diễn cho hay: “Cả đoàn sẽ cố gắng tiêm vaccine phòng Covid-19 càng sớm càng tốt để sang Hàn Quốc hoàn thiện các cảnh phim. Thời gian này, tôi đang xây dựng khoảng 2 dự án phim khác. Nhưng vẫn phải đợi dịch bệnh được khống chế đã, ngành điện ảnh những ngày này gần như đóng băng rồi…”.
Cũng trong thời gian nghỉ dịch, một số đạo diễn trau chuốt kịch bản, hậu kỳ, nâng cao chất lượng tác phẩm. Một số người khác đẩy m ạnh sản xuất và phát hành phim trên các nền tảng trực tuyến. Ngoài ra, theo các chuyên gia, đội ngũ làm phim có thể tranh thủ thời gian này để rèn luyện thêm về nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Thực tế là khán giả đã bắt đầu có thói quen xem phim ở nhà qua các nền tảng trực tuyến và. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức không nhỏ đối với đội ngũ làm phim. Bởi, ngành điện ảnh cần nắm bắt, tiếp cận nhu cầu khán giả, nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp để thích nghi với tình trạng dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó xác định thời điểm kết thúc.
Theo Thể thao & Văn hóa