Vạ mồm

30/07/2013 09:03



Minh họa: Văn Hà


Ông Tô quả là người có tài ăn nói. Từ ngày nghỉ hưu về quê, ông được phân công nhiệm vụ nói chuyện thời sự. Thôi thì trên trời dưới biển, thượng vàng hạ cám, chuyện gì ông cũng biết, cũng nhớ. Thêm vào đó là trời phú cho cái giọng vừa vang, vừa ấm rất truyền cảm nên người nghe cứ lịm đi. So với những nơi khác thì không biết, nhưng ở cái xã Đông Hoàng này, ông được xếp vào diện đi nhiều, biết lắm.

Những ngày còn chiến tranh, ông là cán bộ chính trị của một đơn vị huấn luyện quân cho chiến trường miền Nam. Bao nhiêu bài tập bắn, tập bò, kỹ thuật, chiến thuật... là phần của cán bộ quân sự. Ông chuyên về giáo dục chính trị tư tưởng. Nhìn những đoàn quân rầm rập ra mặt trận mà lòng ông thấy vui vì đã góp một phần công sức cho khí thế hừng hực ấy. Đầu những năm bẩy mươi, chiến trường ác liệt, có những đợt tân binh mà phần lớn là sinh viên các trường đại học, chính trị viên Tô đã một lần phải trổ tài nói năng ứng biến của mình. Số là nhân buổi nói chuyện về văn thơ, ông nói với các chiến sĩ mới là văn học phải mang khí thế của những con người dám hy sinh vì dân tộc, không được uỷ mị, không được xa rời thực tế. Ông nói:

- Có những câu thơ mà khi đọc lên ta không hiểu nó nói cái gì, ví dụ như "Xa em ruột thắt gần đầu" không có một tý thực tế nào. Ruột thắt đến đâu đi nữa cũng không thể gần đầu được, có gần chăng là dạ dày, tim, phổi mới đúng chứ!

Nhiều tiếng xì xầm nổi lên. Rồi một tân binh vốn là sinh viên đại học đã đọc lại câu thơ đó là "Xa em ruột thắt gan đau". Một thoáng bất ngờ qua nét mặt ông Tô. Vậy mà ngay lập tức ông đã tiếp tục thao thao:

- Đúng là như vậy, câu thơ ấy đúng như đồng chí vừa đọc, tôi cố ý đọc chệch đi là muốn đùa vui với các đồng chí. Nhưng các đồng chí thử nghĩ xem, ruột thắt thì đau ở ruột chứ ruột thắt mà gan lại đau thì vẫn cứ là xa rời thực tế.

Buổi nói chuyện văn nghệ thế là đành tan sớm.

Đất nước thống nhất, ông chuyển ngành. Để ngang bằng bậc lương, người ta xếp cho ông làm giám đốc xí nghiệp gạch ngói của tỉnh. Ông nói giỏi, viết hay nhưng xí nghiệp làm ăn đì đẹt. Ông tâm sự là do bản thân không có chuyên môn kỹ thuật gì nên làm việc rất khó, mong mọi người thông cảm. Không phải chỉ có cấp dưới mà kể cả cấp trên cũng đã rất hiểu ông, có như vậy ông mới được sắp xếp làm giám đốc xí nghiệp gạch ngói chứ rơi vào những xí nghiệp kỹ thuật cao hơn càng khó cho ông. Với ai thì không biết, nhưng riêng với ông Tô thì phải ngả mũ cảm ơn thời bao cấp, chính nhờ nó mà xí nghiệp của ông cứ lay lắt tồn tại đến thời kỳ đổi mới. Ông được đôn lên làm phó tổng giám đốc các xí nghiệp gạch ngói. Ở cương vị mới này, ông năng động hẳn lên, tài ăn nói của ông lại được phát huy. Mọi công việc cụ thể, mọi chỉ tiêu kế hoạch đã có cấp dưới lo lắng thực hiện. Công việc của ông chỉ là họp hành, đề ra chủ trương, sơ kết, tổng kết làm sao cho thật sinh động, phù hợp với phong trào chung của toàn xã hội.

Ông nghỉ hưu rất thanh thản vì đã thu xếp ổn thoả gia đình. Hai cô con gái lấy chồng ở quê, hai cậu con trai cũng vào loại nghịch ngợm, học hành dở dang nhưng đã được nhận vào làm công nhân xí nghiệp và nhất là đứa nào cũng được ông lo cho nhà cửa đàng hoàng trên phố. Ông vui vẻ về quê, vườn cây ao cá với bà vợ già quanh năm tần tảo. Vợ ông là người chịu thương chịu khó, mang tiếng là có chồng giỏi giang đấy mà từ khi ông nghỉ hưu, bà chả nhờ vả được gì. Bà tâm sự: Ông ấy nói năng thì khiếp lắm, nhưng vườn rộng, ao sâu mà có làm ra đồng tiền bát gạo nào đâu, lúc nào cũng cứ như trên mây trên gió, may mà có mấy đồng lương hưu không thì đói sớm.

Ở hội nghị nào, đoàn thể nào, thậm chí một đám đông nào đấy nếu có mặt ông Tô là người ta chỉ nghe thấy rặt có tiếng của ông thao thao bất tuyệt. Tuy nhiên nói nhiều quá thì nghĩ không kịp, nói dai quá thành ra nói dại. May mà ông có tài ứng biến nên cũng đỡ được phần nào. Có một lần ông được mời nói chuyện về truyền thống của quân và dân địa phương cho các cháu học sinh. Ông nói về trận đánh mìn phá đoàn tàu chở vũ khí của giặc Pháp ở ga Hoà Trung. Nhân tiện có cái bản đồ thế giới treo trên tường, ông giương kính lên tìm vị trí nhà ga, ông đang loay hoay thì có tiếng một học sinh:

- Ông ơi, trên cái bản đồ thế giới ấy, Việt Nam mình bé tí tẹo, người ta không vẽ cái ga xe lửa ấy đâu.

- Đấy là ông muốn mở rộng cái không gian địa lý cho các cháu thôi - Ông Tô liến  thoắng - với lại cái ga Hoà Trung ấy dân quê mình ai chả biết, nó ở ngay đầu xã, sáng nào chả có hàng đoàn người gánh rau qua đấy để lên chợ tỉnh.

Ông được bầu vào ban vận động xây dựng nhà văn hoá thôn. Công việc đã tạm ổn, nhưng nhìn những trang bị bên trong vẫn còn lèo tèo lắm, có một chị từ thành phố về thăm quê, ông tranh thủ vận động đóng góp, chị ta nhanh nhảu:

- Nhà em đã đóng góp ngay từ đầu, bác không nhớ sao?

Ông Tô nài nỉ:

- Có. Chúng tôi đã có danh sách đàng hoàng. Hôm nay muốn chị giúp thêm cái bàn bóng cho thanh niên vui chơi, chả đáng là bao, cũng chỉ độ đôi triệu.

Nghe nói cô chú kinh tế khá lắm, mà tôi cứ nói thật, để tiền nhiều cho con cái là chúng nó dễ hư hỏng lắm đấy!

- Cảm ơn bác đã nhắc - Chị ta mát mẻ - cũng may mà các cháu nhà em đều học hành tử tế cả, hai đứa học đại học nên cũng tốn kém lắm. Chỉ có nhà bác, các anh, các chị ấy chả học hành gì nên cũng đỡ tốn. Bác nói như thế chả hoá ra các anh, các chị ấy dở dang là do tại bác để lại tiền của nhiều quá hay sao.

- Ấy là tôi nói chung thế - Ông Tô chống chế - tôi đùa một tý cho vui ấy mà, có gì đâu mà cô xóc xỉa gớm thế!

Sau cái đận ấy, ông Tô có dịu đi một chút, nhưng chỉ được ba bảy hai mốt ngày là đâu lại hoàn đấy. Chả là từ ngày được nghỉ thêm thứ bảy, những cán bộ thoát ly được về nhà nhiều hơn, họ còn tranh thủ thêm cả chiều thứ sáu. Ông Tô nửa đùa nửa thật:

- Ngày xưa chỉ được nghỉ chủ nhật thì chiều thứ bảy đã có mặt ở nhà, bây giờ được nghỉ luôn cả ngày thứ bảy thì các anh lại lấn thêm sang cả chiều thứ sáu. Thật chả biết thế nào cho vừa.

- Bố ơi ! Lòng vả cũng như lòng sung. Ngày xưa bố tranh thủ thêm chiều thứ bảy, bây giờ chúng tôi tranh thủ thêm chiều thứ sáu. Chúng ta đều là những kẻ ăn cắp của Nhà nước một nửa ngày, có khác gì nhau đâu mà bố cứ phải rêu rao cho rách việc.

- Ấy là tôi cũng nói đùa cho vui, có gì mà phải đốp chát ghê thế!

Những chuyện qua lại như gió thoảng mây bay, ai nỡ để bụng làm gì. Tính ông nó thế, chuyện gì cũng muốn xía vào, không có ai phản ứng thì tự nhiên ông là nhất. Nếu có ai lời qua tiếng lại thì ông cho đấy là chuyện đùa vui có gì mà giận dỗi.

Chiều nay, ông Tô lên miếu thờ thần hoàng làng để chuyện trò với các cụ cao niên nhân ngày lễ thánh. Quần áo chỉnh tề thế mà không biết đứa nào đã dán vào lưng ông mảnh giấy "đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng". Thì ra, chúng nó coi ông như cái máy nói nên khi sử dụng phải đọc kỹ hướng dẫn. Gần tới nơi, có người nhắc ông mới biết. Bóc mảnh giấy ra, tiện tay ông dán luôn vào bức tường miếu. Đang chuyện trò vui vẻ thì có một cụ đầu râu tóc bạc cầm mảnh giấy vào. Cụ nghiêm mặt:

- Miếu thờ thần hoàng làng là chốn linh thiêng bao đời nay, sao lại có người bảo là "đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng" là nghĩa làm sao? Thế này thì láo quá!

Giá như ông Tô cứ nói rõ đầu đuôi thì chả có vấn đề gì, trời xui đất khiến thế nào ông lại buột miệng:
- Tôi đùa vui đấy mà, các cụ thông cảm!

- Ông lại đùa! - Giọng cụ già đanh lại - Ông có biết tại sao miếu thờ thần hoàng làng ta cái ban phía bên trái lại để trống như vậy không? Tiện đây tôi cũng nói cho ông rõ: Thần hoàng làng ta vốn là hai anh em, linh thiêng lắm, cầu được ước thấy. Có một lần thằng trộm ở làng bên kia sông muốn lấy đôi bò của lão phú ông làng mình bèn vào miếu đặt lên ban thờ người em vàng hương rồi xin bắt được bò. Quả nhiên hắn bắt được thật, khi dắt qua miếu, hắn buộc vào tay ngai của ngài con bê con, còn con mẹ thì dắt qua sông. Thấy vắng con, bò mẹ ò ò gọi, bê con lồng lên kéo cả ngai của ngài xuống sông. Người ở mạn dưới vớt được thờ làm thành hoàng của họ. Dân làng mình cúng bái, xin âm dương mãi ngài mới báo mộng cho biết đấy là ngài đùa, nhưng đã bị phạt không thể trở về được nữa. Chính vì thế mà anh em phải xa nhau mãi. Thánh thần mà còn như vậy huống chi là người trần mắt thịt chúng ta. Đùa vui phải có nơi có chỗ, không thể bừa bãi như thế này được!

Quay về phía ông Tô, cụ dịu giọng:

- Ông Tô ạ! Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng dân làng vẫn coi ông là một cán bộ nhà nước hiểu biết nhiều. Ông lại hay nói về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Cái đó rất cần sự nghiêm chỉnh, nói năng phải cẩn trọng, chính xác. Không may bị sai phải xin lỗi cẩn thận, không thể cứ bảo là đùa được? Tôi già cả nói năng có gì không phải mong ông bỏ quá đi cho!

Ông Tô lững thững ra về. Đi giữa đoàn người chuyện trò vui vẻ, lần đầu tiên người ta thấy ông không góp một lời nào.

Truyện ngắn của NGUYỄN PHÚ NINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vạ mồm