"Vá may" những đứt nối cuộc đời

29/11/2020 16:23

Tôi đã đọc “Kim chỉ” trong một sự đồng cảm, đồng thuận và se thắt nhưng cũng thấu hiểu ân tình “Âm bản nước mắt” mà nhà thơ đã xâu chỉ yêu thương, đã luồn kim nhân ái...

Kim chỉ vá may là việc thường ngày của người phụ nữ. Nhưng dùng kim chỉ để nói về thân phận của người đàn bà, tải bao nỗi niềm tâm trạng, bao cung bậc yêu thương, hờn giận, bao đứt nối cuộc đời thì chỉ có nhà thơ Lê Thị Mây mới nói hết, chia sẻ hết và cao hơn là gửi gắm hết những tâm tình thầm kín của mình. Vì trên hết, chị là phụ nữ, hơn nữa lại là một thi sĩ khá nhạy cảm bởi chính trong cuộc đời mình, chị cũng chịu bao thiệt thòi, đắng đót. Tôi đã đọc “Kim chỉ” trong một sự đồng cảm, đồng thuận và se thắt nhưng cũng thấu hiểu ân tình “Âm bản nước mắt” mà nhà thơ đã xâu chỉ yêu thương, đã luồn kim nhân ái...

Mở đầu bài thơ là một trạng thái ngỡ như vu vơ: “Người nhàn kim chỉ vá may/ Bao nhiêu ngày tháng cầm tay rách lành”. Nhưng tôi biết tâm trạng của chị lúc ấy rối bời ngang dọc, chị mới “Lựa tình” khi chợt nhận ra đã “Cuối mùa”. Một sự thận trọng chăng? Một sự rào đón, một sự trang trải chăng? Tất cả đều lần lựa khi “Mũi kim lần đốt...”. Tôi tin rằng khi viết bài thơ này, Lê Thị Mây đã từng trải bao kinh nghiệm sống, nếm trải đủ thứ "mặn chát" của cuộc đời. Ở đây, sự cô độc đơn chiếc đã len lỏi gặm nhấm nhưng vẫn có sự thanh thản tự tin trải lòng, thanh thản nhận ra: “Bao nhiêu sờn khuyết còn lùa lạnh lưng” khi “Gió đông áo đắp hiên chùa”, một sự bao dung, nhân hậu để “Mảnh lòng vá chốn dửng dưng/ Trái tim nhân ái đốt bừng nhớ nhung”. Tôi nghĩ áo đây có thể là màu nâu sồng cửa Phật, nhưng cũng có thể là tấm áo yêu thương nhân ái đắp lên bao cơ nhỡ. Chỉ có trái tim người phụ nữ mới rung lên, mới cảm thông sâu sắc và thiết thân đến như thế.

Từ “Ngồi nhàn” tứ thơ chuyển gam sang trạng thái tâm tình khác “Ngồi buồn” thổn thức hơn và vì thế mà lay động tâm tư hơn. Từ “Cầm tay rách lành” của “bao nhiêu ngày tháng” đến “cầm hết mông lung” khi “Vết thương năm cũ thủy chung dễ gì”. Thì ra thi sĩ đang tự đối diện với mình, đang độc thoại, đối thoại và tự vấn. Phải là người cả nghĩ và cả tin mới có cảm nhận ấy, cảm nhận, tự nhận để rồi phán xét. Nhưng phán xét bằng con tim, bằng sự mách bảo của cái trải nghiệm mà dân gian đã đúc kết có lý: “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, đây là cái điểm yếu rất đáng yêu của phái nữ. Chân thành đến đa đoan để khi nhận ra: “Ngó sen đứt nối từng khi/ Tơ lòng kim chỉ chia ly chợt về”. Một sự linh cảm về đổ vỡ cứ lần hồi xâu nối cái sợi chỉ “tơ lòng”, vẫn giữ trọn cái tâm sen, ngó sen với vẻ đẹp tinh khiết cao quý...

Cái hay của bài thơ là một giọng thơ điềm tĩnh, khiêm nhường và dịu dàng, tuy có nghẹn lòng mà không bức bối hờn trách. Bởi nữ thi sĩ hơn ai hết tự biết mình và vượt lên mình trong cái ứng xử rất nhân văn cao thượng: “Áo sờn mảnh vá người chê/ Bây giờ tôi vá dầm dề gió mưa...”. 

NGUYỄN NGỌC PHÚ

Kim chỉ

Ngồi nhàn kim chỉ vá may
Bao nhiêu ngày tháng cầm tay rách lành
Lựa tình nửa mảnh hồn xanh
Mũi kim lần đốt hong hanh cuối mùa 

Gió đông áo đắp hiên chùa
Bao nhiêu sờn khuyết còn lùa lạnh lưng
Mảnh lòng vá chốn dửng dưng
Trái tim nhân ái đốt bừng nhớ nhung

Ngồi buồn cầm hết mông lung
Vết thương năm cũ thủy chung dễ gì
Ngó sen đứt nối từng khi
Tơ lòng kim chỉ chia ly chợt về

Áo sờn mảnh vá người chê
Bây giờ tôi vá dầm dề gió mưa.

LÊ THỊ MÂY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    "Vá may" những đứt nối cuộc đời