Sự suy giảm uy tín một cách đáng ngại của Thủ tướng đương nhiệm Matteo Renzi sau một loạt những bê bối.
Thủ tướng Renzi và chính phủ Italy đang ở trong giai đoạn khó khăn. (Nguồn: ANSA)
Cuộc thăm dò mới công bố của Viện nghiên cứu dư luận Demos, được cho là uy tín nhất ở Italy, đã cho thấy sự suy giảm uy tín một cách đáng ngại của Thủ tướng đương nhiệm Matteo Renzi, của chính phủ do ông đứng đầu cũng như của đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền sau một loạt những bê bối mới nhất liên quan đến tham nhũng và nội bộ lục đục.
Báo cáo này cho biết, tỷ lệ ủng hộ ông Renzi đã giảm xuống còn 39%, thấp nhất kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 2/2014, trở thành Thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Italy. Khi đó, ông giành được sự ủng hộ của 56% cử tri. Con số này tăng lên mức kỷ lục 69% vào tháng 6/2014, sau khi đảng Pd mà ông là một lãnh tụ giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu.
Tuy nhiên, bất chấp việc được đánh giá là tích cực trong việc nâng cao hình ảnh của Italy trên thế giới bằng chính sách đối ngoại khá cởi mở và sự năng động trong các cải cách nhằm đưa đất nước khỏi khủng hoảng, uy tín của ông đã giảm nhiều trong những tháng qua, do các scandal liên quan đến tham nhũng và nội bộ đảng Pd rối ren.
Các bê bối liên quan đến những chính trị gia của đảng Pd ở Rome trong vụ bê bối "mafia thủ đô," với việc cấu kết cùng mafia nhằm phân chia các gói thầu xây dựng cơ bản, cũng như các dính líu của một số quan chức cao cấp của đảng Trung hữu mới (Ncd) - liên minh với Pd trong chính phủ, đã khiến uy tín của cả chính phủ lẫn Pd đều xuống thấp.
Điều tra cho thấy 76% số người được hỏi cho rằng, chính phủ đã yếu đi trong thời gian qua, sau khi thua trong các cuộc bầu cử thị trưởng ở một loạt thành phố quan trọng trong cả nước. Trong khi đó, số người ủng hộ Pd trong tháng Sáu chỉ còn 32,2%, giảm 4% so với tháng Ba và 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một tỷ lệ thấp nguy hiểm, bởi Pd chỉ còn hơn Phong trào 5 sao (M5S), chính đảng lớn thứ hai của đất nước 6%.
Theo nhà bình luận chính trị Ilvo Diamanti, những rắc rối mà Pd mắc phải do các bê bối liên quan đến tham nhũng và những phản ứng của các đảng phái đối lập và nghiệp đoàn lao động đối với các cải cách mà chính phủ đang thực hiện đã đẩy các cử tri về phía M5S, một phong trào tập hợp được các cử tri quá thất vọng với cả cánh tả lẫn cánh hữu.
M5S đã giành được thêm 6% sự ủng hộ của cử tri so với tháng Ba. Họ đã thắng Pd trong cuộc bầu cử địa phương hồi cuối tháng Năm vừa qua và ang được 31% cử tri cho rằng, đảng này là đáng tin cậy nhất trong các đảng phái về vấn đề chống tham nhũng, so với 11% của Pd.
Tuy nhiên, vẫn có tới 41% cử tri cho rằng, không có lực lượng chính trị nào ở Italy đáng tin trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Viết trên nhật báo hàng đầu La Repubblica, Diamanti cho rằng "vấn đề đạo đức" đã khiến các cử tri tức giận và khiến họ bỏ Pd để quay sang ủng hộ M5S. Theo Diamanti, một loạt những scandal xảy ra trong một năm qua, từ việc bắt hàng loạt quan chức của dự án Triển lãm thế giới EXPO Milan 2015 bị bắt, vụ bê bối ở dự án xây dựng hệ thống đê chắn sóng ở Venice, vụ scandal "mafia thủ đô," vụ một bộ trưởng phải từ chức và hai thứ trưởng khác bị điều tra vì tham nhũng đã khiến các cử tri mất dần niềm tin ở Pd và chính phủ.
Sự mất niềm tin còn đến ở các khía cạnh khác. Thăm dò của Demos cho thấy, chỉ có chưa đầy 20% cử tri đánh giá chính phủ thành công trong chính sách về thuế, 20% nhận xét tốt về chính sách nhập cư, chưa đến 30% cho rằng chính phủ làm tốt trong chính sách về lao động.
Diamanti cho rằng, các cử tri vẫn tin tưởng vào Thủ tướng Renzi, nhưng sự tin tưởng đó không còn chắc chắn như trước nữa. Việc Pd lục đục và đánh mất bản sắc đã khiến đảng này không đạt kết quả tốt trong cuộc bầu cử cấp vùng và cấp địa phương mới rồi, ảnh hưởng trực tiếp đến Renzi, người đã khiến người ta tin rằng, ông chỉ hứa và thực hiện được rất ít những lời hứa của mình.
Theo ông, khi bỏ phiếu cho Pd và Renzi, nhiều người tin rằng, họ sẽ có một chính phủ có khả năng điều hành và một nhà lãnh đạo đủ mạnh để dẫn dắt đất nước. Nhưng sau một năm rưỡi, họ nhận ra rằng, mình đang ảo tưởng.
Thăm dò của Demos cũng phản ánh những nỗi lo ngại của cử tri về tình hình đất nước hiện đại. 47% số người được hỏi cho rằng, tệ nạn tham nhũng bây giờ tràn lan và nghiêm trọng hơn rất nhiều thời kỳ nổ ra vụ scandal Tangentopoli những năm đầu thập niên 1990, vốn đã quét sạch một loạt các chính trị gia của thời kỳ đó và làm sụp đổ nền Cộng hòa thứ nhất của Italy. 51% cử tri cho rằng, cần phải đuổi người di cư từ châu Phi chứ không nên tiếp nhận họ như Italy đang làm.