Tại phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu không được để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp
Phiên họp diễn ra tại Nhà Quốc hội sáng 8.4, chỉ hơn một ngày sau khi Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Phải thực hiện ngay
Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn, việc xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ trực tiếp, kịp thời cho thấy sự nỗ lực rất cao của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo đời sống của nhân dân.
"Trước mắt sẽ đem lại sự yên tâm của người dân, góp phần giải quyết những khó khăn, vất vả của cuộc sống trong tình hình dịch bệnh", Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý các cơ quan chức năng là sau khi các chính sách được ban hành, cần chủ động, tổ chức thực hiện ngay và có hiệu quả để bảo đảm sự hỗ trợ kịp thời đến với người dân, hạn chế đến mức thấp nhất "độ trễ" của chính sách khi đi vào cuộc sống.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát để không xảy ra hiện tượng tiêu cực, trục lợi chính sách hoặc thiếu sự minh bạch trong việc tổ chức thực hiện.
"Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng mong rằng các chính sách này ra đời sẽ tiếp nối, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa tinh thần "tương thân tương ái" trong cộng đồng xã hội. Từ đó sẽ tiếp tục khơi dậy nghĩa cử cao đẹp, lòng nhân ái trong xã hội đối với hoạt động thiện nguyện để sẻ chia, giúp đỡ những đồng bào còn khó khăn", Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
98% lao động ngành du lịch, dịch vụ, hàng không đang tạm nghỉ việc
Trước đó, trình bày báo cáo, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết theo ước tính sơ bộ, 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô; 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giày da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc.
Hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Dự báo trong tháng 4, tháng 5, dịch bệnh còn phức tạp, ước khoảng 2 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm; trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh sẽ có khoảng 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm.
6 nhóm đối tượng được hỗ trợ trực tiếp
Chính phủ đề xuất 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ tiền do COVID-19.
Thứ nhất: Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ngoài mức trợ cấp thường xuyên được hỗ trợ thêm: 500.000 đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.
Thứ hai: Hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định: 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả một lần mức hỗ trợ của 3 tháng.
Thứ ba: Người sử dụng lao động trả lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3, điều 98 của Bộ luật Lao động, trường hợp khó khăn về tài chính được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% của tiền lương tối thiểu vùng với lãi suất 0% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thực hiện cho vay hằng tháng theo tình hình thực tế.
Thứ tư: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên: 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Thứ năm: Người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm: 1 triệu đồng/người/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Thứ sáu: Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ: 1 triệu đồng/hộ/tháng. Thực hiện chi trả hằng tháng theo tình hình thực tế.
Các chính sách hỗ trợ nêu trên được thực hiện tối đa 3 tháng. Đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách hỗ trợ trở lên (kể cả chính sách hỗ trợ đang thực hiện của địa phương nếu có) thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất.
Cho doanh nghiệp vay tiền để trả lương
Người sử dụng lao động và lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không hưởng lương) tối đa không quá 12 tháng.
Cho phép người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 phải thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ sản xuất, kinh doanh, có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động được hỗ trợ kinh phí từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề nhằm duy trì việc làm cho người lao động theo quy định của Luật Việc làm. Thời gian hỗ trợ tối đa là 3 tháng, mức hỗ trợ tối đa là 1 triệu đồng/tháng đối với từng người lao động.
Về quy mô hỗ trợ (bao gồm cả hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, hỗ trợ gián tiếp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp và nguồn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội): Nhà nước sẽ chi khoảng 62.000 tỷ đồng, hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng.
Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp 36.000 tỷ đồng. Ngân sách trung ương 22.000 - 23.000 tỷ lấy từ nguồn tăng thu, kinh phí còn lại năm 2019 là 19.000 - 20.000 tỷ đồng. Số còn lại từ nguồn dự phòng 2020, tiết kiệm chi thường xuyên... Ngân sách địa phương 13.000 - 14.000 tỷ đồng.
Gói hỗ trợ này còn sử dụng khoản hỗ trợ gián tiếp thông qua việc cho phép doanh nghiệp, người lao động dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo lại người lao động (khoảng 3.000 tỷ đồng); cho vay chi trả tiền lương ngừng việc cho người lao động qua Ngân hàng Chính sách xã hội (khoảng 16.000 tỷ đồng).
Để thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân bị tác động bởi dịch COVID-19, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc triển khai thực hiện ngay gói hỗ trợ nêu trên. Cho phép sử dụng khoảng 19.000 - 20.000 tỷ đồng từ nguồn tăng thu và nguồn kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân.
Theo Tuổi trẻ