Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trật tự xây dựng

27/11/2019 12:30

Sáng 27.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Nhiều đại biểu cho ý kiến về quy trình cấp giấy phép xây dựng, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng...


Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí phát biểu ý kiến

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Vấn đề được nhiều đại biểu cho ý kiến là quy trình cấp giấy phép xây dựng vẫn còn nhiều thủ tục hành chính, thời gian cấp giấy phép còn dài; tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng không phép, không đúng giấy phép... còn diễn ra tràn lan, phổ biến.

Luật Xây dựng đã thực thi được 4 năm, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ nhiều hạn chế, Chính phủ có Tờ trình xin Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 cho ý kiến lần đầu.

Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật trình Quốc hội lần này là bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng.

Theo đó, dự thảo Luật quy định việc thi công xây dựng công trình phải phù hợp quy hoạch xây dựng, tuân thủ thiết kế xây dựng, giấy phép được cấp (nếu có) và phải được quản lý để bảo đảm trật tự xây dựng.

Cơ quan quản lý trật tự xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, theo phân cấp có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo quy định.

Khi thẩm tra dự Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai.

Một số đại biểu nhấn mạnh, Luật Xây dựng sửa đổi cần có quy định về ưu tiên ứng dụng nguồn lực khoa học-công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng.

Trong dự thảo Luật sửa đổi đã quy định về chính sách khuyến khích trong đầu tư xây dựng, tạo điều kiện nghiên cứu, áp dụng khoa học-công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu mới tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu...

Tuy nhiên, theo các đại biểu, quy định như vậy là chưa toàn diện. Ứng dụng khoa học-công nghệ không chỉ cần được ưu tiên trong đầu tư xây dựng mà còn cần có quy định ưu tiên trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang) cho rằng trong thời gian vừa qua có rất nhiều công trình vi phạm trật tự đô thị, có nhiều công trình xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế...

Cụ thể, nhiều công trình vượt số tầng cho phép trong thành phố, thị xã... Nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở các huyện vùng ven các thành phố, đô thị.

"Nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng; đồng thời, người dân không có điều kiện thực hiện các thủ tục thuận lợi...

Theo tôi, để giải quyết khó khăn này, các cơ quan nhà nước cần ứng dụng khoa học-công nghệ trong quản lý, thu nhận, xử lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xây dựng," đại biểu kiến nghị.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng cần phải quy định rõ trách nhiệm trong quản lý xây dựng từ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương đến chủ đầu tư.

“Thời gian qua, vi phạm trật tự xây dựng tràn lan, phổ biến nhưng không biết quy trách nhiệm cho ai. Kẽ hở trách nhiệm này của UBND tại địa phương hay thanh tra xây dựng? Hai việc này còn rất chồng lấn,” đại biểu Hoàng Văn Cường đặt vấn đề.

Từ đó, đại biểu Cường đề nghị trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng phải là cơ quan chính quyền ở địa phương. Còn cơ quan Thanh tra xây dựng khi phát hiện sai phạm thì vào cuộc; để sai phạm tiếp tục xảy ra, không xử lý được cũng phải quy trách nhiệm cho cơ quan thanh tra.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng chế tài xử lý vi phạm phải nghiêm minh mới đủ sức răn đe.

Theo nhiều đại biểu, Luật Xây dựng hiện hành về cơ bản đã có các quy định về quản lý trật tự xây dựng. Tuy nhiên, việc thực hiện quản lý trật tự xây dựng không chỉ liên quan đến giấy phép xây dựng mà còn liên quan đến pháp luật về quy hoạch, kiến trúc,... cũng như gắn với yêu cầu thực tiễn về phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng đời sống người dân về văn hóa, du lịch, tín ngưỡng...

Đại biểu, Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) nêu vấn đề: Việc phục dựng, cải tạo các di tích đang được xã hội quan tâm khi có xu hướng đưa di tích thành các công trình du lịch hấp dẫn.

Đây đang là thách thức, đòi hỏi phải nâng cao yêu cầu quản lý xây dựng; trong đó trước hết cần làm rõ yêu cầu quản lý đầu tư xây dựng loại dự án này.

Tuy nhiên, vấn đề này chưa được đề cập đến trong phân loại dự án, chưa xác định yêu cầu phân định, kể cả hình thức quản lý dự án trong quy định Điều 62 dự thảo luật.

Liên quan đến quy hoạch xây dựng, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát các quy định về vấn đề này để đảm bảo phù hợp với Luật Quy hoạch, các luật được sửa đổi theo Luật Quy hoạch; nghiên cứu, đề xuất, định hướng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống do quy hoạch đã được lập và phê duyệt nhưng chậm hoặc không thực hiện được trong thời gian dài; trình tự điều chỉnh cục bộ quy hoạch...

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trật tự xây dựng