Lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít tài nguyên, thân thiện môi trường...
Sáng 10.7, HĐND tỉnh nghe đồng chí Phạm Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương đọc Tờ trình về việc quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp tỉnh Hải Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Phạm Thanh Hải, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương. Ảnh: Thành Chung
Lấy thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và FDI làm chủ đạo
Tờ trình nêu rõ phát triển công nghiệp theo đúng định hướng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam, bảo đảm khai thác được lợi thế phát triển công nghiệp của tỉnh, xây dựng mối liên kết phát triển bền vững, bảo vệ môi trường với các tỉnh trong vùng.
Phát triển công nghiệp dựa trên cơ sở phát triển các thành phần kinh tế, chủ yếu là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và FDI. Chú trọng kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào những lĩnh vực, ngành công nghiệp mà các nhà đầu tư trong nước còn yếu và thiếu kinh nghiệm. Coi trọng việc xây dựng cơ sở hạ tầng và tạo môi trường thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước. Khuyến khích, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân đầu tư vào sản xuất công nghiệp và tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp FDI.
Về định hướng phát triển, Tờ trình của UBND tỉnh nêu rõ: Phát huy tối đa những tiềm năng thế mạnh của tỉnh trong giai đoạn tới như công nghiệp chế biến nông lâm sản, chế tạo, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng để bảo đảm nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu. Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp chế biến trên cơ sở xây dựng phát triển thương hiệu vùng miền, nguồn gốc xuất xứ bảo đảm tạo cơ hội tham gia hội nhập thị trường quốc tế.
Lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng, tiêu tốn ít tài nguyên, thân thiện môi trường, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao. Tăng nhanh hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa hoá trong sản phẩm công nghiệp.
9 nhóm ngành công nghiệp chủ đạo
Các đại biểu nghiên cứu các báo cáo, tờ trình tại kỳ họp. Ảnh: Thành Chung
Tỉnh định hướng quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp theo 9 nhóm, gồm: ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim; công nghiệp điện - điện tử; công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản; công nghiệp hóa chất; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp dệt may - da giày; công nghiệp chế biến khoáng sản; công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước; công nghiệp xử lý rác thải, chất thải.
Đối với ngành công nghiệp cơ khí, luyện kim sẽ tập trung phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chế tạo và coi đây là động lực để phát triển công nghiệp hỗ trợ chung. Đặc biệt, tập trung vào các khâu đúc, rèn gia công chi tiết máy trước tiên phục vụ cho ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện – điện tử...
Với ngành công nghiệp điện - điện tử: Sản xuất tập trung với trình độ công nghệ cao các nhóm sản phẩm: sản xuất linh kiện điện tử; điện tử dân dụng (điện thoại, máy điều hoà không khí, ti vi, tủ lạnh,...); các sản phẩm điện tử văn phòng (máy photocopy, máy fax, máy tính...), thiết bị truyền thông; điện, điện tử phục vụ công nghiệp... Ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản phải gắn kết và đồng hành với chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình phát triển vùng trồng, chăn nuôi tập trung và các dự án trọng điểm của ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...
Ngành công nghiệp hóa chất tập trung phát triển nhóm sản xuất bao bì, vật liệu xây dựng nhựa, cao su. Phát triển ngành vật liệu xây dựng theo sát và phù hợp với điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và phù hợp với các quy hoạch của Trung ương.
Đối với ngành công nghiệp dệt may - da giày cần định hướng, bổ sung các dự án lớn trên lĩnh vực dệt may, da giày vào quy hoạch triển ngành dệt may, da giầy Việt Nam, giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, như: dự án dệt Pacific Việt Nam và dự án may Tinh Lợi, dự án đầu tư sản xuất giày thể thao của Tập đoàn Regina Miracle...
Ngành công nghiệp chế biến khoáng sản sẽ tiếp tục thực hiện công tác thăm dò và thăm dò bổ sung để nâng cấp trữ lượng khoáng sản trên cơ sở chú trọng các phương pháp có độ tin cậy cao và có thể đánh giá ở các độ sâu lớn. Ngành công nghiệp sản xuất, phân phối điện nước sẽ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án đầu tư phát triển nguồn sản xuất và lưới điện truyền tải quốc gia theo tổng sơ đồ VII.
Ngành công nghiệp xử lý rác thải, chất thải sẽ tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt ở TP Hải Dương, thị xã Chí Linh và các thị trấn, khu du lịch...
Phát triển công nghiệp theo vùng
Quy hoạch phát triển công nghiệp được chia làm 3 vùng. Vùng 1 gồm: thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn, diện tích 445,5 km2, dân số 319,4 nghìn người chiếm 26,9% diện tích và 18,6% dân số toàn tỉnh. Định hướng phát triển thêm 3 cụm công nghiệp. Đến năm 2025, vùng 1 sẽ có 1 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp.
Vùng 2 gồm: TP Hải Dương và 3 huyện Cẩm Giàng, Nam Sách, Kim Thành. Định hướng phát triển vùng 2 thêm 3 KCN và 4 CCN. Đến năm 2025, vùng 2 sẽ có 12 KCN và 18 CCN. Vùng 3 gồm 6 huyện: Bình Giang, Thanh Miện, Gia Lộc, Ninh Giang, Thanh Hà, Tứ Kỳ. Định hướng phát triển vùng 3 thêm 5 KCN và 5 CCN. Đến 2025, vùng 3 sẽ có 5 KCN và 16 CCN.
PV