Sáng mai 19/9, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị An toàn và Khai thác hàng không thế giới 2023 với chủ đề “Lãnh đạo vào cuộc: Thúc đẩy khai thác an toàn và hiệu quả hơn” do Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) tổ chức.
Tại Việt Nam, an toàn bay là ưu tiên cao nhất, đào tạo an toàn bay là ưu tiên hàng đầu của các hãng hàng không nội địa. Đây cũng là nền tảng cốt lõi trong mọi hoạt động của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) - hãng hàng không chủ nhà đăng cai hội nghị này.
Khi khai thác bay, các chuyến bay của Vietnam Airlines nói riêng và của các hãng bay Việt nói chung sẽ phải tuân thủ một loạt quy định nghiêm ngặt về an toàn bay của hãng cũng như của các tổ chức hàng không quốc tế và Cục Hàng không Việt Nam. Một trong số đó là các điều kiện thời tiết để duy trì an toàn bay.
Nếu máy bay chuẩn bị cất hoặc hạ cánh, thời tiết xấu sẽ đe dọa khả năng chạy đà hoặc tiếp đất của máy bay. Vậy nên đều đặn 6 tiếng/ lần, 4 lần mỗi ngày, cơ quan Khí tượng Hàng không sẽ cập nhật dự báo thời tiết cụ thể tại các sân bay đến và đi cho Vietnam Airlines. Dựa trên số liệu đó, Trung tâm Điều hành khai thác (OCC) đưa ra phương án cất/hạ cánh cho các chuyến bay trong khung giờ tiếp theo.
“Hiện nay với công nghệ hỗ trợ vô cùng hiện đại thì dự báo thời tiết khu vực sân bay có độ chính xác rất cao. Tuy nhiên thực tế vẫn có thể xảy ra sai lệch. Nhiều thời điểm thời tiết xấu buộc phải quyết định hủy chuyến song đến giờ bay thời tiết lại vẫn đáp ứng cất/hạ cánh. Mặc dù rất tiếc nhưng chúng tôi buộc phải tuân theo quyết định trước đó để đảm bảo an toàn, đặc biệt là an toàn cho hành khách", anh Trần Trung Dũng, thành viên Đội phụ trách điều phối OCC của Vietnam Airlines chia sẻ.
Nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng đặc biệt của việc đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác, các hãng hàng không nội địa như như Vietravel Airlines luôn chú trọng việc tuyển dụng, đào tạo và tái thẩm định khắt khe, theo đúng tiêu chuẩn và quy định được Cục Hàng không Việt Nam phê chuẩn cho toàn bộ đội ngũ khai thác tàu bay của hãng.
Cùng với đó, Vietravel Airlines duy trì đội tàu bay có độ tuổi trẻ, trung bình dưới 10 năm tuổi và luôn được đội ngũ kỹ thuật của hãng kiểm tra trước mỗi chuyến bay theo quy định của Cục Hàng không Việt Nam, bảo trì và bảo dưỡng định kỳ theo đúng tiêu chuẩn của nhà sản xuất tàu bay theo tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía Vietjet, hãng đang khai thác đội bay Airbus mới, tiết kiệm nhiên liệu với độ tin cậy kỹ thuật thuộc nhóm dẫn đầu các hãng hàng không khu vực và thế giới.
Hãng tiếp tục đầu tư vào động cơ, dịch vụ bảo dưỡng, các hoạt động chuyển giao, vận hành công nghệ hàng không với các tập đoàn kỹ thuật hàng không đầu ngành như Safran, Rolls-Royce, SR Technics, Swiss-AS… để đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất về an toàn và chất lượng.
Việc bảo đảm an toàn bay là điều kiện tiên quyết trong quá trình vận hành của chuỗi giá trị vận tải hàng không trên phạm vi toàn cầu cũng như trong từng quốc gia. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của mỗi hãng hàng hàng không cũng như quyết định lựa chọn bay của các hàng khách.
Theo Báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, thị trường vận tải hành khách hàng không Việt Nam trong 7 tháng năm 2023 ghi nhận sự hồi phục, tăng 41,8% so với năm ngoái. Trong số đó, số lượng hành khách do các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển tăng 20,1%. Lượng khách quốc tế do các hãng nội địa vận chuyển tăng vọt tới 424,2%, trong khi lượng hành khách nội địa giảm nhẹ 4,4% so với năm 2022.
Theo báo Tin tức