Để phát triển công nghiệp phụ trợ, UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan cần xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp thông qua việc cho vay với lãi suất thấp...
Tôi hoàn toàn đồng ý với những nhận định, đánh giá của Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về những hạn chế, yếu kém trong phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ (CNPT): "CNPT thiếu và chậm phát triển". Tuy nhiên, phần đánh giá còn đơn giản, chưa nêu cụ thể thực trạng và nguyên nhân khiến ngành CNPT trong tỉnh thiếu và chậm phát triển. Trong phần "Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm", báo cáo cũng chưa nêu được nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, sát thực tế để phát triển ngành CNPT.
Theo tôi, những năm qua, ngành CNPT trên địa bàn tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện - điện tử vẫn sản xuất theo phương thức gia công, nhập khẩu linh kiện vì giá rẻ hơn và được cung ứng tốt hơn. CNPT trong ngành dệt may mới tập trung ở những sản phẩm có giá trị thấp như: hộp giấy, chỉ, dây khóa kéo… Các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm, in hoa. Vì vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn phải gia công, sản xuất theo nguyên liệu, mẫu mã có sẵn của nước ngoài. CNPT cho ngành giày da hiện cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về chất lượng và số lượng. Các doanh nghiệp sản xuất theo hướng gia công, lệ thuộc vào đối tác nước ngoài nên thường bị chỉ định nguồn cung nguyên liệu, trong khi tỉnh ta chưa có doanh nghiệp thuộc da.
Từ năm 2011, việc phát triển ngành CNPT đã được Chính phủ quan tâm, thể hiện bằng việc ban hành nhiều chính sách khuyến khích như: “Chính sách phát triển một số ngành CNPT”, danh mục “các sản phẩm CNPT ưu tiên phát triển”, đề án trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNPT… Đây chính là cơ sở, tiền đề để CNPT của tỉnh có điều kiện phát triển. Theo tôi, báo cáo cần bổ sung nội dung: UBND tỉnh cùng các sở, ngành liên quan cần xây dựng cơ chế hỗ trợ vốn đầu tư cho doanh nghiệp thông qua việc cho vay với lãi suất thấp nhằm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp; tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đủ trình độ tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật; thiết lập một cơ chế hợp tác đồng bộ, chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương. Tỉnh cần có những chính sách ưu đãi cụ thể về tiền thuê đất, thuế, phí... UBND tỉnh cần kết nối doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp nội địa. Rà soát lại toàn bộ chính sách ưu tiên CNPT, đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tùy ngành nghề và giai đoạn phát triển nhằm tạo sức hút cho các loại hình kinh tế tham gia đầu tư phát triển CNPT. Thành lập đầu mối cơ sở dữ liệu về cung - cầu, thường xuyên cập nhật thông tin để các doanh nghiệp nắm bắt và chủ động đề ra chiến lược sản xuất, kinh doanh.
TRƯƠNG VỊ THỦY(Hồng Quang, Thanh Miện)