Những ngày cuối tháng 2, khi hoa mận, hoa mơ nở trắng rừng, cũng là lúc nhân dân cả nước cùng nhau hướng về mặt trận Vị Xuyên (Hà Giang).
Đây là nơi hàng nghìn chiến sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979...
40 năm trôi qua, nhưng người dân ở vùng đất biên cương địa đầu Tổ quốc vẫn luôn sống trong nơm nớp lo sợ, bởi bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại quá nhiều sau chiến tranh. Hàng trăm người dân đã phải mang trên mình những thương tích nặng nề, thậm chí nhiều người mất mạng, nhưng họ không biết làm gì khác ngoài việc bám lấy sườn đồi khe suối để mưu sinh... Có lẽ, được sống yên bình trên vùng đất sạch sẽ bom, mìn, vẫn là ước mong lớn nhất của nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Hai lần vướng mìn, mất cả đôi chân
Ông Bồn Văn Hòn hai lần tai nạn khi vướng phải mìn, mỗi lần mất đi một bên chân
Thi thoảng, người dân xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, lại giật mình hoảng hốt khi nghe thấy tiếng nổ vang trời đằng sau các ngọn đồi, lưng núi... Đã thành thói quen, cả bản hò nhau cùng tìm về phía phát ra tiếng nổ, bởi họ biết, đã có người vướng phải mìn cần được cấp cứu.
Thôn Nậm Ngặt chỉ cách trung tâm xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, chưa tới 10 km nhưng chúng tôi phải đi mất gần 2 giờ mới vào được tới nơi. Thấy khách đến, ông Bồn Văn Hòn cúi rạp người, lết hai tay di chuyển qua bậc cửa một cách khó nhọc ra đón. Thời tiết thay đổi, nên những ngày gần đây, ông Hòn không thể chống nạng vì cơ thể đau nhức, đành phải dùng hai tay để đi lại. Hai bắp tay ông sưng đỏ vì phải "gánh" sức nặng của cơ thể. Gần 20 năm nay, ông trở thành gánh nặng cho vợ con dù trước đây là lao động chính trong nhà.
Là một trong số những nạn nhân giẫm phải mìn trong lúc đang phát nương, nhưng trường hợp của ông Bồn Văn Hòn lại vô cùng trớ trêu khi vướng vào tai nạn đến hai lần, mỗi lần mất một bên chân. Nguyên do cũng là vì hoàn cảnh khó khăn, nhà lại đông con nên khi bị mất một chân vào năm 2002, ông Hòn quyết tâm không khuất phục số phận.
Xin được chiếc chân giả của một người bị nạn đã bỏ đi, người đàn ông khuyết tật tiếp tục tập cho đến lúc có thể leo được lên núi. Một chân đã yếu không thể cuốc đất, làm nương, ông Hòn chọn cách đi chăn dê thuê để kiếm chút tiền nuôi sống bản thân, cũng góp phần đỡ đần người vợ quanh năm ốm yếu. "Nhiều lúc, cố leo qua mỏm đá nhưng hai chân không đủ thăng bằng nên trượt ngã, khắp người rứa máu phải nằm một lúc mới cố gắng gượng dậy", ông Hòn kể lại.
Năm 2014, trong một chiều mưa gió, ông Hòn chui vào một hốc đá để lùa dê đã vướng chiếc chân lành vào quả mìn nằm dưới đám cỏ từ bao giờ, chỉ chờ có ai dẫm lên là phát nổ. Mất đi đôi chân, ông Hòn không chết nhưng vĩnh viễn không thể leo núi được nữa, vùng ngực và đầu thi thoảng lại đau nhức do bị sức ép khi mìn nổ.
Vừa kể chuyện, ông Hòn vừa hướng đôi mắt đỏ hoe về phía bên kia ngọn đồi và tiếp tục nghẹn ngào: “Cái thân tàn tật, ngồi ở nhà suốt ngày lại càng thấp thỏm. Chỉ đến chập tối, con cháu trong nhà đi làm nương về đông đủ, mới thật sự yên tâm.”
Sự lo lắng của ông có lý bởi ngay trong gia đình đã có tới 4 người thương vong do mìn phát nổ. Đau xót nhất là trường hợp của cậu em vợ ông đã phải ra đi không nguyên vẹn. Cách đây hơn chục năm, một tiếng nổ chát chúa vang lên trong lòng núi, cả làng vội vã mang theo những dụng cụ cứu thương đi tìm. Lần theo dấu vết, mọi người hoảng sợ khi chứng kiến cơ thể nạn nhân bị mìn xé thành nhiều mảnh. Cô em vợ và con rể của ông Hòn, cũng vì mưu sinh mà mất đi một bên chân, chịu cảnh què quặt suốt đời...
Đất đai của cha ông, bỏ làm sao được
Hai lần gặp họa không chết, gia cảnh như vậy, ông Bồn Văn Hòn thấm thía nỗi đau dai dẳng mà người nông dân quê ông đang phải đối mặt nhưng nhất quyết không bỏ đi. "Đất đai của cha ông, mồ mả tổ tiên còn đó, bỏ làm sao được. Chỉ mong sao cơ quan chức năng dọn được hết bom, mìn... trả lại màu xanh vốn có cho Nậm Ngặt, để con cháu chúng tôi yên tâm canh tác, xây dựng quê hương, không phải nơm nớp lo sợ như hiện nay".
Nậm Ngặt gần như tách biệt với thế giới bên ngoài do giao thông đi lại khó khăn. Con đường đất dẫn vào thôn được người dân tự đắp lên từ bao đời nay vẫn thế, nhỏ bé và lầy lội. Việc đi làm khó khăn và nguy hiểm nên có những người cả năm chẳng ra ngoài một lần nếu không có việc cần thiết. Không có điện sinh hoạt, không có sóng điện thoại, việc nắm bắt thông tin cũng như liên lạc với bên ngoài gần như rất hạn chế. Cuộc sống sinh hoạt và canh tác của mấy chục hộ dân khép kín trong một thung lũng rộng mênh mông, tứ bề là đồi núi...
Cách đây hơn 40 năm, Nậm Ngặt là vùng đất trù phú với những ngọn đồi mượt bóng cây xanh. Là vùng đất chịu nhiều khốc liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nơi đây được ví là "lò vôi thế kỷ" do hứng hàng triệu quả bom, mìn, đạn pháo... Hòa bình lặp lại, những cánh rừng xanh ngắt đều chết khô rụng lá, đạn pháo cày xới ruộng nương thành những hố sâu.
Chủ tịch UBND xã Thanh Thủy Lý Xuân Lìn cho biết, thôn Nậm Ngặt rộng gần 1.000 ha nhưng chỉ có 52 nóc nhà với hơn 200 nhân khẩu. Nơi đây từng là khu vực giao tranh ác liệt nhất trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Hàng chục triệu quả đạn pháo, mìn... của đối phương đã dội vào nơi đây, biến Nậm Ngặt từ một bản làng xanh tươi, trù phú trở thành một "vùng đất chết" với chi chít đạn, pháo, vật nổ găm vào lòng đất, ngổn ngang nơi lưng đồi, khe suối. Hàng chục người đã bị thương vong do "dính" phải thứ vũ khí sát thương vô cùng nguy hiểm trong khi sinh hoạt, canh tác...
Sinh ra sau chiến tranh, anh Tráng Văn Toàn cho biết: Nhiều chỗ đất đai màu mỡ bị bỏ hoang nhưng đã được bộ đội khoanh vùng, cắm biển: “Nguy hiểm - Cấm vào” nên tất cả nam giới trong thôn Nậm Ngặt không ai dám vào. Hiện nay, anh và gia đình cũng chỉ dám canh tác trên mấy sào ruộng gần phía chân núi, nhưng nhiều lúc vừa cày cấy vừa lo. “Nhất là sau mỗi đợt mưa lũ, đất đá từ trên cao chảy về, có khi cuốn theo cả mìn, rất nguy hiểm", anh Tráng Văn Toàn chia sẻ trong lo lắng.
Tái nghèo do dẫm phải mìn
Câu chuyện của anh Nông Văn Dũng, 55 tuổi ở thôn Giang Nam (xã Thanh Thủy) là một trong những ví dụ điển hình bị sa sút kinh tế khi trở thành nạn nhân của bom, mìn, bởi đa phần những người không may đó đều là trụ cột của gia đình.
Một tay chống nạng, tay kia bê ấm nước vừa đun ra mời khách, anh Dũng kể lại vụ tai nạn với giọng chua xót: "Nếu không vướng phải mìn, bây giờ tôi đã trở thành một chủ trang trại nuôi dê quy mô lớn chứ chả khổ thế này". Anh Dũng vừa kể, vừa chỉ tay về phía quả đồi nơi đã lấy đi của anh một bên chân. Đó là năm 2005, mảnh ruộng sau nhà anh được Nhà nước lấy để xây dựng khu kinh tế cửa khẩu. Mất đất trồng lúa, nhưng được khoản tiền đền bù, vợ chồng anh dựng một căn nhà kiên cố thay cho túp lều rách nát. Số tiền còn thừa, anh chung vốn với vài người mua mấy chục con dê giống làm kế sinh nhai. Đàn dê tăng trưởng nhanh và khỏe mạnh khiến vợ chồng anh Dũng có lý do để mơ đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Thế nhưng, mọi hy vọng của anh đã bị dập tắt vào một buổi chiều, trong lúc lùa dê về vì trời đổ mưa, con đường quen thuộc trở nên trơn trượt. Tiếng sấm khiến đàn dê hoảng sợ chạy toán loạn. Anh Dũng đuổi theo tìm dê, bất ngờ trượt chân vào một hố nhỏ ven đường, chân anh đạp trúng quả mìn... "Một tiếng nổ long trời khiến tôi ngất tại chỗ. Tỉnh dậy thấy mình đang nằm trong trạm xá xã, một bên chân nát đến gần nửa và đàn đê cũng biến mất không tìm thấy con nào", anh Dũng nghẹn ngào kể lại.
Tài sản tiêu tan, anh Dũng trở về nhà với thương tật 60%, không thể lao động. Anh cùng 4 đứa con nhỏ chỉ sống trông vào gánh rau của vợ ngoài chợ. Ước mơ phát triển kinh tế chấm dứt, gia đình anh Nông Văn Dũng rơi vào cảnh tái nghèo....
Không chỉ có ông Hòn, anh Dũng, mà 45 "thương binh" ở xã Thanh Thủy hiện nay thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Đó là chưa kể số lượng góa phụ ở đây rất đông và con số này chắc chắn sẽ chưa thể dừng lại khi đất đai bị nhiễm bom, mìn quá nặng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh, toàn tỉnh đã có 395 người bị thương vong do bom mìn, trong đó 230 người tử vong. Người dân ở các vùng giáp biên, nhất là khu vực huyện Vị Xuyên, Quản Bạ, Hoàng Su Phì... vẫn đang phải đối mặt với những nguy hiểm do bom mìn có thể phát nổ bất kỳ lúc nào.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam, hiện còn khoảng 6,1 triệu ha đất ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. Riêng tỉnh Hà Giang, theo Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh, diện tích ô nhiễm bom mìn ở địa phương này hiện vẫn còn khoảng 85 nghìn ha, trong đó huyện Vị Xuyên có diện tích đất ô nhiễm bom, mìn nhiều nhất, với hơn 34 nghìn ha. Con số này cho thấy những cạm bẫy vô cùng nguy hiểm vẫn tiềm ẩn, đe dọa tính mạng của người dân ở vùng biên cương cực Bắc của Tổ quốc trong nhiều năm tới...
ĐỖ BÌNH (TTXVN)