|
Minh họa: VH
|
Bố tôi từ quê điện cho tôi vào lúc khá khuya, báo tin: "Mẹ con ốm nặng cả tuần nay rồi. Bố sợ các con lo lắng thái quá nên bây giờ mới báo. Vợ chồng con thu xếp về ngay. Bố thấy lần này mẹ con ốm lạ lắm. Bố sợ...". Nước mắt tôi tự nhiên tuôn chảy. Thương mẹ quá. Mẹ tôi sinh được bốn người con, toàn gái. Tất cả đều thoát ly đồng ruộng từ rất sớm. Đất thơm cò đậu. Phận gái như hạt mưa sa, vui đâu chầu đấy, nên đều lấy chồng nơi xa. Vợ chồng tôi ở gần nhất cũng hơn bảy chục cây số, với hai lần chuyển xe ô-tô. Chết nỗi, tôi đi ô-tô mười lần thì đến cả mười lần bị say xe. Say lả lướt, say không còn biết trời đâu đất đâu, ruột gan lộn tùng phèo, mật xanh mật vàng có bao nhiêu trong bụng cho ra bằng hết. Hồi còn học đại học tôi bị say xe tưởng chết. Người tôi mềm oặt như tàu dưa héo, đồ đạc vứt lung tung, áo quần tơi tả. May gặp một người thanh niên tốt bụng thu nhặt mọi thứ rồi bế tôi vào ngôi nhà gần đường để chữa chạy. Người ấy sau này là chồng tôi. Có lẽ vì sợ say xe nên tôi ít về quê. Bây giờ cứ mỗi lần nghĩ đến chuyện đi ô-tô cũng đủ khiến tôi choáng váng, nôn nao. Nghe tin dữ về mẹ, tôi cuống quýt đi sắp tư trang. Chồng tôi nhìn giây lát rồi bỗng dưng anh cười lớn. Tôi gắt: "Còn cười được sao. Giúp em một tay. Nhanh lên". Chồng tôi nói: "Không cười sao được khi em nhét cả cốc chén dĩa thìa vào túi xách. Quê không có à?". Tôi ngớ người. Đầu óc tôi mụ mẫm mất rồi. Anh nói nhẹ nhàng: "Em cứ bình tĩnh, chỉ mang những thứ thật cần thiết thôi. Ngày mai anh bận vì phải bảo vệ luận án tiến sĩ, ngày kia mới về được. Anh sẽ mang tất cả những gì em muốn". "Vậy em đi một mình sao? Đi bằng phương tiện gì? Lại ô-tô ư?". Tôi hỏi và rùng mình mấy cái liền. Anh nói: "Thôi để anh nhờ cậu Tân đưa em về. Công việc hệ trọng chắc Tân không từ chối". Được đi cùng Tân, tôi vui hẳn lên. Sợ chồng hiểu lầm nên tôi giả vờ lưỡng lự rồi khẽ gật đầu: "Cũng được". Gần đây ở công ty tôi thường xì xầm về quan hệ giữa tôi và Tân. Có đứa bạn nói thẳng: "Hãy cẩn thận đấy Lan ơi. Lửa gần xăng là cháy dữ dội ngay. Chồng mày là của quý hiếm thời nay. Con ngu ạ". Tôi cười nhẹ: "Không bao giờ có chuyện ấy xảy ra". Tôi tin vào bản lĩnh của mình, cũng như tin vào sự trong sáng của Tân.
Tân là phó phòng kế hoạch. Tôi là nhân viên. Đi đâu Tân cũng lôi tôi đi theo. Tân kém tôi gần chục tuổi và rất thân với gia đình tôi. Chồng và các con tôi cũng rất quý Tân. Có miếng ăn ngon bao giờ cũng co kéo bằng được cậu Tân đến. Không quý sao được khi Tân là người đàn ông đứng đắn, sống đúng mực, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, đôi khi tỏ ra hào phóng quá mức cần thiết. Tôi nhớ có lần chúng tôi đang ăn sáng, Tân thấy một thằng bé chừng hơn mười tuổi ngửa tay xin tiền.Tôi lúng túng chưa biết có nên cho hay không thì Tân đứng dậy. Cậu cầm tay thằng bé dắt đến chiếc ghế đối diện, ấn nó xuống, rồi gọi ngay một bát phở nạm tái. Chờ nó ăn xong, Tân còn dúi vào tay nó tờ bạc năm mươi ngàn đồng: "Cháu cầm về cho em bé". Thằng bé thoạt đầu ngơ ngác, sau hiểu ra. Nó lí nhí cám ơn. Tân quay sang tôi nói như thanh minh: "Nhìn những đứa trẻ như thế này em thương lắm. Cứ tưởng tuổi thơ của mình hiện về". Tôi bảo: "Cậu làm thế nó sẽ hư mất. Liệu ngày nào cậu cũng cho nó tiền được không?". Tân ngậm ngùi không nói gì. Tân không có bố. Hay nói cách khác, Tân không biết bố mình là ai. Rất nhiều lần cậu cố hỏi mẹ. Nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu. Mãi sau này Tân mới biết vì lời thề của bà ngoại và mẹ với người đàn ông kia. Mẹ cậu bảo: "Gia đình người ta rất hạnh phúc. Bà ngoại và mẹ van xin mãi, ông mới thương tình ban cho mẹ niềm hạnh phúc được làm mẹ đấy. Mẹ cấm con không được đi tìm ông ấy, dù chỉ là trong ý nghĩ".
Tân đưa tôi về quê. Cậu vào thăm bố mẹ tôi chốc lát rồi quay về ngay. Chiều nay theo lịch, Tân phải có mặt trong cuộc thương thảo với đối tác. Tân về lâu rồi mà bố mẹ và các em tôi cứ tấm tắc khen mãi. Tôi cũng thơm lây. Mẹ tôi nhìn theo cho tới khi bóng Tân khuất sau khúc quẹo nơi cổng. Tôi hiểu cái nhìn khát khao đến cháy bỏng của mẹ. Nhiều lần mẹ nói giá như có một thằng con trai luôn ở bên mình thì hạnh phúc xiết bao. Con rể cũng được. Tôi nói đùa: "Chồng con không được à? Mẹ lừ mắt: "Thằng chồng mày cứ biền biệt, nay trong nước, mai ngoài nước. Trông chờ vào nó có mà tao chết khô". Bây giờ mẹ tôi nằm đó, người dán xuống giường, mỏng dính. Bố tôi ngồi cạnh im lặng. Đôi mắt già nua héo hắt lăn xuống những giọt nước mắt hiếm hoi. Ông nắm bàn tay khô cứng sần sùi một thời vất vả của vợ khi một mình nuôi các con. Ông thì thào: "Mình thấy trong người thế nào?". Bố mẹ tôi sống với nhau bốn chục năm có lẻ, từ thời còn bao cấp. Cuộc sống trăm đường khổ sở. Đồng lương của ông không đủ để chi dùng cho những chuyến công tác của mình. ông là kỹ sư thủy lợi. Bàn chân ông từng dọc ngang đất nước. Nhiều lần ông tạt ngang về vác từng bao gạo, vét từng đồng hào của vợ mang đi. Chị em tôi nhìn theo nuốt nước miếng. Mẹ tôi lại vui. Niềm vui của mẹ hiện lên trên khuôn mặt. Mẹ không hề có ý định giấu giếm: "Phục vụ chồng con là chức năng thiên bẩm và cũng là niềm hạnh phúc của người đàn bà". Mẹ tôi nói vậy. Chị em tôi lúc ấy còn bé nên chưa hiểu gì hết. Đến khi có chồng có con mới cảm phục tấm lòng của mẹ. Mẹ thật tuyệt vời. Có lẽ vì bố tôi hiểu điều đó nên ông luôn tôn trọng. Gia đình tôi lúc nào cũng tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Chị em tôi chưa hề thấy bố mẹ gắt gỏng chứ đừng nói chi đến chuyện cãi nhau, đánh nhau. Chị em tôi xuất thân đặc sệt nông thôn, nhưng việc đồng áng một tay mẹ tôi lo liệu. Chúng tôi chỉ có học và học. Gái nông thôn mà không dám đi chân đất, cầm cái liềm lóng nga lóng ngóng. Mẹ cười: "Thôi con về lo bữa cơm đi, để mẹ làm ù cho xong. Nhìn con làm mẹ càng mệt hơn. Mà lần sau có ra đồng nhớ quấn cái khăn che mặt, che tay cho đỡ cháy nắng. Nhất dáng nhì da. Kẻo vài hôm nữa về với chồng nó lại chê".Tôi phì cười. "Mẹ có vẻ hiện đại nhỉ. Chồng chê con lại về với bố mẹ". Mẹ mắng yêu: "Cha bố chị. Xa nhau có vài ngày mà cuống lên như chạm phải lửa. Các anh, các chị bây giờ sướng thật". Mẹ tôi nói đúng. So với mẹ, chị em tôi đang sống trên thiên đường trong vòng tay chăm bẵm, nâng niu của mẹ. Chúng tôi dù bao nhiêu tuổi, trong mắt mẹ, chỉ là những đứa trẻ nhiều tuổi mà thôi. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, vào những ngày giáp hạt, mẹ ngồi nhấm nháp từng lát khoai độn trong nồi cơm. Mẹ cẩn thận gạt từng hạt cơm ra bát dành riêng cho chồng cho con. Mẹ bảo: "Người vợ là phải khéo léo, kiên trì. Gạt hạt cơm ra khỏi lát khoai cũng là rèn luyện đấy".
Mẹ tôi là vậy. Bà lo cho chị em tôi từng nắm lá gội đầu, từng động tác quấn cái xà cạp chân sao cho khéo cho kín. Mẹ tôi sinh ra từ đồng quê chiêm trũng lầy lội và khô cằn. Chẳng biết thời ấy, với vùng quê ấy, mẹ tôi làm thế nào để sống để nuôi con và trợ cấp thêm cho chồng? Thế mà tôi còn cảm thấy khổ thì chắc mẹ con bà cháu Tân còn khổ thế nào. Cứ theo lời Tân kể thì khổ lắm. Nhà chỉ có hai người. Bà ngoại bị mù từ ngày ông ngoại mất. Mẹ cậu quá lứa lỡ thì, nhan sắc lại chẳng bằng ai. Vẫn theo lời Tân kể, mẹ cậu ta xấu lắm, "xấu hủy xấu hoại". Tôi cố hình dung ra một Thị Nở thời hiện đại, nhưng chịu.Tân bảo: "Thị Nở trong phim còn xinh hơn mẹ em nhiều". Ở cái xứ nửa đồng bằng, nửa rừng núi của miền Trung quanh năm bão lụt dữ dằn, mất mùa thường xuyên thì một người như mẹ Tân ở vậy là chuyện tất nhiên. Nỗi tuyệt vọng hiện lên khuôn mặt người mẹ mù lòa. Ông trời bao giờ cũng công bằng với muôn loài. Ông chẳng cướp đi của ai tất cả. Vào một đêm mưa to gió lớn, có một người đàn ông bất ngờ đến xin trú mưa vì đường tắc. Căn nhà xưa nay vốn lạnh lẽo cô đơn, giờ như bừng lên sức sống. Có tiếng người đàn ông trong nhà cũng khác. Cứ tưởng chỉ nghỉ một đêm, hôm sau lại đi, ai ngờ mưa lũ cả chục ngày. Đêm đầu tiên qua đi trong giấc mơ đẹp của người mẹ mù lòa. Đêm thứ hai bà xin anh một đứa con cho con gái xấu xí của mình. Người đàn ông khước từ: "Cháu đã có vợ và hai con. Gia đình cháu sống rất hạnh phúc. Vợ cháu là một người đàn bà tận tụy. Bà hiểu cho. Cháu không thể phản bội tình yêu của cô ấy được". Hai người đàn bà òa khóc: "Rồi đây tuổi cao sức yếu mẹ con tôi biết trông cậy vào ai?". Rồi hai mẹ con quỳ xuống, chắp tay lạy sống người đàn ông. Bà mẹ nói: "Lạy anh, xin anh hãy ban cho em nó cái diễm phúc được làm mẹ. Công ơn này mẹ con tôi kết cỏ ngậm vành, nguyện không để một ai được biết. Và không bao giờ có ý định tìm lại anh. Lời nói thực lòng, xin trời cao chứng giám". Ngày cuối cùng trước lúc ra đi, người đàn ông đưa cho cô gái số tiền còn lại trong túi và mảnh giấy: "Số tiền ít ỏi em cầm lấy sẽ có lúc cần đến. Còn đây là tên và địa chỉ gia đình của anh. Sau này em đưa cho con của chúng mình". Cô gái khóc: "Không bao giờ em quên lời thề của mẹ con em. Anh cứ cầm lấy tiền. Còn địa chỉ ư?". Vừa nói cô vừa đưa tờ giấy vào ngọn lửa. "Nếu có cơ duyên hội ngộ thì sau này chị em nó khắc tìm được nhau". Người mẹ nói chen vào: "Ông trời sẽ phù hộ cho ai nặng lòng nhân ái". Kết quả cuộc tình mang nặng tình thương ấy là cậu bé Tân ra đời. Và cũng bắt đầu từ đó, tháng tháng gia đình Tân nhận được một số tiền tuy ít nhưng cũng đỡ đần được việc học hành của cậu. Tiền gửi qua bưu điện, không địa chỉ người gửi. Ban đầu là mỗi tháng một lần, sau hai lần trong tháng. Mãi đến tận bây giờ Tân vẫn còn nhận được những đồng tiền lạ lùng ấy.
Cứ nghĩ mẹ tôi sẽ khỏi bệnh. Tôi nhớ một lần mẹ đi làm đồng, chờ mãi không thấy về, mọi người đổ đi tìm. Mãi sau mới thấy mẹ nằm gục bên bờ ruộng. Mấy chị em tôi khóc rầm lên gọi mẹ. Đến chiều mẹ tôi mới tỉnh. Thì ra mẹ tôi tranh thủ trên đường về bắt ít cua, nào ngờ bị rắn cắn. Mẹ tự chữa bằng kinh nghiệm mà mình biết. Những lúc vui vẻ, mẹ bảo: "Thương chồng, thương con nên không thể chết được". Thế mà bây giờ... Dù năm bố con tôi tận tình cứu chữa nhưng vẫn không thể cứu nổi người thân thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Bố tôi như người mất hồn. Suốt đám tang ông như cái bóng. Cái dáng to cao, bước chân nhanh nhẹn, bàn tay khéo léo của ông đã theo chân người vợ xuống dưới ba thước đất. Tóc ông xơ xác dựng đứng.Tôi giật mình, cái lưng ông mới có mấy ngày còng gập hẳn. Nếu như mẹ tôi còn sống, nhất định bà sẽ lôi ông ra bể nước, gội đầu cho ông bằng thứ nước do bà tự nấu lấy bằng các thứ lá sẵn có trong vườn. Mẹ tôi bảo: "Tóc như vậy là sắp ốm rồi, phải chữa bằng thứ lá này mới khỏi”. Sau bữa cơm đầu tiên mất mẹ, bố con tôi quyết định mở chiếc hòm khóa chuông mục nát của mẹ tôi. Chiếc hòm này mẹ tôi mua ở chợ huyện từ ngày theo bố tôi về làm vợ ông. Trong mớ quần áo nhầu nhĩ cũ nát, bố tôi vẫn nhận ra chiếc quần phíp đen, cái áo phin trắng mà ông mua tặng nhân ngày cưới. Ông bật khóc thành tiếng. Cả nhà cùng khóc vì thương tiếc. Lát sau chừng như bố tôi thấy cần phải là cái trụ cho đàn con côi cút, ông nói: "Số phận đã định, đành chịu". Tôi tiếp tục lần giở tư trang của mẹ. Dưới sát đáy hòm có một cái bọc nhỏ được gói bằng mảnh vải cũ. Tiền hay vàng? Tôi thoáng nghĩ và ngước mắt nhìn mọi người. Tất cả thành viên đều chăm chú vào cái bọc vải trên tay tôi. Cái bọc được nhanh chóng mở ra. Vàng không có mà tiền cũng không. Toàn biên lai chuyển tiền qua bưu điện. Không tên người gửi. Tên người nhận là Trần Thị Na, thôn... xã... tỉnh. Số biên lai này chiếm khoảng hai phần ba. Còn lại mang tên Trần Danh Tân địa chỉ ban đầu là Trường Đại học Bách khoa, sau là... Trời ơi! Sao thế này? Đầu óc tôi quay cuồng. Những dòng chữ nhảy múa, nhào lộn trước mắt tôi. Tôi không say xe. Tôi không đau đầu nhức óc. Tôi không còn tin ở mắt mình nữa. Chẳng lẽ lại là cậu Tân cùng công ty với tôi ư? Tôi đọc lại một lần nữa rồi trao cho bố. Chắc chắn là cậu Tân. Tại sao tôi không nghĩ ra điều này nhỉ. Rất nhiều bạn đồng nghiệp bảo: "Tân với mày giống nhau như hai giọt nước. Có lẽ kiếp trước hay kiếp này chúng mày là cùng một dòng máu". Tôi không tin. Một người ở miền Bắc, một người ở tận miền Trung. Cách nhau cả ngàn cây số, làm sao cùng dòng máu được. Cuối cùng là tờ giấy gấp tư. Nét chữ run run của mẹ tôi. Chắc khi viết dòng chữ này mẹ tôi phải nghĩ ngợi nhiều lắm. Mẹ tôi viết: "Xin lỗi ông. Tôi đã làm một việc mà không hỏi ý kiến ông. Sau khi tôi mất, ông đón mẹ con cô ấy về. Đừng để vậy. Thương lắm. Đây là lời cầu xin đầu tiên và cũng là cuối cùng của tôi".
Bố tôi không gượng nổi. Ông gục hẳn mặt xuống bàn nấc lên từng tiếng.
Truyện ngắn của NGUYỄN SỸ ĐOÀN