Nếu trường võ Nguyễn Chế Nghĩa được khôi phục thì sẽ là niềm vinh dự, phấn khởi cho đất và người Gia Lộc. Trường võ làm cho giá trị di tích thờ danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa được nâng tầm.
Trò "đánh thó" - môn võ sở trường của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa đã được đưa vào chương trình Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc từ nhiều năm nay
"Chúng tôi đã và đang tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm những nguồn tư liệu lịch sử về cụ Nguyễn Chế Nghĩa với mong muốn sau này sẽ đề nghị các cấp có thẩm quyền khôi phục lại trường võ do cụ sáng lập lúc sinh thời". Đó là chia sẻ của Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản võ cổ truyền Việt Nam, Trưởng môn phái võ Nhất Nam Hải Dương Ngô Mạnh Hùng.
Gần 10 năm dày công nghiên cứu
Theo tư liệu lịch sử, cuối đời Trần Minh Tông, triều đình nhiễu nhương, Nguyễn Chế Nghĩa đã từ quan về ở đất Cối Xuyên (nay là thị trấn Gia Lộc). Tại đây ông giúp dân phát triển nghề nông, mở chợ, lập trường dạy võ cho thanh niên.
Năm 2011, ông Hùng gặp ông Phạm Sĩ Cẩn, khi đó đang giữ chức Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hai người cùng chung ý tưởng, niềm đam mê đi tìm những tư liệu về trường võ Nguyễn Chế Nghĩa với mong muốn sau này sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền tổ chức khôi phục lại. Hai ông đã về thị trấn Gia Lộc để gặp cụ Phóng (nay đã mất). Cụ Phóng là cháu đích tôn đời thứ 17 của danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa. Những thông tin mà cụ Phóng có được từ trường võ cũng do những thế hệ đi trước kể lại.
Cụ Phóng kể với ông Hùng và ông Cẩn rằng, trường võ Nguyễn Chế Nghĩa xưa nằm ở đền Cuối và chùa La Khởi ngày nay. Cụ Nguyễn Chế Nghĩa đã quy tụ thanh niên trai tráng trong vùng truyền dạy võ nghệ. Nhiều người nghĩ thời đó ông chỉ dạy thanh niên côn trường (đánh thó, đánh gậy) nhưng thực tế ông còn dạy thập bát binh khí (18 môn binh khí) như côn, thương, đại đao, mác, kiếm... Hằng năm, võ sư, võ sinh từ khắp các tỉnh lân cận với Hải Dương ngày nay như Thái Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Ninh, thậm chí từ Thanh Hóa cũng ra trường võ học hỏi, giao lưu. Trường võ được các hậu duệ của Nguyễn Chế Nghĩa duy trì cho tới khi bị giặc Pháp xâm lược và phá hủy. Không chỉ ghi lại thông tin do cụ Phóng cung cấp, ông Cẩn còn quay video cụ biểu diễn một số bài đánh thó, đại đao...
Lần theo những thông tin cụ Phóng cung cấp, ông Hùng, ông Cẩn sang tận Thái Bình, Bắc Ninh... tìm gặp những người từng thi đấu võ nghệ ở đền Cuối trước năm 1945. Tiếc rằng những người này không ai còn sống. Gần 10 năm qua, hai ông mày mò, nghiên cứu, ghi chép nhiều tư liệu lịch sử về Nguyễn Chế Nghĩa, tham khảo những thông tin của các nhà sử học và từ các di tích thờ nhân vật này để viết tư liệu.
Để khôi phục lại trường võ phải tổ chức một cuộc hội thảo, mời các chuyên gia, nhà nghiên cứu lịch sử để bàn bạc, thảo luận. Sau đó phải xây dựng đề án, trình các cấp có thẩm quyền xét duyệt. Ông Hùng cho biết sắp tới có thể Liên đoàn Võ thuật cổ truyền tỉnh Hải Dương sẽ được thành lập. Lúc đó, Trung tâm Bảo tồn di sản võ cổ truyền Việt Nam sẽ phối hợp với đơn vị này nghiên cứu tìm giải pháp phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trường võ Nguyễn Chế Nghĩa.
Nên phục dựng
Hằng năm, Lễ hội đền Cuối được tổ chức trong 3 ngày từ ngày 15 - 18.10 (tức 25 - 28.8 âm lịch). Trong các hoạt động của lễ hội nhất thiết phải có trò “đánh thó” để tưởng nhớ và tái hiện công lao của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa. Đây là môn võ sở trường của ông cũng như quân lính. Những năm gần đây, trò "đánh thó" đã được đưa vào chương trình Lễ hội mùa thu Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Tiến sĩ sử học Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho rằng trường võ Nguyễn Chế Nghĩa được phục dựng sẽ góp phần tôn thêm những nét đẹp, giá trị văn hóa về đất và người xứ Đông. Đây vừa là nơi dạy võ, cũng có thể trở thành địa điểm du lịch, khám phá. Vào lễ hội mùa thu, võ sinh không chỉ biểu diễn "đánh thó" mà còn biểu diễn thập bát binh khí do Nguyễn Chế Nghĩa truyền dạy. Sắc màu, giá trị lễ hội cũng vì thế sẽ hấp dẫn hơn.
Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Gia Lộc Nguyễn Chính Thống cho rằng nếu trường võ Nguyễn Chế Nghĩa được khôi phục thì sẽ là niềm vinh dự, phấn khởi cho đất và người Gia Lộc. Trường võ làm cho giá trị di tích thờ danh tướng Nguyễn Chế Nghĩa được nâng tầm. Đây cũng sẽ trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Ông Hùng cho rằng trường võ Nguyễn Chế Nghĩa có khôi phục được hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là quyết định của các cấp có thẩm quyền. Nhưng trước mắt, với vai trò là Trưởng môn phái võ Nhất Nam Hải Dương, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu, biên soạn các bài võ gậy, đại đao... do tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa sáng tạo khi xưa để truyền dạy cho các võ sinh, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
BÌNH MINH
Nguyễn Chế Nghĩa sinh năm 1265 tại Cối Xuyên (nay là thị trấn Gia Lộc). Ông là một vị tướng tài ba, từng 2 lần tham gia chống giặc Nguyên Mông. 17 tuổi, ông đã được Hưng Đạo Vương lệnh đem dân binh của Lộ Hồng đi chặn giặc ở Nội Bàng, Vạn Kiếp. 19 tuổi, Nguyễn Chế Nghĩa đeo ấn tiên phong cùng tướng Phạm Ngũ Lão đem 3.000 quân lên Lạng Sơn cầm quân đánh lui các tướng giặc là Trịnh Bằng Phi và Áo Lỗ Xích. Nguyễn Chế Nghĩa được cử giữ Nội Bàng để chống giặc, bảo vệ đại bản doanh Vạn Kiếp. Ông được Hưng Đạo Vương phong làm chánh tướng tiên phong đóng đồn ở Yên Hưng (Quảng Ninh)... |