Với niềm say mê công nghệ, Phạm Trung Thanh học sinh lớp 9, Trường THCS Tân An (Thanh Hà) đã cho ra đời nhiều sản phẩm như tàu ngầm, tàu đệm khí...
Mới học lớp 9 nhưng Phạm Trung Thanh đã nghiên cứu thành công nhiều sản phẩm hữu ích
Về Trường THCS Tân An (Thanh Hà), vừa đến cổng hỏi em Phạm Trung Thanh học sinh lớp 9, chúng tôi đã nhận được rất nhiều lời giới thiệu, nhận xét: Bạn Thanh vừa đoạt giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của tỉnh phải không? Bạn Thanh “kỹ sư sáng tạo” đúng không?... Bấy nhiêu thôi, chúng tôi đã phần nào hiểu được cậu học trò này rất "nổi tiếng" với những sáng tạo khoa học của mình.
Là con trong một gia đình làm nông nghiệp có 3 anh chị em, ngoài thời gian học tập, Thanh còn phải phụ giúp bố mẹ việc đồng áng, chăn nuôi. Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nhưng Thanh vẫn nỗ lực vươn lên trong học tập, 8 năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến. Đặc biệt, từ nhỏ Thanh đã có biệt danh “cậu bé rô - bốt”, bởi mỗi khi có thời gian rảnh rỗi là em lại tìm tòi, nghiên cứu những đồ dùng, đồ chơi bỏ đi rồi tự tháo dỡ, sau đó lắp đặt lại và tìm ra nguyên lý hoạt động của chúng. Với niềm say mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học từ nhỏ nên khi vào cấp 2 được học thêm môn vật lý (môn khoa học thực nghiệm), Thanh đã có nhiều điều kiện để thỏa mãn đam mê này. Trong những năm học THCS, Thanh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu các mô hình như: tàu ngầm, tàu điện khí... Tuy nhiên, bên cạnh việc tận dụng những thiết bị điện tử phế thải em không có tiền để mua thêm một số thiết bị khác nên một số sản phẩm chưa hoàn thiện. Khắc phục khó khăn, năm 2012 Thanh bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế “Thiết bị báo trộm qua điện thoại di động”. Được sự hỗ trợ của thầy giáo dạy môn vật lý, sự động viên, khuyến khích của gia đình, Thanh đã đặt trọn niềm say mê của mình vào sản phẩm. Sau gần 3 tháng nghiên cứu, mày mò lắp đặt với không ít lần thất bại, sản phẩm của em đã hoàn thiện và thử nghiệm thành công.
Chia sẻ với chúng tôi về sản phẩm “Thiết bị báo trộm qua điện thoại di động”, Thanh cho biết, rất tình cờ, một lần nhà bác hàng xóm bị kẻ gian đột nhập vào trộm tài sản. Mặc dù gia đình bác đã có thiết bị báo trộm nhưng do không có người ở nhà nên chuông kêu không ai biết. Xuất phát từ đó, em tự nghĩ liệu có cách nào báo trộm khi chủ nhà đi vắng không? Suy nghĩ mãi cuối cùng em nghĩ tới chiếc điện thoại di động, một vật dụng rất quen thuộc, phổ biến với người dân hiện nay. Rồi em mang ý tưởng này trao đổi với thầy giáo dạy vật lý, được thầy rất quan tâm và động viên em nghiên cứu lắp đặt. Cuối cùng sản phẩm báo trộm tự động qua điện thoại di động đã ra đời sau gần 3 tháng miệt mài nghiên cứu. Được sự khuyến khích của gia đình, nhà trường vừa qua em đã mạnh dạn tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ VIII và sản phẩm của em đã đoạt giải. Em cũng là tác giả nhỏ tuổi nhất có giải tại cuộc thi này.
Em Thanh cũng cho biết thêm: Thiết bị báo trộm thông thường mới chỉ dừng lại ở việc khi cửa mở thì chuông điện kêu (nhưng trong nhà phải có người thì mới phát hiện được trộm), còn sản phẩm của em được lắp đặt thêm một chiếc máy điện thoại di động kết nối với công tắc điện, khi cánh cửa mở thì lập tức điện thoại di động này gọi ngay đến số máy của chủ nhà do công tắc điện đã được cài đặt với điện thoại di động. Với sản phẩm này, chủ nhà có thể dễ dàng kiểm soát được người lạ vào nhà khi đi vắng.
Không chỉ dừng lại ở sản phẩm thiết bị báo trộm tự động, mới đây tại Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn tỉnh cuối năm 2013, trên nền thiết bị cũ, Thanh đã phát triển thêm 2 chức năng dùng cho người già, trẻ em và chuông cửa không dây bằng cách thêm 1 chiếc công tắc để bàn kết nối với thiết bị báo động. Khi cần giúp đỡ, người già yếu nằm trên giường chỉ cần ấn công tắc, người thân sẽ biết thông qua điện thoại di động để đến trợ giúp. Còn với thiết bị chuông cửa không dây chỉ cần lắp thêm một bộ điều khiển từ xa kết nối với chuông điện khi bấm công tắc ngoài cửa, chuông điện trong nhà sẽ kêu. Sản phẩm này của Thanh cũng đã giành giải nhì tại hội thi. Tại hội thi này, em đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi của các chuyên gia về lĩnh vực khoa học sáng tạo bởi tính ứng dụng cao trong đời sống. Tới đây, sản phẩm của em sẽ được tham gia Hội thi Sáng tạo kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc.
Thầy giáo Nguyễn Sỹ An, Hiệu trưởng Trường THCS Tân An cho biết: Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, em Thanh còn rất chăm chỉ học tập, luôn là học sinh giỏi, học sinh tiên tiến của nhà trường. Thành công bước đầu này đã khơi dậy niềm say mê khoa học cho nhiều em học sinh trong trường.
Nói về dự định của mình trong tương lai, Thanh cho biết: "Hiện tại em đang tập trung cho việc học để thi đỗ THPT, sau đó là đại học để thực hiện ước mơ trở thành kỹ sư chuyên ngành điện tử. Hiện nay em đang ấp ủ nghiên cứu sáng tạo sản phẩm “Máy quét nhà tự động". Em hy vọng, nếu thành công, sản phẩm này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong đời sống”.
Chúc cho những ước mơ, hoài bão của Thanh sớm thành hiện thực.
HÀ VY