Ung thư cổ tử cung - “Sát thủ” thầm lặng

31/12/2022 20:00

Ung thư cổ tử cung (CTC) là bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ, chỉ xếp sau ung thư vú. Ung thư CTC được coi là “sát thủ” thầm lặng khi các biểu hiện của bệnh thường không rõ rệt.

Nhân viên Công ty TNHH MedLatec Hải Dương lấy máu xét nghiệm tầm soát sức khoẻ cho một phụ nữ (ảnh do công ty cung cấp)


Người mắc ngày càng trẻ 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tại Việt Nam, ước tính cứ 100.000 phụ nữ thì có 20 trường hợp mắc bệnh ung thư CTC và 11 trường hợp tử vong. Tại Hải Dương, mặc dù chưa có thống kê cụ thể song đại diện một số cơ sở y tế khẳng định tỷ lệ mắc ung thư CTC ngày càng nhiều. “Chúng tôi chưa có thống kê cụ thể nhưng phải khẳng định ngày càng nhiều phụ nữ mắc bệnh này. Hầu hết bệnh nhân vào đây làm xét nghiệm tế bào thì đều phát hiện ung thư CTC ở giai đoạn muộn, buộc phải phẫu thuật”, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hải Dương thông tin.

Bác sĩ Cao Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH MedLatec Hải Dương (phòng khám chuyên khoa xét nghiệm) cho biết cứ 1.000 phụ nữ xét nghiệm máu thì phát hiện được 5-7 trường hợp nghi ngờ mắc ung thư CTC. “Chúng tôi làm xét nghiệm tầm soát ung thư cho lao động nữ tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp thấy nhiều người trẻ, đang trong độ tuổi sinh đẻ cũng bị bệnh này. Trước đây chủ yếu phụ nữ ở độ tuổi mãn kinh mới bị. Ung thư CTC đang tấn công sang cả người trẻ là một tình trạng không thể chủ quan”, bác sĩ Long nói.

Ung thư CTC là do các tế bào ở CTC bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Bệnh ung thư này thường phát triển âm ỉ trong vài năm. Trong thời gian này, các tế bào ở CTC sẽ biến đổi một cách bất thường do sự thay đổi môi trường âm đạo hoặc do nhiễm virus HPV. Sự phát triển âm thầm, triệu chứng mờ nhạt, không rõ rệt của ung thư CTC khiến việc phát hiện khó khăn. Đa số bệnh nhân được phát hiện mắc bệnh này vào giai đoạn bắt đầu xảy ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khoẻ. Chị N.T.H. (40 tuổi, quê Gia Lộc) vừa phát hiện mắc ung thư CTC giai đoạn 2 chia sẻ: “Cơ thể không có dấu hiệu gì khác lạ cho đến khi tôi nhận thấy âm đạo mình cứ bị chảy máu bất thường, người mỏi mệt, ăn uống kém, sụt cân. Tôi buộc phải cắt bỏ CTC theo khuyến cáo của bác sĩ để tránh di căn sang các bộ phận khác trong cơ thể”.

Theo các bác sĩ, phụ nữ mắc ung thư CTC thường có các biểu hiện như âm đạo chảy máu bất thường, đau vùng chậu, tiểu tiện khó và sưng chân. Ung thư CTC phát hiện càng muộn (di căn sang nhiều cơ quan trong cơ thể) thì biến chứng bệnh càng nặng và mức độ nguy hiểm càng cao. Các biến chứng phổ biến do ung thư CTC gây ra là mãn kinh sớm, thu hẹp âm đạo, vô sinh, suy thận, chảy máu nội tạng, hình thành cục máu đông, đau dữ dội… Tiên lượng sống của bệnh nhân ung thư CTC cũng tùy theo giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe có đáp ứng điều trị hay không. Ung thư CTC chia làm 4 giai đoạn phát triển, trong đó tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ở giai đoạn 3 (giai đoạn muộn) và giai đoạn 4 (giai đoạn cuối) lần lượt chỉ khoảng 25-35% và 10-15%.

Phòng bệnh như nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Xuân Huy, hầu hết phụ nữ đều nhiễm virus HPV - tác nhân gây ung thư CTC, trong đó độ tuổi dễ nhiễm nhất là từ 20-30. Nhóm virus HPV có hơn 100 loại khác nhau, trong đó chủng 16, 18 và 21 là nguyên nhân dẫn tới 70% số trường hợp mắc ung thư CTC. “Ít nhất mỗi năm 1 lần chị em nên đi xét nghiệm tầm soát ung thư 1 lần. Phát hiện sớm giúp can thiệp từ xa, tránh những hệ luỵ có thể xảy ra đối với sức khoẻ, tính mạng của phụ nữ. Đối với những trường hợp đã mắc bệnh ung thư CTC, kể cả đã phẫu thuật cũng cần định kỳ tái khám theo hướng dẫn”, bác sĩ Huy tư vấn.

Bác sĩ Huy cho biết thêm Australia là quốc gia phòng ngừa ung thư CTC hiệu quả hàng đầu thế giới. Nước này hướng đến thanh toán ung thư CTC vào năm 2025 bằng hai phương pháp sàng lọc và tiêm phòng miễn phí. Như vậy, ngoài sàng lọc thì việc tiêm phòng vaccine ngừa HPV (dành cho bé gái từ 9 đến 26 tuổi, chưa quan hệ tình dục) là một trong những biện pháp quan trọng hàng đầu để phòng tránh căn bệnh nguy hiểm này. Việt Nam có vaccine ngừa HPV nhưng khách hàng phải trả phí.

Các bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có quan hệ tình dục không lành mạnh, hút hoặc thường xuyên hít phải khói thuốc có nguy cơ mắc ung thư CTC cao từ 2-3 lần. Tránh xa những điều này sẽ giúp phụ nữ có sức khoẻ tốt, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.

Ung thư CTC rất nguy hiểm song điều đáng lo ngại là nhiều chị em phụ nữ còn mơ hồ, thậm chí chưa hiểu biết gì về căn bệnh này. Các chuyên gia cho rằng, ngoài tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức thì việc tổ chức các chiến dịch xét nghiệm tầm soát ung thư nói chung, ung thư CTC nói riêng cho phụ nữ cần được triển khai trên diện rộng.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ung thư cổ tử cung - “Sát thủ” thầm lặng