Chiều 14-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
* Phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu bày tỏ sự nhất trí với việc sửa đổi, điều chỉnh các dự án luật để tiếp cận với các chính sách pháp luật tiên tiến trên thế giới.
Đại biểu Vũ Thị Hương Sen: "Mua thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình sẽ tránh được tình trạng
một người đồng thời có nhiều thẻ". Ảnh: Trung Thu
Đại biểu Huỳnh Tuấn Dương (Hải Dương) đồng tình với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Hôn nhân và gia đình để khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập của quy định hiện hành và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Góp ý vào Điều 9 về "điều kiện kết hôn", đại biểu Dương nhất trí với quy định về việc nam, nữ phải đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn do thể hiện được quyền bình đẳng nam, nữ, phù hợp với độ tuổi có năng lực, hành vi dân sự. Về bổ sung vào điểm d Điều 17, đại biểu Dương bày tỏ sự đồng thuận với quy định về việc bãi bỏ cấm kết hôn giữa những người đồng giới, tạo điều kiện cho những người đồng giới thực hiện quyền cơ bản của mình, giảm thiểu sự phân biệt, kỳ thị với người đồng giới. Về quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, đại biểu Dương đề nghị nên gộp điều khoản quy định về quyền và nghĩa vụ của người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ. Tuy nhiên, luật cần quy định chặt để tránh tình trạng “lách” quy định để sinh thêm con, sinh con không vì mục đích nhân đạo.
Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Vũ Thị Hương Sen (Hải Dương) đề nghị bỏ từ “bắt buộc” trong quy định tại khoản 1 Điều 2 và bày tỏ sự đồng thuận cao với quy định về việc mua thẻ BHYT theo hộ gia đình. Theo đại biểu Sen, việc này sẽ tránh được tình trạng một người đồng thời có nhiều thẻ BHYT. Tham gia vào Luật Hôn nhân và gia đình, đại biểu Sen đề nghị nên công nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, cần xác định rõ giới tính của người sống chung trước khi công nhận.
Đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) cho rằng, Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi lần này tương đối hoàn thiện. Về việc “Nhà nước không công nhận hôn nhân đồng giới”, đại biểu Rinh bày tỏ ý kiến không tán thành và đề nghị cần nghiên cứu, quy định kỹ lưỡng hơn, nên xem xét cả đến yếu tố người đồng tính là người nước ngoài. Về việc “nam, nữ không đăng ký kết hôn nhưng sống chung như vợ chồng”, đại biểu Rinh đề nghị cần xem xét kỹ hơn đến các đối tượng vị thành niên, người già sống chung như vợ chồng. Theo đại biểu Rinh, việc mang thai hộ cần quy định chế định cụ thể, nếu không sẽ gây ảnh hưởng đến xã hội về hôn nhân và gia đình. Đặc biệt, cần quy định cụ thể với các trường hợp phát sinh từ việc nhờ mang thai hộ, như người nhờ mang thai hộ có yếu tố nước ngoài...
Trước đó vào sáng 14-11, QH bỏ phiếu phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm nhân sự giữ chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với đồng chí Nguyễn Văn Nên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương. Kết quả, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận được 72,69% tổng số đại biểu QH có mặt tán thành. Như vậy, đồng chí Nguyễn Văn Nên sẽ thay đồng chí Vũ Đức Đam vừa được QH phê chuẩn giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ, để giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Cũng trong phiên họp buổi sáng, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đọc Tờ trình về việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH, đồng thời báo cáo QH về việc bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH. Sau đó, QH thảo luận tại đoàn về việc tăng số Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của QH.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, tại kỳ họp thứ nhất, QH đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ QH là 18 người, trong đó có một Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH làm Trưởng Ban Dân nguyện. Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ nhất, QH mới bầu được 17 thành viên nên Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho phép kiện toàn bầu bổ sung 1 Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH từ nguồn cán bộ tại chỗ.
Đối với Ủy ban Pháp luật của QH, tại kỳ họp thứ nhất QH đã quyết định ủy ban này có 1 chủ nhiệm và 5 phó chủ nhiệm, nhưng do chưa chuẩn bị đủ về nhân sự nên tại kỳ họp thứ nhất, QH mới bầu được 4 phó chủ nhiệm. Để tiếp tục kiện toàn, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH cho phép bầu 1 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật từ nguồn cán bộ tại chỗ.
Đối với Hội đồng dân tộc và một số Ủy ban của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị QH quyết định bổ sung 1 Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc và 3 Phó Chủ nhiệm của 3 Ủy ban của QH, gồm: Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Ủy ban Đối ngoại.
Thủ tướng và 4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn
Sáng 14-11, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này sẽ có 4 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn, gồm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình. Theo nghị trình, phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ sáng 19-11 với việc Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 và thứ 5. Chiều 21-11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu QH quan tâm sau các phiên chất vấn 4 bộ trưởng, trưởng ngành, đồng thời sẽ trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH. |
Ngày 15-11, buổi sáng QH họp phiên toàn thể tại hội trường thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; tiếp tục xem xét về công tác nhân sự. Buổi chiều, QH thảo luận ở tổ dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.
|
TTXVN-TT-NA-PV