Các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, ví điện tử làm cho "miếng bánh" thị trường bị chia nhỏ, tạo ra sức ép đối với các dịch vụ số của ngân hàng.
Khách hàng sử dụng ứng dụng trung gian thanh toán nhanh chóng và thuận tiện qua quét mã QR (Quick Response)
Thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương của Chính phủ và cũng là xu hướng của xã hội hiện đại. Trong thời kỳ bùng nổ công nghệ số và công nghệ tài chính hiện nay, rất nhiều ứng dụng trung gian thanh toán (TGTT) xuất hiện do các đơn vị, doanh nghiệp ngoài ngân hàng cung cấp, tạo ra sức ép cạnh tranh không nhỏ đến ngành ngân hàng.
Thị trường hấp dẫn
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Hải Dương, cả nước hiện có trên 30 đơn vị, doanh nghiệp không phải ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT, trong đó có trên 20 đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ví điện tử. Sự xuất hiện ngày càng nhiều các dịch vụ TGTT cho thấy thanh toán không dùng tiền mặt là phân khúc tiềm năng và đầy hấp dẫn.
Tất cả các giao dịch trực tuyến hiện nay đều cần dịch vụ thanh toán. Đây là nền tảng cho sự phát triển của dịch vụ TGTT bởi tính tiện lợi cũng như giảm việc thanh toán không dùng tiền mặt. Rất nhiều phần mềm thanh toán có mặt trên kho ứng dụng của thiết bị di động thông minh như Momo, Moca… mà người dùng có thể dễ dàng tải về và cài đặt.
Chị Trần Thị Thu Vân, giáo viên một trường THCS ở TP Hải Dương cho biết: "Hơn 1 năm nay, tôi thường sử dụng ví điện tử thay cho việc dùng tiền mặt. Từ những giao dịch nhỏ như mua đồ ăn trong siêu thị, thanh toán tiền điện, tiền nước cho đến những giao dịch mua bán trên các trang thương mại điện tử tôi đều không dùng tiền mặt".
Không chỉ có sự xuất hiện của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TGTT kể trên, ngay cả các nhà mạng cũng đang thực hiện những chiến lược riêng nhằm chiếm lĩnh thị phần thanh toán điện tử.
Đầu tháng 10.2019, Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã nộp đề án xin cấp phép cung cấp dịch vụ TGTT lên Ngân hàng Nhà nước với hạn mức đề xuất dưới 500.000 đồng/giao dịch và không hạn chế số lần giao dịch. Nhà mạng này cũng đã bổ sung ngành nghề kinh doanh "cung ứng dịch vụ TGTT".
Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT Vinaphone cũng đã có giấy phép cung cấp dịch vụ TGTT.
Sự xuất hiện của các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TGTT, ví điện tử đã góp phần lớn vào việc hình thành thói quen không sử dụng tiền mặt của người dân nhưng điều này làm cho "miếng bánh" thị trường bị chia nhỏ, tạo ra sức ép đối với các dịch vụ số của ngân hàng.
Xu hướng hợp tác cùng thắng
Thực tế cho thấy, các dịch vụ TGTT của mỗi đơn vị, doanh nghiệp có những chính sách, chiến lược riêng, hướng tới khách hàng mục tiêu khác nhau. Dịch vụ của các ngân hàng thường dành cho các khoản giao dịch lớn, còn của các doanh nghiệp ngoài ngân hàng lại phục vụ các giao dịch có giá trị nhỏ hơn nên khách hàng không cần thực hiện quá nhiều thao tác.
Số lượng thuê bao di động, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động thông minh cũng như internet của người dân ngày một tăng là nền tảng để không chỉ ngân hàng mà các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TGTT khai thác.
Việc thanh toán trực tuyến qua các kênh internet, thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về số lượng lẫn chất lượng giao dịch. Sự xuất hiện và phát triển của ứng dụng TGTT từ các nhà mạng, đơn vị, doanh nghiệp ngoài ngân hàng đã tạo nên mối quan hệ đan xen giữa cạnh tranh và hợp tác với ngành ngân hàng.
Sức ép cạnh tranh đòi hỏi sự thay đổi toàn diện trong cách thức hoạt động, cung cấp sản phẩm, dịch vụ từ ngân hàng. Để giữ vững vai trò mắt xích trong hệ thống tài chính, các ngân hàng đã và đang xây dựng những chiến lược số riêng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Mặc dù ngân hàng đủ tiềm lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là công nghệ, song không thể phủ nhận tốc độ thâm nhập thị trường của những ứng dụng thanh toán, ví điện tử. Để giải quyết vấn đề này, sự hợp tác giữa ngân hàng và những đơn vị, doanh nghiệp ngoài ngành dưới hình thức đối tác, hợp tác cùng thắng (win-win) được xem là một chiến lược phù hợp.
Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Thành Đông nhận định trong thanh toán điện tử, ngân hàng hay các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ TGTT đều có thế mạnh, phân khúc khách hàng riêng. Ngân hàng có sẵn hệ thống, nền tảng công nghệ, mạng lưới cùng đội ngũ nhân sự chất lượng cao. Doanh nghiệp ngoài ngân hàng lại có sự năng động cùng những tiện ích nhất định dành cho người dùng. "Chia sẻ tài nguyên, hợp tác cùng phát triển là hướng đi đúng đắn trong hoạt động ngân hàng số hiện nay. Điều quan trọng nhất là không để khách hàng bị bỏ lại phía sau", ông Trung nói.
Sự xuất hiện của những ứng dụng TGTT không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho sự hợp tác giữa các đơn vị, doanh nghiệp cung cấp và ngân hàng. Mối quan hệ đó giúp nâng cao sự tiện lợi cho khách hàng, tạo nền tảng hướng tới xã hội không dùng tiền mặt.
HÀ KIÊN