PGS-TS Nguyễn Viết Nhung cho biết: "Y tế di động (mHealth) được định nghĩa là việc sử dụng công nghệ di động và không dây nhằm cải thiện dịch vụ chăm sức khỏe..." .
Điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh lao
Hiện nay, kiểm soát lao vẫn là vấn đề quan trọng ưu tiên trên toàn thế giới. Năm 2017, thế giới có trên 10 triệu ca mắc mới, trong đó 10% là trẻ em.
Việt Nam đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc kiểm soát dịch lao với tỷ lệ mắc mới giảm 34% trong vòng 17 năm qua, nhưng vẫn có 4.1% số ca mắc mới được chẩn đoán lao đa kháng thuốc.
Trong năm 2019, 68% các trường hợp mắc lao ở Việt Nam được điều trị thành công; 32% điều trị không thành công, không theo dõi được và tử vong.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm chương trình chống lao quốc gia, Giám đốc bệnh viện Phổi Trung ương: “Biến cố bất lợi nghiêm trọng là rào cản lớn nhất để điều trị thành công bệnh nhân lao. Việc này xảy ra khi việc điều trị bị gián đoạn, hoặc người bệnh bỏ trị thường xuyên mà không được phát hiện và hỗ trợ kịp thời. Vì vậy, phát hiện sớm và quản lý tốt tác dụng phụ và biến cố bất lợi sẽ góp phần quan trong giúp bệnh nhân hoàn thành lộ trình điều trị và cải thiện kết quả điều trị”.
Việc này sẽ dễ dàng thực hiện hơn trong bối cảnh tiếp cận với công nghệ di động đang tăng lên nhanh chóng tại Việt Nam trong thập kỷ vừa qua. Việt Nam đang là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng cách mạng công nghệ. Một điều tra gần đây đã chỉ ra rằng, với 93% người sống ở đô thị và 89% người sống tại khu vực nông thôn sở hữu điện thoại di động - Việt Nam là một trong số các nước có tỷ lệ được xem là cao nhất trên thế giới.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết: "Y tế di động (mHealth) được định nghĩa là việc sử dụng công nghệ di động và không dây nhằm cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Một lợi thế quan trọng của mHealth là khả năng ứng dụng cách tiếp cận chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm. Các ứng dụng mHealth trên điện thoại thông minh và giao diện web cho phép các cá nhân truy cập thông tin liên quan đến sức khoẻ bất cứ khi nào họ cần và góp phần nâng cao kiến thức cho bệnh nhân cũng như đưa ra quyết định lâm sàng. Ứng dụng có thể liên kết trực tiếp bệnh nhân với điều trị lâm sàng thông qua tin nhắn hoặc gọi điện thoại. Phương pháp này hạn chế bớt các rào cản hiện có và hỗ trợ bệnh nhân nhanh chóng hơn".
Tiến sỹ Đặng Thị Hải Thơ, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock cho biết: Hiệu quả của ứng dụng công nghệ trong y tế đã được chứng minh bước đầu thành công trên bệnh nhân lao trong một số nghiên cứu. Công nghệ di động đang hứa hẹn tiềm năng rất lớn để thay đổi cách chăm sóc bệnh nhân lao tại Việt Nam. Công nghệ này sẽ hỗ trợ cải thiện quy trình báo cáo biến cố bất lợi nghiêm trọng.
V-SMART (Ứng dụng công nghệ mới mHealth để quản lý lao kháng đa thuốc) là nghiên cứu cấp Quốc gia do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đồng tài trợ theo hình thức hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Australia.
Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá hiệu quả của phương pháp can thiệp sử dụng công nghệ (ứng dụng điện thoại "Bác sỹ Minh" dành cho bệnh nhân kháng thuốc tham gia nghiên cứu V-Smart) trong hỗ trợ quản lý biến cố bất lợi, so sánh với "chăm sóc thường quy" trong điều trị thành công lao kháng đa thuốc ở Việt Nam.
Theo TTXVN