Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6.2017 vừa được Chính phủ ban hành.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương nghiên cứu loại bỏ một số điều kiện kinh doanh (ÐKKD) không phù hợp. Chỉ đạo của Chính phủ đã gieo hy vọng cho nhiều chủ doanh nghiệp.
Ðầu năm 2017, một doanh nghiệp kinh doanh gas của Hải Dương đã gửi đơn kiến nghị lên Sở Công thương đề nghị Bộ Công thương loại bỏ một số ÐKKD đối với mặt hàng này theo Nghị định 19 của Bộ Công thương đã ban hành. Một số điều kiện trong nghị định này thực chất đã tạo áp lực không đáng có cho các doanh nghiệp kinh doanh gas. Trước nhiều kiến nghị của doanh nghiệp và nghiên cứu lại các điều kiện trong nghị định, Bộ Công thương đã chính thức điều chỉnh, loại bỏ một số ÐKKD không phù hợp đã nêu trong nghị định này.
Tại một hội nghị bàn về khởi nghiệp do Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức, một cá nhân đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến về ÐKKD. Anh này cho biết rất muốn đem kiến thức đã được học tại Singapore về Hải Dương để lập nghiệp, thành lập một doanh nghiệp theo ý tưởng của riêng mình. Nhưng sau khi tìm hiểu về các điều kiện liên quan đến ngành nghề định kinh doanh thì anh đã thực sự chán nản, ý chí khởi nghiệp thui chột. Bởi theo anh, hiện Việt Nam có quá nhiều ÐKKD vây hãm khả năng khởi nghiệp. Thậm chí một số ÐKKD còn can thiệp quá sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp. Vì lý do đó anh đã quyết định sẽ trở lại Singapore để khởi nghiệp. Như vậy, ÐKKD đang trở thành rào cản kìm hãm sự sinh sôi và phát triển của doanh nghiệp.
ÐKKD là yếu tố đầu tiên doanh nghiệp cần nghiên cứu trước khi quyết định đăng ký thành lập doanh nghiệp. Cơ quan có thẩm quyền cũng phải căn cứ vào các điều kiện quy định đối với ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp để chấp thuận sự khai sinh của doanh nghiệp đó. ÐKKD là công cụ cần thiết để Nhà nước quản lý hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều cần thiết là có những ÐKKD phù hợp, không kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp.
Tại hội nghị hiến kế nâng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do UBND tỉnh phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đầu tháng 4 vừa qua đã chỉ rõ ÐKKD đang là một trong những yếu tố kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Hải Dương nói riêng. Ðây cũng là nguyên nhân gián tiếp tạo ra những chi phí không chính thức. Theo thống kê của VCCI, hiện còn 243 ngành nghề kinh doanh cần ÐKKD và có tới gần 6.000 ÐKKD khác liên quan đến 15 bộ, ngành còn tồn tại. Trong đó, Bộ Công thương dẫn đầu khi đưa ra 1.220 ÐKKD, theo sau là Bộ Y tế với 740 ÐKKD. VCCI cũng đã chỉ ra trong số gần 6.000 ÐKKD còn có rất nhiều ÐKKD không còn phù hợp, cần phải loại bỏ.
Vậy bỏ ÐKKD, Nhà nước sẽ quản lý doanh nghiệp như thế nào? Trước hết, thông điệp của Chính phủ là không loại bỏ tất cả các ÐKKD mà là rà soát để loại bỏ những ÐKKD không phù hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất. Nhiều nước trên thế giới cũng đã từng làm như vậy. Chẳng hạn như ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Thái Lan… các doanh nghiệp phải chịu rất ít các ÐKKD. Họ đăng ký thành lập doanh nghiệp rất dễ. Ở những quốc gia này, ÐKKD không phải là yếu tố quan trọng để quản lý doanh nghiệp mà các quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng đối với sản phẩm mà doanh nghiệp đó làm ra mới quan trọng. Như vậy, các tập thể, cá nhân có thể thành lập doanh nghiệp rất đơn giản nhưng nếu sản xuất ra sản phẩm không bảo đảm quy chuẩn chất lượng sẽ bị cơ quan quản lý tuýt còi.
Chính phủ đang nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, tạo thuận lợi cho khởi nghiệp và phát triển kinh tế tư nhân thì việc loại bỏ các ÐKKD không phù hợp là rất cần thiết. Các cơ quan quản lý nhà nước cần khẩn trương rà soát các ÐKKD, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp khởi nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân.
HẢI MINH (TP Hải Dương)