Mỗi dịp nghỉ lễ 2.9, bên cạnh những tin tức về người dân hồ hởi đi du lịch khắp mọi miền đất nước, bao giờ cũng có những thông tin về các vụ tai nạn giao thông xảy ra ở nhiều nơi.
Dịp 2.9 năm nay, tiếp tục có vụ tai nạn giao thông mà nạn nhân bị tử vong không phải do xe đâm mà do những tấm tôn trên chiếc xe xích lô cứa vào cổ. Vụ tai nạn ở xã Yên Lộc (Kim Sơn, Ninh Bình) này không phải trường hợp đầu tiên chết người do tôn chở trên xe thô sơ cứa vào cổ người đi đường. Trước đó, vào tháng 9.2016 đã liên tiếp xảy ra 2 vụ tai nạn tương tự tại Hà Nội làm 2 nạn nhân tử vong ngay trên đường đi cấp cứu.
Tháng 5.2017, một xe chở tôn cũng làm 2 người bị thương trên đường Nguyễn Tri Phương (TP Hồ Chí Minh)... Sự lặp lại những cái chết đau lòng không đáng có ấy là biểu hiện đáng báo động về ý thức tham gia giao thông cũng như tình trạng xe thô sơ chở vật liệu xây dựng cồng kềnh.
Việc dùng xe thô sơ chở vật liệu cồng kềnh, nguy hiểm mà không đóng bọc là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho người đi đường. Ðiều ấy ắt hẳn ai cũng biết, kể cả người chở lẫn người thuê chở, nhất là sau khi có nhiều vụ tai nạn xảy ra, được đưa tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng tại sao tình trạng đó vẫn diễn ra?
Trước tiên là do cách vận chuyển này có chi phí thấp nên bất chấp việc vi phạm luật, gây nguy hiểm, nhiều người vẫn lựa chọn. Bên cạnh đó, việc ngăn chặn, xử lý xe thô sơ chở vật liệu cồng kềnh dường như chưa được triển khai thực hiện quyết liệt ở nhiều nơi. Mỗi khi có một vụ tai nạn do tôn cứa cổ người đi đường, vấn đề này lại được xới lên nóng bỏng một số ngày, sau đó lại chìm vào quên lãng. Dường như xã hội vẫn thờ ơ với nguy cơ chết người này vì một lý do rất duy tình. Ấy là những người lái xe thô sơ đều là người khó khăn, cần công ăn việc làm. Còn nhớ khi xảy ra vụ tai nạn xe chở tôn ở Hà Nội tuy đang đỗ bên đường phố nhưng vẫn gây ra cái chết cho một cháu bé, bên cạnh những bài báo gióng lên hồi chuông cảnh báo, còn có những ý kiến thiên về bênh vực, thương cảm cho người lái xe xích lô vì nghèo khó mà phải làm công việc cực nhọc đó. Sự duy tình đó xuất phát từ cảm tính tự nhiên của con người, song xét về lâu dài và sự tác động xã hội, nó không giúp ích mà thậm chí còn làm hại cả người được thương cảm lẫn những người tham gia giao thông khác. Và sự thực là sau đó, những vụ tai nạn tương tự tiếp tục xảy ra.
Ðể không còn những cái chết đau lòng vô lý đó, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần có các biện pháp quyết liệt hơn nhằm xóa bỏ tình trạng xe thô sơ chở vật liệu xây dựng cồng kềnh lưu thông trên đường. Ðối với những người chở thuê hàng bằng xe thô sơ, cách giúp đỡ họ tốt nhất là tạo điều kiện để họ chuyển đổi công việc, đồng thời nâng cao nhận thức về những hành vi vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn cho những người tham gia giao thông. Ðó mới là cách giúp đỡ lâu dài và thiết thực để họ không phải vì mưu sinh mà có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng một cách vô ý.
Vận chuyển vật liệu xây dựng và các loại hàng hóa cồng kềnh bằng xe thô sơ chỉ giúp một số người thu mối lợi nhỏ, nhưng việc dẹp bỏ được tình trạng đó sẽ loại bớt những “cái bẫy chết người” trên đường và tác dụng lớn hơn cả là tính nghiêm minh của pháp luật được thực thi.
VIỆT HÒA