Giáo dục

UNESCO luôn sát cánh cùng Việt Nam trong xây dựng xã hội học tập

08/09/2023 10:20

UNESCO cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 về giáo dục trong bối cảnh học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

UNESCO luon sat canh cung Viet Nam trong xay dung xa hoi hoc tap hinh anh 1
Các học viên tập viết chữ tại lớp xóa mù chữ tại bản Pho Lao Chải, xã Tả Lèng (Tam Đường, Lai Châu)

Ngày 8/9, UNESCO kỷ niệm Ngày Quốc tế Xóa nạn Mù chữ 2023 (ILD 2023) với chủ đề “Thúc đẩy xóa mù chữ cho một thế giới đang chuyển đổi: Xây dựng nền tảng cho các xã hội hòa bình và bền vững.”

Ông Michael Croft, Quyền Trưởng Đại diện Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) tại Việt Nam về các nội dung liên quan đến sự kiện.

- Xin ông cho biết ý nghĩa của thông điệp Ngày quốc tế Xóa nạn Mù chữ 2023?

Ông Michael Croft: Kể từ khi được UNESCO công bố lần đầu tiên vào năm 1966, Ngày Quốc tế Xóa nạn Mù chữ đã diễn ra vào ngày 8/9 hằng năm trên khắp thế giới.

Mục đích là để nhắc nhở cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của việc xóa mù chữ đối với các cá nhân, cộng đồng và xã hội, cũng như sự cần thiết phải tăng cường nỗ lực hướng tới một xã hội mọi người đều biết chữ và bền vững hơn.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Xóa nạn Mù chữ năm nay là “Thúc đẩy xóa mù chữ cho một thế giới đang chuyển đổi: Xây dựng nền tảng cho các xã hội hòa bình và bền vững” đã được lựa chọn nhằm tạo cơ hội để thế giới cùng nỗ lực đẩy nhanh tiến độ hướng tới đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững số 4 (SDG4) về giáo dục và học tập suốt đời, đồng thời phản ánh vai trò của xóa nạn mù chữ trong việc xây dựng các xã hội hòa nhập, hòa bình, công bằng và bền vững hơn.

UNESCO tin rằng khả năng đọc viết là rất quan trọng đối với việc hình thành những xã hội như vậy.

Điều quan trọng là phải hiểu được mối quan hệ qua lại giữa khả năng đọc viết và các lĩnh vực phát triển khác.

Cũng cần lưu ý rằng khả năng đọc viết ngày càng được hiểu vượt ra ngoài khái niệm thông thường của nó như là một tập hợp các kỹ năng đọc, viết và đếm, và phải là một phương tiện để nhận dạng, hiểu, giải thích, sáng tạo, giao tiếp trong một môi trường ngày càng kỹ thuật số, giàu thông tin và thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

- Ông có thể chia sẻ đánh giá của mình về việc thực hiện xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục, cũng như xây dựng xã hội học tập của Việt Nam thời gian qua?

Ông Michael Croft: Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong mọi lĩnh vực từ phổ cập giáo dục đến xóa mù chữ và học tập suốt đời, mặc dù vẫn còn tồn tại sự chênh lệch giữa các nhóm khác nhau về mặt dân tộc, khuyết tật và mức sống.

UNESCO luon sat canh cung Viet Nam trong xay dung xa hoi hoc tap hinh anh 2
Quang cảnh lớp học xóa mù chữ cho người Sán Chỉ ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh)

Thứ nhất, về phổ cập giáo dục, cả nước đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000, sau đó là phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010. Gần đây nhất là đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Những thành tựu này đảm bảo khả năng tiếp cận giáo dục cơ bản và bắt buộc, đặt nền tảng cho quá trình hiện đại hóa kinh tế và phát triển toàn diện, bền vững.

Thứ hai, cùng với việc phổ cập giáo dục cơ bản và bắt buộc, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về xóa nạn mù chữ.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết cao ở mức 95,8%.

Khoảng cách về tỷ lệ biết chữ giữa nam và nữ đã thu hẹp trong 20 năm qua, đạt 2,4 điểm % vào năm 2019 (giảm từ 7,0 điểm % vào năm 1999).

Tuy nhiên, sự chênh lệch vẫn còn. Khoảng cách giữa tỷ lệ biết chữ ở thành thị và nông thôn là 4 %: ở thành thị là 98,3% so với 94,3% ở nông thôn.

Sự khác biệt giữa các vùng kinh tế-xã hội còn lớn hơn, trong đó Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ biết chữ cao nhất (98,9%), thấp nhất là ở Tây Nguyên và miền núi phía Bắc (89,9%).

Điều đáng lưu ý là ngoài việc thúc đẩy phổ cập giáo dục cơ bản, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện các sáng kiến nhằm tiếp cận những người mù chữ và bán mù chữ, chẳng hạn như mở thêm các lớp xóa mù chữ cho người lớn ở vùng dân tộc thiểu số và vùng khó khăn.

Các cơ chế đã được thiết lập để chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi và đánh giá các tiêu chuẩn xóa mù chữ trong cộng đồng dân cư, khuyến khích hàng nghìn người trưởng thành tham gia các lớp học xóa mù chữ tại các trung tâm học tập cộng đồng.

Tuy nhiên, như tôi đã đề cập, chúng ta cần suy xét kỹ hơn cách chúng ta xác định khả năng đọc viết.

Theo nghĩa truyền thống, đọc viết được định nghĩa là khả năng đọc, viết được một đoạn văn đơn giản trong sinh hoạt hàng ngày bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số hoặc tiếng nước ngoài.

Thuật ngữ “kiến thức chức năng” (tức là khả năng đọc và viết để phục vụ trong bối cảnh cụ thể và đóng góp cho sự tham gia của cá nhân vào cộng đồng) không phải là một phần của khái niệm được sử dụng ở Việt Nam.

Do đó, mặc dù thật đáng khích lệ khi thấy tỷ lệ biết chữ cao như vậy trên toàn quốc, nhưng cần cân nhắc kỹ lưỡng sự khác biệt quan trọng giữa khả năng đọc, viết cơ bản và khả năng đọc, viết chức năng, đồng thời chuyển trọng tâm của chúng ta sang hiểu biết rộng hơn về khả năng đọc, viết.

Thứ ba, về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, UNESCO nhận thấy những cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong hơn hai thập kỷ qua là đáng khích lệ.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001 đã ra Nghị quyết xây dựng cả nước trở thành xã hội học tập.

Tiếp theo đó là 3 Đề án Quốc gia về “Xây dựng Xã hội Học tập” (2005-2010; 2012-2020, 2021-2030) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một vài ví dụ về cam kết chính trị trong việc biến đất nước các bạn thành một xã hội học tập.

Việt Nam cũng đã điều chỉnh khái niệm học tập suốt đời lấy cảm hứng từ khuôn khổ, kinh nghiệm quốc tế và đang tích cực thúc đẩy, bao gồm cả thông qua Mạng lưới Thành phố Học tập Toàn cầu (GNLC) của UNESCO, nhằm hỗ trợ và cải thiện thực tiễn học tập suốt đời ở các thành phố trên toàn thế giới.

Hiện tại, 5 thành phố của Việt Nam đã được liệt kê là thành viên của “Thành phố Học tập” trong mạng lưới toàn cầu này gồm: Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Hải Dương (tỉnh Hải Dương), Thành phố Hồ Chí Minh, Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và Vinh (tỉnh Nghệ An) và sẽ có thêm nhiều thành phố khác.

- Liên hợp quốc nói chung và UNESCO nói riêng sẽ hỗ trợ Việt Nam như thế nào trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững đến năm 2030, trong đó có mục tiêu số 4: “Đảm bảo một nền giáo dục hòa nhập, bình đẳng, chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người”?

Ông Michael Croft: UNESCO, với tư cách là cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc được ủy quyền làm việc với các quốc gia thành viên nhằm đạt được nền giáo dục chất lượng và học tập suốt đời cho mọi người, đã dẫn dắt và điều phối việc thúc đẩy, giám sát Mục tiêu Phát triển Bền vững 4 về giáo dục (SDG4).

Gần đây, UNESCO đã hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo tiến hành phân tích, đánh giá toàn diện ngành giáo dục và xây dựng Khung chiến lược giáo dục Việt Nam 10 năm tới, trong đó có tính đến các cam kết của Chính phủ trong việc đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững số 4.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chuẩn bị đánh giá giữa kỳ mục tiêu này theo hướng dẫn của UNESCO.

UNESCO cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đạt được SDG4 trong bối cảnh học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập.

Điều này bao gồm tư vấn thêm về chính sách và hỗ trợ kỹ thuật cho những nỗ lực của đất nước các bạn, nhằm xây dựng các chính sách và hệ thống học tập suốt đời hiệu quả, toàn diện, đồng thời thúc đẩy các thành phố học tập và xã hội học tập, bao gồm cả Mạng lưới Thành phố Học tập Toàn cầu của UNESCO.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

Theo TTXVN
(0) Bình luận
UNESCO luôn sát cánh cùng Việt Nam trong xây dựng xã hội học tập