Việc UNESCO đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là sự khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham dự (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Tối 15.6, Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và khai mạc Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận năm 2023 đã diễn ra trang trọng tại Quảng trường 16.4, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Tới dự và chứng kiến sự kiện có Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ngành và địa phương trong vùng.
Bên cạnh kỳ vọng lan tỏa rộng rãi trong nước và quốc tế, buổi lễ được tổ chức còn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” trong thời gian tới.
Đối với Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận được tổ chức 2 năm/lần, đây là dịp giới thiệu các sản phẩm đặc thù, riêng biệt sẵn có của tỉnh góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương, làm nổi bật đặc trưng của nho Ninh Thuận.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” là sự khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc của Việt Nam trong kho tàng di sản văn hóa thế giới, đề cao vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại. Di sản văn hóa nghệ thuật làm gốm của người Chăm từ nay đã trở thành tài sản chung của nhân loại.
Với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo không ngừng của người dân Ninh Thuận, nhiều giống nho đã được trồng thành công, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao; trở thành những địa điểm thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Theo Phó Thủ tướng, Lễ hội Nho-Vang chính là cơ hội để tôn vinh những người nông dân, doanh nhân, nhà khoa học; đồng thời cũng là dịp để trao đổi, chia sẻ cơ hội hợp tác, quảng bá đưa thương hiệu nho-vang Ninh Thuận ra thị trường trong nước, thế giới; theo thời gian sẽ trở thành một nét văn hóa đặc trưng của đất và người Ninh Thuận.
Phó Thủ tướng đề nghị Ninh Thuận cần khẩn trương hình thành các hệ sinh thái công nghiệp năng lượng xanh; phát triển nông nghiệp sinh thái nông thôn hiện đại, nông dân thông minh; chủ động thích ứng với các tác động ngày càng khốc liệt của biến đổi khí hậu.
Song song với đó là chăm lo công tác giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đón đầu làn sóng đầu tư mới phù hợp với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số kinh tế dựa vào tri thức, kinh tế tuần hoàn, định hướng ưu tiên phát triển của địa phương.
Đặc biệt, Ninh Thuận phải định vị được những giá trị văn hóa đặc sắc, riêng có, làm nền tảng để khơi dậy lòng tự hào, tình yêu thương quê hương, khát vọng cống hiến trong từng người dân, trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của địa phương.
Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng công nhận của UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp cho tỉnh Ninh Thuận (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Ninh Thuận cần có quy hoạch cụ thể, thiết thực hơn trong gìn giữ, bảo tồn, chấn hưng, phát huy các giá trị văn hóa, vật thể và phi vật thể; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo lập môi trường văn hóa trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian văn hóa gia đình và cả không gian mạng.
Cùng với đó, các cấp, các ngành và toàn xã hội cần chung tay gìn giữ, bảo tồn các di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, bảo tồn các di tích di sản văn hóa đã được ghi danh để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp luôn đồng hành trong mọi bước đường phát triển của dân tộc; đóng góp và làm giàu cho văn hóa thế giới.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng trân trọng cảm ơn bạn bè quốc tế đã dành cho Việt Nam sự hợp tác, giúp đỡ hết sức quý báu để các giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam được gìn giữ, ngày càng lan tỏa sâu rộng, hòa cùng dòng chảy của tinh hoa văn hóa nhân loại.
Theo chương trình, Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận năm 2023 được diễn ra từ ngày 13.6 đến hết ngày 18.6 với 12 hoạt động cấp tỉnh về văn hóa, thể thao và du lịch rất đặc sắc, hấp dẫn, quy mô lớn và nhiều hoạt động hưởng ứng khác từ các huyện, thành phố trong tỉnh Ninh Thuận.
Trước đó, chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới tham quan và gặp mặt các nghệ nhân và người dân làng gốm Bàu Trúc, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước - một trong những làng nghề cổ xưa nhất vùng Đông Nam Á.
Chủ tịch nước đã tham quan Nhà trưng bày gốm Bàu Trúc tại thôn Bàu Trúc, nghe giới thiệu về các sản phẩm gốm độc đáo cũng như truyền thống làm gốm của người dân nơi đây.
Gặp gỡ, trò chuyện với người dân làng gốm Bàu Trúc, Chủ tịch nước động viên thăm hỏi đời sống, sản phẩm đầu ra, thu nhập của người dân; mong muốn bà con tiếp tục gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa riêng có, đặc biệt là việc bảo tồn, phát huy các giá trị của gốm Chăm, qua đó góp phần khẳng định các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Làng Bàu Trúc, tiếng Chăm gọi là Palei Hamu Craok gồm hai khu phố là Bàu Trúc và khu phố 12 hiện có 1.286 hộ với 5.871 nhân khẩu gắn bó với nghề gốm truyền thống mẹ truyền con nối.
Bàu Trúc là làng gốm duy nhất ở Việt Nam mà người thợ chỉ dùng bàn tay tài hoa của mình để cho ra đời những sản phẩm đất nung.
Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc có thể làm hàng trăm loại sản phẩm gốm theo nhu cầu thị trường. Đây cũng là địa danh thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm và trải nghiệm nghệ thuật làm gốm thủ công.
Theo TTXVN