Mặc dù binh sĩ Ukraine bắt đầu được huấn luyện sử dụng xe tăng Leopard-2 ở Ba Lan, song lực lượng vũ trang nước này nói rằng họ mất dần kiên nhẫn trong việc chờ đợi sự xuất hiện của những chiếc xe tăng của phương Tây.
Xe tăng chủ lực T-62 của quân đội Ukraine
Cho đến thời điểm hiện tại, quân đội Ukraine vẫn đang sử dụng những chiếc xe tăng sản xuất từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, họ cho rằng các phương tiện này đã quá cũ, dễ bị hỏng hóc và trục trặc thường xuyên, dẫn đến việc lực lượng Ukraine buộc phải rời khỏi chiến trường.
Mặc dù binh sĩ Ukraine đã bắt đầu nhận được khóa huấn luyện xe tăng Leopard-2 ở Ba Lan song lực lượng vũ trang Ukraine cũng bày tỏ mất dần sự kiên nhẫn trong việc chờ đợi sự xuất hiện của xe tăng do các nước phương Tây cung cấp.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với báo El Pais của Tây Ban Nha, Igor – chỉ huy một tiểu đoàn xe tăng thuộc lực lượng vũ trang Ukraine – chia sẻ chiếc tăng T-64 mà đơn vị Igor đang vận hành có tuổi đời “già gấp đôi" tuổi của Igor. Nó đã cũ kĩ và thường xuyên bị hỏng.
Igor nói rằng các vấn đề kỹ thuật đã làm hạn chế nghiêm trọng các hoạt động chiến đấu của quân đội Ukraine. Igor buộc phải nhiều lần rời khỏi chiến trường thay vì tấn công các vị trí của Nga do bánh xe gặp trục trặc và súng liên tục bị kẹt.
“Xe tăng của tôi đã hơn 50 tuổi. Tôi đang đợi xe tăng Leopard của Đức đến để có thể chuyển sang một phương tiện chiến đấu đáng tin cậy hơn”, Igor cho hay.
Chỉ trong gần 1 năm xung đột với Nga nổ ra, Ukraine được cho là đã tổn thất gần một nửa trong số 800 xe tăng có trong kho vũ khí.
Phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich thường niên tổ chức cuối tuần qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết Đức sẽ có thể sớm triển khai những chiếc xe tăng Leopard đầu tiên tới Ukraine, đồng thời kêu gọi các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị cho một “cuộc chiến lâu dài”.
Bên cạnh xe tăng Leopard-2, quân đội Ukraine cũng chuẩn bị nhận xe tăng Abrams của Mỹ và xe tăng Challenger-2 của Anh.
Tuy nhiên, sự mong chờ xe tăng của Igor cùng các đồng đội sẽ không sớm được đáp ứng.
Đầu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius hồi tuyên bố các đồng minh phương Tây đang gặp thách thức trong việc hình thành hai tiểu đoàn xe tăng Leopard 2 để chuyển giao cho Ukraine như đã hứa vào cuối tháng 1.
Ông Pistorius lưu ý Đức và Bồ Đào Nha là hai quốc gia duy nhất đồng ý triển khai biến thể A6 của xe tăng Leopard 2, bao gồm 14 chiếc từ Berlin và 3 chiếc từ Lisbon. Tuy nhiên, với ngay cả với những chiếc xe tăng này, số lượng tăng không đạt được quy mô của một tiểu đoàn đủ để chuyển cho Ukraine.
Tại Ukraine, một tiểu đoàn xe tăng tiêu chuẩn sẽ được trang bị 31 chiếc. Ba Lan đã lắp ráp khoảng 30 chiếc Leopard 2 loại A4. Tuy nhiên, nhiều chiếc xe tăng này đang trong tình trạng cần sửa chữa trước khi có thể sử dụng. Điều này về cơ bản có nghĩa là chúng sẽ được chuyển đến Ukraine sớm nhất là vào tháng 4.
Tại Hội nghị An ninh Munich, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ ra việc một số quốc gia thành viên chần chừ trong chuyển giao xe tăng cho Ukraine. Thay vì kế hoạch cung cấp 80 chiếc như ban đầu, số lượng xe tăng mà Đức huy động được cho đến hiện giờ là không đủ. Mặc dù Thủ tướng Scholz không nêu tên bất kỳ quốc gia nào đã thất hứa hoặc gây cản trở, nhưng theo truyền thông Đức, Đan Mạch và Hà Lan đều cho biết họ sẽ không gửi xe tăng Leopard 2.
Về phần mình, Nga đã nhiều lần cảnh báo việc Mỹ và các đồng minh tiếp tục gửi vũ khí tới Ukraine có nguy cơ khiến họ trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột và khiến tình hình trở nên leo thang hơn nữa
Ngày 20.1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ không thay đổi cục diện chiến trường, cho rằng phương Tây, Ukraine đang phóng đại về tác động của các gói viện trợ quân sự và họ sẽ không ngừng hối tiếc vì ảo tưởng chung về khả năng chiến thắng của Ukraine trên chiến trường.
Theo báo Tin tức