Quyền Tổng thống nước này cũng đã đặt quân đội thường trực gồm 130 nghìn lính của Ukraine trong tình trạng báo động cao nhất.
Một nước Ukraine ngày càng bí bách đã quyết định khôi phục lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào hôm 1-5 – tình trạng này có hiệu lực ngay lập tức trong bối cảnh nổi loạn thân Nga ở miền đông nước này đe dọa làm tan rã nước cộng hòa cũ trong Liên bang Xô viết.
Sau khi 300 nhà hoạt động thân Nga chiếm trụ sở công tố viên ở Donetsk, họ đã đốt chân dung và đồng phục của các công tố viên ở đây |
Động thái trên, do quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov ký sắc lệnh, xuất hiện sau khi những người nổi loạn củng cố thêm quyền kiểm soát của họ đối với hơn 12 thành phố phía đông bằng việc nắm giữ tòa nhà công tố viên nhà nước ở khu vực thành phố trung tâm Donetsk.
Khoảng 300 chiến binh vừa ném chai xăng và gạch đá vừa đột kích vào tòa nhà, đánh đập số cảnh sát chống bạo động ít ỏi ở đây và tước cả khiên lẫn gậy của họ.
Bạo lực diễn ra khi các cuộc tụ tập rầm rộ thân Nga đã được tổ chức ở Donetsk và khu vực Crimea bị sáp nhập.
Chính quyền Kiev thân phương Tây đã thừa nhận rằng các lực lượng an ninh của họ vô dụng trong việc chặn đứng phong trào nổi loạn đang mở rộng mà họ tố là do Moscow dàn dựng.
Ông Oleksandr Turchynov hôm 30/4 đã lên án các đơn vị chấp pháp ở phía đông là không “hành động” gì hoặc thậm chí còn cộng tác với các phần tử nổi loạn để “phản bội”.
Ông này cũng đặt quân đội thường trực gồm 130.000 lính của Ukraine trong tình trạng báo động cao do e ngại khoảng 40.000 lính Nga tập trung ở vùng biên trong 2 tháng qua có thể xâm chiếm Ukraine.
Lệnh cưỡng bức tòng quân của ông đưa ra vào ngày 1/5 nhằm vào các đối tượng dự bị tuổi từ 18-25. Oleksandr Turchynov nói rằng chính phủ của mình đang cố gắng chống lại “tình hình xấu đi ở phía đông và phía nam”.
Tình trạng nổi loạn gia tăng và việc chiếm giữ các tòa nhà “đe dọa đến toàn vẹn lãnh thổ”, một thông cáo của văn phòng quyền Tổng thống khẳng định như vậy.
Bộ Ngoại giao Nga đã tuyên bố bất cứ nỗ lực của Kiev nhằm tăng cường hoạt động quân sự “chống lại người dân nước mình” ở phía đông đều có thể gây ra các “thảm họa”.
Trong một diễn biến quan trọng khác, Kiev đã ra lệnh trục xuất một nhà ngoại giao Nga bị bắt vì tội gián điệp, điều này có thể tạo ra nguy cơ trả đũa từ Nga.
Trong lúc khủng thoảng gia tăng, Đức đã đẩy mạnh việc kêu gọi Tổng thống Nga Putn giúp thả tự do 7 thanh sát viên của OSCE bị những người nổi loạn bắt giữ ở thành phố Slavyansk, trong đó có 4 người Đức, 1 người Ba Lan, một người Đan Mạch và một người Czech.
Phát ngôn viên của nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết bà Merkel đã “nhắc Tổng thống Putin về trách nhiệm của nước Nga với tư cách là thành viên OSCE và kêu gọi ông sử dụng ảnh hưởng của mình”.
TRUNG HIẾU (VOV)