Bãi bồi phù sa rộng bát ngát là nơi người dân xã Ðức Chính (Cẩm Giàng) sản xuất, mang lại thu nhập ổn định.
Ðất bãi thôn An Phú đang lở xuống sông vì “cát tặc”
Những năm gần đây, những bãi bồi phù sa này lại trở thành miếng mồi ngon để đêm đêm “cát tặc” rình mò, sẵn sàng sục vòi rồng hút trộm.
Hàng chục mẫu đất vàng biến mấtÐi qua cánh đồng cà rốt xanh ngút tầm mắt trải dài gần 1 km từ đê ra bãi sông, màu xanh tươi non của mùa cà rốt đang đậu củ, ai cũng nghĩ đây là vùng đất thanh bình. Khi chúng tôi ra tận mép sông, nhìn những khoảng đất bãi mới lở, những củ cà rốt mới chỉ to bằng ngón tay đã bị cuốn trôi theo dòng nước. Ðó là dấu vết và hậu quả mới nhất mà “cát tặc” gây ra. Ðăm đăm nhìn xuống dòng sông, ông Phạm An Ngưu ở thôn An Phú nói: “Nhà tôi bị chúng hút mất hơn 4 sào ruộng. Bây giờ để trồng cà rốt, gia đình tôi phải đi thuê đất của các hộ khác". Gia đình ông Ngưu chỉ là một trong hơn 350 gia đình khác ở Ðức Chính đã mất đất vĩnh viễn vì “cát tặc”.
Xã Ðức Chính có 138 ha đất bãi ngoài đê sông Thái Bình. Toàn bộ vùng đất này được xã chia lâu dài cho các hộ dân canh tác. Nếu như các vùng quê khác, đất bãi bồi chỉ trồng ngô, trồng đậu, thì với Ðức Chính đây là vùng đất trồng màu quanh năm. Cây trồng chủ lực là cà rốt, dưa, rau các loại. Giá thuê lại một sào đất bãi để canh tác là trên 1 triệu đồng/năm. Bãi “đất vàng” ở đây trải dài hơn 4 km ven sông, dưới lớp đất phù sa vài mét là các đụn cát ngầm mà dòng sông Thái Bình tích tụ bao đời nay. Ðây chính là mỏ cát dồi dào mà nhiều năm trở lại đây “cát tặc” tìm mọi thủ đoạn để lấy đi.
Ông Cao Thanh Côn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết “cát tặc” đã hoành hành ở Ðức Chính hàng chục năm nay. Giai đoạn 2012-2014 chúng hoạt động mạnh nhất. Ðến nay, toàn xã có 8 thôn bị mất đất bãi với tổng diện tích trên 40 mẫu. Riêng thôn An Phú mất 23 mẫu. Bãi bồi ở đây có điểm bị “cát tặc” khoét sâu hàng chục mét. Gia đình các ông, bà: Phạm Văn Viện, Trần Nguyễn Lót, Trần Thị Ánh, Trần Thị Dung… đều mất từ 1 - 3 sào. Mất đất, người dân mất đi tư liệu sản xuất. Ông S., một người dân ở đây than thở: "Hôm nay đang là ruộng cà rốt, là luống rau mùi, không biết ngày mai có còn không? Nhà tôi trôi sông mất 2 sào rồi, sao chính quyền các cấp không ngăn chặn được nạn hút cát trộm. Người dân chúng tôi biết trông chờ vào đâu?"
Giữ đất là giữ nguồn sống Khi “cát tặc” hoành hành, UBND xã Ðức Chính đã xây chòi canh 2 tầng để lực lượng chức năng quan sát hoạt động của "cát tặc". Các điểm tàu cát hay vào hút trộm, xã làm lều trông coi đất. Ông Trần Văn Tiến, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự xã, tổ trưởng tổ chống "cát tặc" trái phép cho biết tổ gồm 10 người, được chia làm 3 nhóm, luân phiên trực hằng đêm đã hoạt động được 3 năm. Ðể thuận lợi cho hoạt động, xã đề nghị UBND huyện hỗ trợ 1 xuồng máy, phối hợp chặt chẽ với Công an huyện. “Bờ sông dài gần 4 km, chúng tôi phải tuần tra đêm nhiều lần, nắm quy luật hoạt động của “cát tặc” để ngăn chặn hoặc bắt giữ. Khi phát hiện các tàu vào bãi hút cát, tổ chống "cát tặc" sẽ huy động toàn bộ lực lượng hoặc nhờ các lực lượng khác hỗ trợ”, ông Tiến nói.
Hiện nay “cát tặc” hoạt động rất tinh vi. Các máy hút không dùng động cơ công suất nhỏ, nổ ầm ầm như trước mà chúng dùng động cơ ô tô, công suất lớn, vòi hút to. Tàu 200 m3 chỉ hút 40 - 45 phút là đầy khoang. Không những vậy, chúng còn dùng một tàu hút cát bơm lên tàu chuyên vận tải. Lực lượng chức năng ra bắt tàu thì trên tàu hút cát không có cát, tàu chở cát lại không có máy hút. Vì thế tàu chở cát cứ chạy, gây khó khăn cho lực lượng chống "cát tặc" của xã. “Cát tặc” còn cho tay chân canh gác đêm, sẵn sàng báo cho lái tàu khi có lực lượng chức năng đến. Từ bờ đê ra bãi sông dài gần 1 km, có khi lực lượng ra tới nơi thì tàu đã ra xa bờ. Vì vậy, khi có thông tin, mọi người phải sử dụng phương tiện không đèn từ trong xóm ra bãi, bí mật áp sát tàu hút cát trộm. Tuy vậy, nhiều lần chúng chống trả quyết liệt, có lần lực lượng chức năng phải nổ súng mới trấn áp được. Ngày 2-12 vừa qua, khi lực lượng của xã lên bắt tàu, thấy lực lượng mỏng, chúng huy động 7 tên tràn lên cướp lại tàu, bơm cát xả ra sông hòng phi tang, dùng tàu khác lai dắt tàu cát sang địa phận huyện Nam Sách, gây khó khăn cho xã. Sau khi xã phối hợp với Công an huyện, “cát tặc” mới bỏ tàu lại.
Cuộc chiến chống “cát tặc” ở Ðức Chính vẫn nóng. Không tuần nào chúng không “ghé thăm” bờ bãi của xã. Ðức Chính đã và đang quyết đấu với "cát tặc" để giữ đất canh tác cho người dân.
TRẦN TUẤN