Ngày 12-11, UBND tỉnh Hải Dương họp phiên thường kỳ tháng 11. Đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển chủ trì phiên họp
Phiên họp xem xét các dự thảo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; báo cáo điều chỉnh, bổ sung về phân cấp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; điều chỉnh, bổ sung quy định mức thu, chế độ thu nộp một số loại phí, lệ phí; báo cáo quyết toán ngân sách địa phương năm 2013; quy định về nội dung, mức chi đối với các hoạt động về kiểm soát thủ tục hành chính, quy định về mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật; kế hoạch biên chế công chức các cơ quan hành chính nhà nước và số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2015.
Năm 2014, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ta ước tăng 7,7% so với năm 2013, cao hơn so với kế hoạch (kế hoạch tăng từ 7-7,5%) và cao hơn bình quân chung của cả nước (cả nước ước tăng 5,8%). Đến nay, 227 xã đã đạt bình quân 11,2 tiêu chí/xã trong xây dựng nông thôn mới (NTM), 57 xã giai đoạn 1 đạt bình quân 14,2 tiêu chí/xã, 18 xã đặc thù bình quân đạt 16,3 tiêu chí/xã. Tổng số vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh tăng gấp 3 lần so với năm 2013. Tổng thu ngân sách ước đạt 7.500 tỷ đồng, bằng 110% dự toán, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước... Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển; an ninh - trật tự được giữ vững. Tuy nhiên, phát triển sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất, nhập khẩu vẫn phụ thuộc phần lớn vào tốc độ tăng trưởng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; chất lượng các ngành dịch vụ chưa cao, quy mô còn nhỏ lẻ; chưa có thị trường tiêu thụ ổn định cho sản phẩm nông nghiệp... Công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xử lý đất dôi dư, xen kẹp ở một số địa phương còn chậm...
Phiên họp đã tập trung thảo luận về các chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015. Theo đó, mục tiêu năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế phấn đấu từ 7,5% trở lên; tổng thu ngân sách nội địa 5.575 tỷ đồng (không kể thu tiền sử dụng đất), tăng thu 5% trở lên so với ước thực hiện năm 2014; tạo việc làm mới cho 3,2 vạn lao động; 90% số dân được sử dụng nước sạch…
Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Hiển yêu cầu cơ quan tham mưu rà soát, cập nhật lại số liệu trong báo cáo cho sát với thực tế. Về xây dựng NTM cần phân tích, đánh giá chi tiết hơn những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí, nhất là ở 18 xã đặc thù. Trong lĩnh vực công nghiệp cần chỉ ra cái mới của năm 2014 so với năm 2013; phân tích rõ nguyên nhân các doanh nghiệp phải dừng sản xuất hoặc bỏ trốn. Về thu hút đầu tư nước ngoài cần bổ sung thêm đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cải cách thủ tục hành chính. Báo cáo cần đánh giá chi tiết hơn những hạn chế và nguyên nhân để đề ra được các giải pháp cụ thể. Về các nhiệm vụ và giải pháp năm 2015, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí với dự thảo. Yêu cầu báo cáo cần cụ thể các chỉ tiêu, tập trung đề xuất các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của địa phương, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2015.
Với các nội dung khác, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với tỷ lệ điều tiết phí bảo trì đường bộ cấp tỉnh là 20%, cấp huyện 80%. Bãi bỏ phí đường bộ đối với xe máy lưu thông trên đường 188 bắt đầu từ ngày 1-1-2015. Đối với tờ trình về phí môi trường tại TP Hải Dương, Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý tăng phí phân theo từng định mức cụ thể đối với các cơ quan hành chính sự nghiệp, các trường học, hộ kinh doanh… Đối với quy định về mức chi cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh, đồng ý áp dụng cho những người làm đầu mối kiểm soát thủ tục hành chính cấp xã 100 nghìn đồng/người/tháng, cấp huyện 150 nghìn đồng/người/tháng, cấp tỉnh 200 nghìn đồng người/tháng...
HẢI MINH