Ngày 11.7, HĐND tỉnh tiếp tục thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.
Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc). Ảnh: Thành Chung
Đại biểu Nguyễn Khắc Toản (Gia Lộc) đề nghị tỉnh tiếp tục xem xét có chủ trương hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất để ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tăng hỗ trợ diện tích nhà màng, nhà lưới. Mở rộng mô hình tuối nước tiết kiệm. Xây dựng thương hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa nông sản, quy hoạch vùng chuyên canh nông nghiệp chất lượng cao.
Có giải pháp hữu hiệu xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường từ hệ thống kênh tưới tiêu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Đẩy nhanh việc xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Đại biểu Toản đề nghị các ngành tham mưu cho UBND tỉnh xem xét phân cấp cho UBND cấp huyện được chấp thuận đầu tư các dự án hộ gia đình quy mô nhỏ.
Đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) đề nghị tỉnh quan tâm hơn nữa đến nông nghiệp, trong đó các huyện nông nghiệp trọng điểm. Theo đại biểu Khảnh, Ninh Giang là huyện nông nghiệp nhưng đầu tư các dự án cho nông nghiệp chưa có. Đầu tư bộ giống mới phù hợp với thổ nhưỡng địa phương chưa kịp thời. Việc dồn điền đổi thửa đến nay đã hoàn thành nhưng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa rất chậm.
Đề án bảo vệ môi trường, xử lý rác thải nông thôn qua triển khai 1 năm có nhiều chuyển biến nhưng ở cơ sở triển khai chưa tốt. Đầu tư bãi rác, mô hình thu gom xử lý rác thải chưa đồng bộ. Chế độ đãi ngộ với người thu gom xử lý rác thải chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều bãi rác chôn lấp đầy gây ô nhiễm môi trường. Nguồn nước sông Cửu An ô nhiễm ảnh hưởng đến nuôn thủy sản của nông dân. Từ nguồn nước này dẫn đến một số xã bị ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do nhà máy lấy nước mặt từ sông cửu An.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn) tỉnh quan tâm xây dựng phát triển nông sản đặc thù theo vùng miền. Thời gian qua, tỉnh quan tâm xây dựng thương hiệu cho quả vải thiều Thanh Hà. Thời gian cần quan tâm xây dựng thương hiệu cho na Chí Linh, cà rốt Cẩm Giàng, hành tỏi Kinh Môn... tiến tới xây dựng tập thể nông sản của Hải Dương sạch, an toàn.
Đại biểu Nguyễn Minh Hùng (Kinh Môn). Ảnh: Thành Chung
Làm rõ về lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết việc dồn điền đã xong nhưng chỉnh trang đồng ruộng đang thực hiện như hệ thống đường ra đồng, kênh mương để phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Sau dồn điền, việccấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rất cần thiết vì vị trí, diện tích đã thay đổi.
Đối với xây dựng thương hiệu, tỉnh đã xây dựng quy hoạch xây dựng thương hiệu nông sản. Đã có 10 sản phẩm chủ lực để xây thương hiệu. Các địa phương có truyền thống canh tác tập trung sản xuất hàng hóa đủ lớn với chất lượng sạch. Tỉnh giao cho các ngành hướng dẫn sản xuất sạch, xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản. Lễ hội vải thiều mang lại hiệu quả rõ khi giá tăng, nhiều nước biết đến.
Làm rõ việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông Vũ Ngọc Long, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết chưa bố trí được nguồn lực tài chính để triển khai thực hiện. Nếu lập hồ sơ địa chính để cấp lại chứng nhận quyền sử dụng đất, toàn tỉnh hết 120 tỷ đồng. Đến thời điểm này, mới có xã Hùng Thắng (Bình Giang) đo đạc, lập hồ sơ đề nghị cấp xong.
Về lĩnh vực giao thông, đại biểu Phạm Văn Khảnh (Ninh Giang) phản ánh tiến độ triển khai quốc lộ 37 chậm. Đoạn từ thị trấn Gia Lộc đến thị trấn Ninh Giang chưa được đầu tư nâng cấp. Cầu Chanh đã hoàn thành từ lâu nhưng đường dẫn vào đầu cầu lại chưa được làm.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Đình Long. Ảnh: Thành Chung
Làm rõ thêm nguồn vốn đầu tư xây dựng quốc lộ 37 chậm, ông Lê Đình Long,Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết dự án quốc lộ 37 trên địa bàn tỉnh từ huyện Gia Lộc - Vĩnh Bảo dài gần 25km với tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ. Do đây là tuyến quốc lộ nên nguồn vốn đầu tư của Trung ương. Đến nay, tỉnh xử lý 2 điểm nghẽn giao thông, gồm công trình cầu Chanh và cầu Ràm nhưng vẫn còn 5 điểm xung yếu chưa xử lý được. Do không có vốn nên hơn 1 năm nay, dự án phải dừng thi công. Để hoàn thành toàn bộ dự án cần khoảng gần 200 tỷ đồng. Mới đây Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sẽ sử dụng nguồn vốn dự phòng của Trung ương. Thời gian tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xử lý nguồn dự phòng vốn Trung ương. Nếu khai thác được nguồn vốn này, dự án sẽ tiếp tục được thực hiện.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đình Kiêm. Ảnh: Thành Chung
Về ý kiến của đại biểu Toản, ông Nguyễn Đình Kiêm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Luật Đầu tư có hiệu lực từ năm 2015. Theo đó có 3 cấp được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm: Quốc hội, Thủ tướng, UBND tỉnh, không quy định cấp huyện được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án trên địa bàn. Cuối năm 2017, đầu năm 2018, có một số huyện, thị xã, thành phố đề nghị UBND tỉnh ủy quyền được phép chấp thuận đầu hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn. Sở Kế hoạch và Đầu tư có văn bản xin ý kiến các bộ liên quan và đã được chấp thuận. Sở đã dự thảo ủy quyền cho UBND cấp huyện được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án hộ kinh doanh cá thể.
PV